5 bước để DIY dàn karaoke
14:00, 06/10/2013
DIY - tự làm lấy cũng là 1 cách hay trong việc sở hữu dàn karaoke gia đình. Nếu bạn lựa chọn phương án DIY, hãy tham khảo các thêm bài viết này, biết đâu bạn sẽ có được những thông tin bổ ích.
Xác định ngân sách
Ngân sách đóng vai trò quan trọng để bạn quyết định nhiều đến đầu tư kiểu dáng, số lượng, chất lượng thiết bị. Có 3 mức đầu tư phổ biến chưa bao gồm TV: 15 - 35 và 50 triệu đồng. Thông thường, nếu mới tham gia sắm karaoke, người chơi nên đầu tư ở mức thấp nhất. Sau đó, tuỳ vào điều kiện cũng như yêu cầu giải trí cao hơn thì nâng cấp.
Diện tích phòng
Sau ngân sách, yếu tố tiếp theo cần quan tâm và xác định là vị trí phòng sẽ dùng đặt dàn karaoke. Tùy theo diện tích phòng lớn hay nhỏ mà quyết định công suất loa. Với diện tích phòng khách phổ biến 20m², nên chọn loa có công suất 100 - 120w. Phần kế tiếp, bạn có phương án cách âm sơ bộ hoặc hoàn chỉnh tuỳ vào nguồn ngân sách hiện có như đi dây âm, sơn gấm, gai lên tường, cửa cách âm, treo rèm vải dày ở cửa sổ... Những trang trí này vừa làm đẹp phòng, đồng thời tăng hiệu quả tán âm, cách âm.
Vị trí lắp thiết bị
Một hệ thống karaoke (KOK) thông thường gồm có TV, 2 loa chuyên karaoke (thường là loại treo tường), 1 ampli, 2 micro, có thể thêm 1 sub. Cách bố trí: TV ở giữa, 2 loa treo trên tường cách sàn khoảng 2,5m (không đặt loa quá sát trần để tránh dội âm) và hơi chéo xuống phía về phía người hát. Loa sub, nên đưa vào góc vì âm trầm không có tính đẳng hướng. Ngoài ra, cần có 1 tủ kệ để đặt amply, đầu phát. Bạn cần phải hình dung trước cách bố trí để có phương án dấu dây dẫn.
Chọn loa, ampli, micro
Đây là 3 thành phần có yếu tố quyết định đến chất lượng âm thanh của dàn karaoke và cũng chiếm phần lớn tổng ngân sách. Không nên lựa chọn các thương hiệu giá rẻ, không tên tuổi mà nên lựa chọn các thương hiệu đã thành danh với loa karaoke như Bose, BMB, JBL... Ngoài 2 loa chính, bạn cũng cần thêm 1 loa sub để có âm bass dày và chắc. Tuy nhiên, nếu điều kiện kinh tế chưa cho phép, bạn có thể tạm tiết kiệm khoản này, mua bổ sung sau. Hơn nữa, sub chỉ phát các âm trầm nên không cần mua sub quá “xịn”.
Về ampli có thể lựa chọn giữa Jaguar, Crown, Califonia, Boston... Phối ampli với loa là cả một nghệ thuật. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì tại các cửa hàng bán hệ thống đều tư vấn kỹ về phần này. Bạn cũng có thể yêu cầu họ thay đổi cách phối ghép và lắng nghe để lựa chọn. Cân chỉnh ampli cũng cần nghệ thuật. Nếu không có kinh nghiệm, bạn nên nhờ người bán cân chỉnh giúp rồi đánh dấu bằng bút màu vào các vị trí cố định tạo âm thanh hay. Trong quá trình dùng, đôi khi bạn cần chỉnh thêm 1 chút cho phù hợp với từng người hát, dấu bút màu sẽ giúp bạn phục hồi lại cách thiết lập chuẩn.
Bạn cần lưu ý đến chất giọng mạnh hay yếu của mình để lựa chọn micro cho phù hợp. Nếu giọng yếu, chọn micro được cho là “hát nhẹ”. Ngược lại, nếu chất giọng mạnh, có thể chọn micro “nặng” hơn để chất giọng thật hơn. Micro không dây có giá cao và chất âm không hay bằng loại có dây. Cũng không nên quá tiết kiệm vì âm thanh hay mà hát dở thì cũng vô ích. Vì vậy, nên chọn micro có giá từ 800.000 đồng/chiếc. Một số thương hiệu loa được ưa thích BMB, AKG...
Chọn đầu phát
Đầu phát karaoke hiện nay có thể chia thành 2 dòng chính: karaoke MIDI và VOD cùng một số tính năng phụ như cổng USB phát MP3, kết nối HDMI, màn hình cảm ứng...
Karaoke MIDI sử dụng file định dạng MIDI (Musical Instrument Digital Interface) có kích thước file nhỏ, chỉ thể hiện âm thanh của các nốt nhạc nên chất âm không tốt. Đầu phát dạng này là phổ biến nhất, thông thường dùng đĩa DVD để phát nhạc. Các thương hiệu phổ biến là Ariang, Musiccore, California... người dùng thường gọi là đầu 5 số, 6 số...
Karaoke VOD (Video on Demand) sử dụng chính những bài hát của ca sĩ để tách riêng phần nhạc và phần hát của ca sĩ. Nhờ vậy, âm thanh hay và giống ca sĩ trình bày. Trong quá trình hát, người hát có thể tùy chọn bật hay tắt tiếng của ca sĩ. Đầu phát này thường kèm theo ổ cứng để lưu bài hát. Khuyết điểm, vì là nhạc phối cho ca sĩ nên ban đầu có thể bạn sẽ không quen, khó hát và giá thành cao. Ngoài ra, để phát huy hết thế mạnh, khi chọn loại đầu này nên mua kèm màn hình cảm ứng. Một số thương hiệu đầu phát: VietKTV, VinaKTV, HanetKTV...
Hải Phước