61 quốc gia thông qua tuyên bố chung về nhu cầu trí tuệ nhân tạo
Đến ngày 11/2, đã có tổng cộng 61 quốc gia thông qua tuyên bố chung về nhu cầu trí tuệ nhân tạo (AI) “mở, toàn diện và đạo đức” tại hội nghị thượng đỉnh AI Paris. Tuyên bố chung nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến AI và năng lượng đã “lần đầu tiên” được giải quyết trong bối cảnh đa phương.
Theo tuyên bố từ Điện Elysee, hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Grand Palais ở Paris, nơi 61 quốc gia, trong đó có Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc, đã đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc trên.
Các bên ký kết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp trong quản lý AI và ngăn chặn tình trạng độc quyền thị trường để AI dễ tiếp cận hơn. Tuyên bố nêu bật nhu cầu nâng cao nhận thức về tác động của AI với thị trường lao động và thúc đẩy các công nghệ định hình tích cực tương lai của ngành;
Đồng thời, Tuyên bố chung cũng nêu rõ một số ưu tiên là "đảm bảo AI mở, bao trùm, minh bạch, có đạo đức, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, có tính đến các khuôn khổ quốc tế cho tất cả mọi người". Các nước tham gia ký kết có chung mục tiêu phát triển AI bền vững cho nhân loại và trái đất.
Theo đó, 61 quốc gia tham gia ký tuyên bố chung có Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc trên. Tuy nhiên, Mỹ và Anh đã không ký với lý do lợi ích quốc gia và lo ngại về quy định.
Phố Downing lý giải, Anh không thể đồng thuận với tất cả các nội dung trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo và sẽ chỉ ký kết các sáng kiến phục vụ lợi ích quốc gia của nước này. Tuy nhiên, chính phủ Anh không nêu rõ điều khoản nào trong văn kiện khiến họ không đồng ý.
Về phần Mỹ, tuy không ký tuyên bố chung, nhưng khi phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới và các giám đốc điều hành công nghệ, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance khẳng định Washington vẫn quan tâm đến việc hợp tác quốc tế về AI, dù cảnh báo các khuôn khổ quản trị quốc tế "phải thúc đẩy đổi mới thay vì kìm hãm AI". Ông cũng chỉ trích các đồng minh châu Âu và các đối thủ như Trung Quốc vì muốn siết chặt sự kiểm soát của chính phủ đối với công nghệ này.
"Quy định quá mức có thể bóp nghẹt một lĩnh vực mang tính đột phá ngay khi nó đang cất cánh", ông Vance nói, nhấn mạnh rằng AI là một cơ hội mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ không lãng phí.
Quan điểm của ông Vance trái ngược với Tổng thống nước chủ nhà Pháp, người đã lên tiếng bảo vệ sự cần thiết của các quy định đối với AI. "Chúng ta cần những quy tắc này để AI có thể phát triển một cách đúng đắn", ông Macron quả quyết.