24 nhiệm vụ KH-CN năm 2022 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Hà Nội

08:57, 05/04/2022

Sở KH-CN TP.Hà Nội đã thông báo các nhiệm vụ KH-CN năm 2022 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2030.

Sở KH-CN TP.Hà Nội đã thông báo các nhiệm vụ KH-CN năm 2022 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2030 để các tổ chức và cá nhân có năng lực, có nhu cầu đăng ký tham gia tuyển chọn.

Theo Quy chế Quản lý các nhiệm vụ KH-CN cấp Thành phố do UBND TP.Hà Nội ban hành, nhiệm vụ KH-CN phải có tính cấp thiết, tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và các vấn đề về KH-CN thuộc phạm vi thành phố.

Đối với các đề tài KH-CN, UBND TP.Hà Nội cho biết đó là các đề tài nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ, đề tài khoa học xã hội và nhân văn, đề tài trong các lĩnh vực khác.

Trong đó, đối với đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, hoặc sản phẩm KH-CN dự kiến có triển vọng lớn tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả nhưng chưa được nghiên cứu, ứng dụng trong nước, hoặc được hoàn thành ở dạng mẫu và sẵn sàng chuyển sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm, có phương án khả thi để phát triển công nghệ hoặc sản phẩm KH-CN trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm…

24-nhiem-vu-kh-cn-se-thuc-hien-nam-2022-thuoc-chuong-trinh-phat-trien-tai-san-tri-tue-o-ha-noi.jpgLàng hoa Tây Tựu - Ảnh: Internet

Theo đó, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH-CN thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2030, bắt đầu thực hiện vào năm 2022.

Cụ thể, trong nhóm Nhãn hiệu tập thể, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt 17 nhiệm vụ. Trong đó, liên quan đến nhiệm vụ KH-CN “Đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể Lụa Vạn Phúc của phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP.Hà Nội", lãnh đạo UBND TP.Hà Nội định hướng mục tiêu: “Nhãn hiệu tập thể trên được bảo hộ; Hệ thống các văn bản, công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể được ban hành; Tập huấn về kiến thức, kỹ năng sử dụng và sản xuất kinh doanh, thương mại sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể nêu trên”.

Ngoài ra, trong nhóm Nhãn hiệu tập thể, các nhiệm vụ được phê duyệt còn đề cập tới các nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Thanh Đa” (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ); “Củ đậu Lệ Chi” (xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm); “Hoa Tây Tựu” (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm)…

Đối với nhóm Nhãn hiệu chứng nhận, có 1 nhiệm vụ thuộc sản phẩm du lịch: “Đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận Du lịch Tích Giang cho các dịch vụ du lịch của xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội”.

Sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề được lãnh đạo UBND TP.Hà Nội phê duyệt 5 nhiệm vụ xoay quanh đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu các chứng nhận, gồm “Vịt Phú Xuyên”, “Thịt lợn an toàn Ứng Hòa”, “Thịt lợn sinh học Quốc Oai”; “Bưởi Thạch Thất”; “Gạo Phú Xuyên”.

Nhóm Chỉ dẫn địa lý có 1 nhiệm vụ: “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý Gà Mía – Sơn Tây của thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội". UBND TP.Hà Nội yêu cầu kết quả đạt được, gồm có báo cáo hiện trạng sản xuất – kinh doanh sản phẩm; giấy chứng nhận đăng lý chỉ dẫn địa lý; hệ thống các văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý trên; hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá...

PV