10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Flappy Bird có thể “tái sinh”

09:25, 17/03/2014

Trong tuần 11 (từ 10/3 – 16/3/2014), có khá nhiều thông tin từ cuộc họp giao ban quản lý Nhà nước tháng 1 và 2/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT). Tuy nhiên, thông tin về chú chim Flappy Bird có thể được đưa trở lại vẫn đáng chú ý hơn cả.

1- Điện thoại cố định tiếp tục giảm

Phát biểu tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước ngày 10/3, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, dịch vụ  điện thoại cố định của VNPT vẫn tiếp tục sụt giảm. Tuy không đưa ra con số cụ thể, nhưng theo công bố của VNPT năm ngoái, doanh thu dịch vụ cố định của VNPT giảm khoảng 10%.  

Theo Sách trắng về CNTT-TT Việt Nam 2013, VNPT đang dẫn đầu về thị phần điện thoại cố định. Cụ thể, VNPT chiếm thị phần cao nhất (75,4%), tăng 68,8% so với năm 2011. Tiếp đó là Viettel (22,96%), tăng 22,3%; FPT Telecom (0,23%); SPT (1,21%); VTC (0,06%).

Vào thời điểm cực thịnh, VNPT có tới 13 triệu thuê bao điện thoại cố định. Nhưng theo xu thế (không thể cưỡng nổi, bởi di động lên ngôi), điện thoại cố định dần rơi vào “bĩ cực”, có quá nhiều thuê bao rời mạng. Hiện, VNPT chỉ còn khoảng hơn 5 triệu thuê bao cố định và chưa thể dự báo được trong những năm tới, sẽ giảm tiếp đến mức độ nào.

Theo tính toán của VNPT năm ngoái, bình quân mỗi phút gọi nội hạt (của điện thoại cố định) có giá thành là 650 đồng, trong khi phải bán cho khách hàng là 400 đồng/phút. Vậy là, cứ mỗi phút gọi nội hạt VNPT phải bù lỗ 250 đồng.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, doanh thu điện thoại cố định có xu hướng suy giảm, nhưng trên đường dây điện thoại (cố định) cần phát triển thêm các ứng dụng như Internet băng rộng, phát thanh - truyền hình. Hạ tầng băng rộng cố định quan trọng và VNPT phải có thêm nhiều dịch vụ hơn nữa trên mạng cố định.

2- Nguyễn Hà Đông đang tính cho chim Flappy Bird “bay” trở lại

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Rolling Stone mới đây, Nguyễn Hà Đông cho biết, sau khi cơn sốt Flappy Bird tạm lắng, hiện anh đang cân nhắc có nên đưa trò chơi này trở lại các kho ứng dụng Google Play và App Store hay không. Theo Đông, nếu đưa trở lại, game Flappy Bird (của anh) sẽ đi kèm màn hình cảnh báo để khuyến cáo người chơi đừng quá bị lôi cuốn vào nó.

Cách nay chừng một tháng, chính Nguyễn Hà Đông đã gỡ Flappy Bird khỏi các kho ứng dụng Google Play và App Store, bởi khả năng gây nghiện của nó.

 

Nguyễn Hà Đông và game Flappy Bird.  

Đông còn tiết lộ, ngoài Flappy Bird, anh đang xây dựng ba game mới, gồm một game bắn súng theo chủ đề cao bồi, một game cờ vua hành động có tên Checkonaut và game Kitty Jetpack. Một trong ba game này có thể sẽ được phát hành cho thiết bị di động trong tháng 3/2014.

Ở một bình diện khác, một nhóm bạn trẻ Việt Nam (nhóm N3D) đã thiết kế và đưa ra đấu giá phiên bản Flappy Bird bằng vàng thật (Golden Flappy Bird) trên trang đấu giá Webstore, với sự ủng hộ của tác giả. Golden Flappy Bird có trọng lượng 85,23g, được làm từ vàng nguyên khối và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn vàng quốc tế.

Theo đại diện N3D, xuất phát từ sự hâm mộ trò chơi “gây sốt” Flappy Bird, nhóm bạn trẻ này đã chế tác Golden Flappy Bird với mong muốn tiếp tục đưa hình ảnh và tên tuổi những người trẻ tài năng Việt Nam như Nguyễn Hà Đông ra thế giới.

3- MobiFone, VinaPhone, Viettel cùng tham gia OTT

Bộ TT-TT vừa cho biết, một trong những việc mà Bộ đang thực hiện là xem xét việc triển khai cung cấp ứng dụng OTT của MobiFone.

Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về dịch vụ OTT của MobiFone, từ cả phía cơ quan quản lý lẫn nhà mạng. Tuy nhiên, với thông tin này, có thể thấy MobiFone đã âm thầm xây dựng dịch vụ OTT cho mình từ trước đó.

Trước sức ép về giảm doanh thu bởi các dịch vụ OTT hiện nay, nhiều nhận định cho rằng, có thể cả Viettel và VinaPhone cũng sẽ, hoặc bắt tay vào làm OTT như MobiFone, hoặc hợp tác hay mua lại một dịch vụ OTT nào đó.

Cách đây ít lâu, từng dấy lên thông tin Viettel muốn mua lại Kakao Talk (của Hàn Quốc) sau đó tạm lắng. Nhưng trong tháng 2/2014, nhiều nguồn tin của các báo cho hay, Viettel vẫn đang muốn mua lại Kakao Talk hoặc đàm phán để thành lập liên doanh với thương hiệu này. Lý do: Kakao Talk là thương hiệu khá phổ biến tại Việt Nam và được phát triển bởi một công ty với 200 người, có sức sáng tạo mạnh nhưng lại không có thị trường. Trong khi đó, Viettel có thị trường nhưng lại chưa mạnh trong lĩnh vực OTT. Tuy nhiên, hiện Viettel chưa muốn cung cấp thông tin này cho báo giới.

Xa hơn - trước nữa, tại một cuộc họp và trước mặt báo giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel (nay là Tổng giám đốc) đã đặt vấn đề về việc mua lại Zalo với ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG - Đơn vị phát triển Zalo.

VinaPhone cũng không ngoại lệ. Trao đổi với Zing.vn mới đây, một lãnh đạo của VinaPhone cho biết: “Chúng tôi cũng có dự kiến cung cấp dịch vụ OTT vì đó là một xu thế công nghệ đang phát triển mạnh trên thị trường. Kế hoạch này đang được triển khai”. Ông cho rằng, nhu cầu của người dùng trên thiết bị di động đang tăng nhanh, và thoại cũng như SMS chỉ là một phần trong đó. Vì vậy, nếu nhà mạng muốn khai thác những nhu cầu mới đang tăng trưởng nhanh thì cần bước vào lĩnh vực này.

Về cách thức cung cấp dịch vụ, ông cho biết, VinaPhone đang cân nhắc việc mua một ứng dụng OTT trên thị trường hoặc có thể tự phát triển. “Hiện tại, chúng tôi vẫn đang tính toán”, ông nói.

4- Thuê bao truyền hình trả tiền không phải thay thiết bị khi số hóa

Đây là thông tin rất đáng mừng cho hơn 5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền.

Tại Hội nghị tập huấn về công tác truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất do Bộ TT-TT tổ chức vào ngày 10/3/2014 tại TP.HCM, có nhiều ý kiến thắc mắc về việc: Nếu những hộ dân đang dùng truyền hình trả tiền của các nhà cung cấp VTC, AVG, K+, SCTV, VTVcab, HCATV, MyTV, NextTV… thì khi tham gia chuyển đổi công nghệ theo Đề án số hóa truyền hình của Chính phủ, các doanh nghiệp này phải làm gì để hỗ trợ khách hàng của mình?

Giải đáp điều này, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT-TT đã khẳng định, những gia đình đang dùng dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: Cáp số, cáp analog, số vệ tinh kể cả truyền hình IPTV sẽ không phải chuyển đổi thiết bị thu xem trong lộ trình số hóa truyền hình.

Cả nước hiện có khoảng 22 triệu hộ có tivi, trong đó có hơn 5 triệu hộ xem truyền hình trả tiền, 3,5 triệu hộ dân xem tivi số mặt đất DVB-T.

Các hộ gia đình đang xem truyền hình mặt đất phát sóng quảng bá (thu analog bằng anten dàn và không phải trả tiền) – ước khoảng 12,5 triệu hộ, và hơn 3,5 triệu hộ dân đang xem tivi số mặt đất DVB-T sẽ phải chuyển đổi công nghệ.

Còn các hộ gia đình đang xem truyền hình trả tiền không nằm trong đối tượng phải thực hiện số hóa truyền hình. Số hộ dùng truyền hình trả tiền chủ yếu nằm ở các thành phố lớn.

5- Sau 8/4, Microsoft không cập nhật bảo mật cho Windows XP và Office 2003

Vào ngày 8/4/2014, tức là còn chưa đầy 1 tháng nữa, Microsoft sẽ dừng các hỗ trợ cho hệ điều hành Windows XP và Office 2003.

Theo đó, hàng triệu doanh nghiệp và cá nhân trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang sử dụng hệ điều hành và bộ phần mềm trên 10 năm tuổi này sẽ bị ảnh hưởng, sẽ đối mặt với nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của các cơ chế mã độc, ngày càng phát triển tinh vi.

 

Thông báo của Mcrosoft.

Cũng trong chương trình (lộ trình dừng), từ thời điểm 15h Việt Nam, ngày 8/3/2014, những người đang sử dụng Windows XP phiên bản Home và Professional sẽ nhận được thông báo từ Windows Update, nhắc về thời điểm dừng hỗ trợ Windows XP và khuyến nghị người dùng vào trang windows.com để tìm hiểu các thông tin cần thiết.

Để hỗ trợ người dùng có thể chuyển đổi từ Windows XP lên các nền tảng hệ điều hành mới hơn trong thời gian hạn chế, Microsoft giới thiệu bộ công cụ giúp chuyển đổi miễn phí và trang web tự phát hiện nền tảng hệ điều hành sau đây:

1. Công cụ chuyển đổi miễn phí Windows XP: PCmover Express for Windows XP.

Microsoft đã hợp tác với Laplink PCmover đưa ra sản phẩm này, giúp sao các tập tin và thiết lập của người dùng từ một máy tính Windows XP tới một thiết bị mới chạy Windows 7, Windows 8 hoặc Windows 8.1. Người dùng có thể tải PCmover Express về từ www.windowsxp.com.

2. Trang web tự phát hiện Hệ điều hành Windows: AmIrunningXP.com.

Đối với những người dùng không chắc chắn về phiên bản Windows đang sử dụng, Microsoft giới thiệu AmIRunningXP.com, được thiết kế để tự động phát hiện phiên bản Windows trên máy.

Nếu thấy máy dùng Windows XP, trang web sẽ cung cấp các liên kết liên quan, đồng thời hướng dẫn phương thức nâng cấp lên một hệ điều hành mới hơn. Thông tin hỗ trợ có thể truy cập: www.microsoft.com/business/vi-vn/Pages

6- Tạm dừng cấp phép ấn phẩm báo chí mới

Ngày 10/3, tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 1 và 2/2014 của Bộ TT-TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Chính phủ đã ra thông báo: Trong khi chuẩn bị báo cáo Quy hoạch Báo chí toàn quốc đến năm 2020 để trình Bộ Chính trị ban hành, Bộ tạm dừng cấp phép thành lập mới các cơ quan báo chí mới và xuất bản thêm các ấn phẩm báo chí, đồng thời rà soát, giảm bớt những tờ báo hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị Cục Báo chí rà soát ấn phẩm phụ và báo cáo Bộ trong thời gian tới để quản lý báo chí nói chung và ấn phẩm phụ nói riêng.

"Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 4. Đây là cuộc cách mạng báo chí để có những cơ quan báo chí hợp lý, chất lượng ngày càng cao hơn phục vụ cuộc sống xã hội tốt, sự điều hành của Chính phủ, diễn đàn của nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

7- Có hơn 4,2 triệu tin nhắn rác trong dịp Tết Giáp Ngọ

Cũng tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước tháng 1 và 2/2014, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, vấn nạn tin nhắn rác diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Nhiều trường hợp mạo danh VNPT, Viettel để lừa đảo và Công an đã phải vào cuộc xử lý. Trong dịp Tết Giáp Ngọ, đã phát hiện được 4.206.114 tin nhắn rác và các mạng di động đã xử lý ngăn chặn 11.250 thuê bao do phát tán tin nhắn rác, đồng thời xử lý 25 doanh nghiệp đối tác vì phát tán tin nhắn rác, nhưng số lượng tin nhắn rác vẫn còn rất lớn, gây bức xúc cho xã hội.

Theo kết quả chương trình khảo sát do Bkav thực hiện vào tháng 4/2013, gần 70% người dùng tham gia khảo sát của Bkav thường xuyên bị làm phiền bởi tin nhắn rác. Kết quả này cho thấy, tin nhắn rác tiếp tục là vấn nạn gây bức xúc trong xã hội, khi mà tại Việt Nam, cứ 100 người dân thì có 144 thuê bao di động được sử dụng (theo Sách Trắng về CNTT - TT năm 2012).

8- Sẽ thu hồi tần số của S-Fone, EVN Telecom

Bộ TT-TT đang chỉ đạo Cục Viễn thông xem xét thu hồi lại băng tần 450 MHz cấp cho EVN Telecom và băng tần 850 MHz cấp cho S-Fone để khai thác dịch vụ di động mặt đất, nhưng trong thời gian qua, hai doanh nghiệp này đã ngừng cung cấp dịch vụ, không hoạt động nữa.

Băng tần 450 MHz cấp cho EVN Telecom đã được bàn giao nguyên trạng cho Viettel theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2011, sau khi EVN Telecom sáp nhập vào Viettel. Nhưng từ ngày 28/12/2011, Viettel đã tiến hành chuyển đổi khách hàng đang sử dụng mạng EVN Telecom sang sử dụng mạng Viettel và khai tử mạng CDMA dùng băng tần 450 MHZ của EVN Telecom đã xây dựng trước đó.

Theo các chuyên gia viễn thông, băng tần 450 MHz là băng tần thấp, hay bị can nhiễu nên ít quốc gia sử dụng để cung cấp cho dịch vụ di động. Hiện băng tần 450 MHz cũng không còn giá trị sử dụng đối với Viettel sau khi EVN Telecom chuyển sang.

Trái ngược với băng tần 450 MHz đã cấp cho EVN Telecom, các chuyên gia cho rằng băng tần 850 MHz đã cấp cho S-Fone thuộc loại tốt nhất hiện nay và nó sẽ tạo lợi thế cho nhà mạng nào sở hữu nó. Vì vậy, khi S-Fone không cầm cự nổi trên thị trường, có doanh nghiệp viễn thông đã “nhòm ngó” băng tần này. Cục Tần số Vô tuyến điện đã nhiều lần lên tiếng, rằng S-Fone không đóng phí tần số này. Như vậy, đã có đủ cơ sở để thu hồi băng tần 850 MHz ngay cả khi S-Fone vẫn hoạt động chứ không cần phải đợi đến khi S-Fone ngừng hoạt động như hiện nay.

Việc xem xét thu hồi băng tần đã cấp cho S-Fone (và EVN Telecom) sẽ đặt dấu chấm hết cho mạng S-Fone, cho dù SPT có hoàn thành thủ tục đàm phán để thanh lý với đối tác SK Telecom hay không. Và sự "ra đi" của S-Fone dẫu sao cũng để lại trong lòng người dùng Việt Nam một sự nuối tiếc, bởi đây là mạng di động Việt Nam đầu tiên phá thế độc quyền trong lĩnh vực di động và cũng là nhà mạng “một thời đình đám” với slogan "nghe là thấy".

9- Cáp quang biển AAG đã bảo dưỡng xong, Internet trở lại bình thường

Ngày 14/3/2014, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam cho biết, kể từ 6h sáng, việc truy cập Internet của Việt Nam đã trở lại bình thường sau khi tuyến cáp quang biển AAG được bảo dưỡng xong.

Trước đó, các doanh nghiệp này đã thông báo, từ ngày 2/3 đến 9/3, người dùng Internet khi truy cập vào các dịch vụ quốc tế sẽ bị ảnh hưởng do tuyến cáp quang biển AAG tạm ngưng liên lạc để sửa chữa và bảo dưỡng. Tuy nhiên, thời gian bảo dưỡng thực đã kéo dài hơn dự kiến (hết ngày 13/3 và sang 14/3 mới xong).

 

Sơ đồ tuyến cáp quang biển AAG

AAG là tuyến cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, kết nối trực tiếp từ khu vực Đông Nam Á tới Mỹ, đi qua các nước và vùng lãnh thổ: Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ.

AAG được khởi công từ tháng 4/2007 với tổng vốn đầu tư hơn 553 triệu USD. 3 thành viên của Việt Nam tham gia dự án này với số vốn góp khoảng 90 triệu USD là VNPT, Viettel và SPT. Trong đó, VNPT với tư cách là thành viên sáng lập, đóng góp phần vốn lớn nhất là 40 triệu USD.

10- Bộ Ngoại giao cho ra dịch vụ xin cấp thị thực qua mạng

Với Hệ thống quản lý cấp thị thực trực tuyến và Trung tâm Tích hợp dữ liệu của Bộ Ngoại giao, thời gian xin cấp visa vào Việt Nam sẽ được rút ngắn một nửa so với trước đây. Cụ thể, thay vì trả kết quả sau 5 ngày làm việc, người có nhu cầu xin cấp thị thực vào Việt Nam sẽ có được câu trả lời sau 2-3 ngày làm việc.

Hệ thống quản lý cấp thị thực trực tuyến và Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ Ngoại giao là hai dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới.

Theo Cục Lãnh sự, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một website cấp thị thực trực tuyến, với nhiều ngôn ngữ để người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể truy cập thuận tiện, tìm hiểu thông tin liên quan đến việc xin thị thực Việt Nam, kê khai trực tuyến đăng ký cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam ở mức dịch vụ công cấp độ 3.

Hệ thống đã được kết nối và cung cấp cho các cơ quan của Bộ Ngoại giao như: Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ TP.HCM và 95 Cơ quan đại diện (ngoại giao) Việt Nam ở nước ngoài, giúp thống nhất mẫu thị thực của Việt Nam trên toàn thế giới và tăng cường khả năng quản lý xuất nhập cảnh cho cơ quan chức năng.

Thay vì phải đến Cơ quan đại diện Việt Nam trong giờ hành chính để lấy tờ khai, người có nhu cầu cấp thị thực vào Việt Nam có thể thực hiện việc kê khai qua mạng tại địa chỉ: http://visa.mofa.gov.vn.

Hiện, số lượng visa cấp phát hàng năm thông qua Bộ Ngoại giao khá lớn, khoảng 2,5 - 4,5 triệu thị thực mỗi năm. Trong giai đoạn thử nghiệm, chỉ trong hai ngày làm việc, Cục Lãnh sự đã xử lý được hơn 1.900 bản khai xin cấp thị thực vào Việt Nam, ông Lý Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự cho hay.

Liên quan đến tính bảo mật của hệ thống, đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, Trung tâm tích hợp dữ liệu cho phép các cơ quan đại diện kết nối từ xa thông qua các kênh truyền mã hóa. Mỗi máy tính khi tham gia Hệ thống đều có một mã số ID riêng, gắn với ID của từng nhân viên chuyên trách cụ thể. "Không phải ai ở cơ quan đại diện cũng dùng được máy tính này và máy ở cơ quan đại diện này khi mang sang cơ quan đại diện ở nước khác cũng không dùng được". Bên cạnh mã số định danh, Hệ thống còn có thêm bước xác thực bằng mật khẩu etoken để đảm bảo tính an toàn cho những thông tin gửi đi, ông Tuấn xác nhận.

Thanh Trà (tổng hợp)