Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á tăng trưởng kinh tế số

19:11, 01/11/2022

Google,Temasek và Bain & Company vừa công bố báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á, trong đó ước tính tổng giá trị hàng hóa nền kinh tế số Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 23 tỉ USD, tăng khoảng 28% so với kết quả của năm 2021 (18 tỉ USD), dẫn đầu Đông Nam Á.

Thương mại điện tử vẫn là "đầu tàu" khi có đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.

Xếp sau lần lượt là các thị trường Singapore, Indonesia, Philippines (22%), Thái Lan (17%) và Malaysia (13%).

Sau đại dịch, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động "bình thường mới" nhanh chóng. Tuy nhiên, một số thói quen và xu hướng tiêu dùng được hình thành và thúc đẩy trong đại dịch vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển.

Thương mại điện tử vẫn là "đầu tàu" khi có đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam với giá trị ước đạt 14 tỉ USD, tăng 26% so với năm 2021. Theo báo cáo, có 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Phần lớn người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ giao đồ ăn (60%) và mua hàng tạp hóa trực tuyến (54%).

Nhóm cư dân thành thị vẫn là những người sử dụng thương mại điện tử nhiều nhất khi có tới 96% số tham gia khảo sát xác nhận có dùng dịch vụ và khoảng 85% cho biết họ sử dụng dịch vụ như mua hàng trực tuyến, vận tải, giao đồ ăn...

Mặt khác, tần suất một người Việt Nam tiêu thụ nội dung số thấp hơn mức trung bình của khu vực với 23% người tham gia khảo sát cho biết họ xem video theo yêu cầu ít nhất một lần mỗi tuần, tiếp đến là 19% cho hoạt động chơi game online và 16% cho hoạt động nghe nhạc theo yêu cầu. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Dịch vụ nghe nhìn trực tuyến đạt 4,3 tỉ USD. Ngành vận tải và giao đồ ăn, du lịch trực tuyến lần lượt đạt 3 tỉ USD và 2 tỉ USD tại Việt Nam trong năm 2022. Dự báo đến 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 49 tỉ USD, với mức tăng trưởng hằng năm 31%.

Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DFS) tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Lĩnh vực Cho vay kỹ thuật số đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) nhanh nhất ở mức 114%, và lĩnh vực Đầu tư dự kiến sẽ có bước nhảy vọt lớn nhất vào năm 2025 với mức hơn 106% CAGR.

Bà Stephanie, Phó chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương, Phụ trách khu vực Đông Nam Á nhận định: "Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm nay với nền kinh tế kỹ thuật số có tốc độ phát triển nhanh nhất và thương mại điện tử có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Bất chấp những khó khăn hiện tại trên toàn cầu và khu vực, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam đang trên đà chạm mức 50 tỉ USD vào năm 2025".

Bà cũng cho rằng lực lượng lao động nội địa chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và sự thâm nhập ngày càng tăng của dịch vụ số hóa ở các khu vực thành thị và nông thôn đã tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển kỹ thuật số của Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, nhận thức ngày càng cao xoay quanh các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị sẽ giúp Việt Nam và khu vực Đông Nam Á xây dựng một kế hoạch tăng trưởng bền vững cho thập kỷ kỹ thuật số.

Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến ​​sự tăng trưởng về số lượng người dùng Internet với 20 triệu người dùng mới được thêm vào năm 2022, nâng tổng số người dùng lên 460 triệu người. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đó đang bắt đầu chậm lại và chỉ đạt 4% vào năm 2022 so với năm ngoái. Đó là so với mức tăng 10% hàng năm vào năm 2021 và 11% vào năm 2020. 

Thương mại điện tử tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng trong khu vực mặc dù hoạt động mua sắm trực tiếp đang được khôi phục khi các đợt lockdown được dỡ bỏ. Giá trị GMV trong lĩnh vực TMMĐ đã tăng 16% lên 131 tỷ USD vào năm 2022. 

Tuy nhiên, báo cáo cho biết, ba năm tới có thể chứng kiến​​sự chậm lại, dự báo tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 17% từ năm 2022 đến năm 2025.

Báo cáo cho biết: “Thương mại điện tử tiếp tục tăng tốc, giao hàng thực phẩm và phương tiện truyền thông trực tuyến đang quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, trong khi quá trình phục hồi nhu cầu di chuyển và giao vận về mức trước COVID sẽ mất nhiều thời gian”.

Một động lực tăng trưởng khác là ác dịch vụ tài chính kỹ thuật số như thanh toán, chuyển tiền, cho vay, đầu tư và bảo hiểm,... đã có mức tăng trưởng mạnh từ năm 2021 đến năm 2022, nhờ hành vi người dùng thay đổi. Trong số các dịch vụ này, bảo hiểm ghi nhận mức cao nhất, tăng 31% theo năm trong khi dịch vụ cho vay tăng 25% theo năm. 

Các điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay như tỷ lệ lạm phát tăng cao đã tác động đến người tiêu dùng Đông Nam Á và nền kinh tế kỹ thuật số. Báo cáo cũng chỉ ra một vài nguyên nhân như giá cả tăng, thu nhập giảm do suy thoái kinh tế, chuỗi cung ứng bị gián đoạn khiến người dùng bị hạn chế điều kiện tiếp cận sản phẩm, trong khi tồn đọng sản xuất tăng lên. Chính sách zero-Covid của Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.

Theo báo cáo, nền kinh tế trực tuyến của Đông Nam Á vẫn đang trên đà đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Nhìn chung, nền kinh tế Internet ở 6 quốc gia được dự đoán sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025 nếu các công ty tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận trong ba năm tới. Một số kỳ lân lớn nhất Đông Nam Á như Grab và Sea vẫn chưa ghi nhận lợi nhuận. 

Khôi Nguyên (T/h)