7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam “bắt tay” chuẩn hóa đào tạo kỹ sư

Thùy Chi 21:04, 27/06/2020

Sáng nay, ngày 27/6, lần đầu tiên, 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam đã có lễ công bố chung về các chương trình đào tạo kỹ sư. Các trường gồm trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Thuỷ Lợi và Đại học Mỏ-Địa chất.

Lãnh đạo các trường ký kết hợp tác đào tạo. 

Theo đó, các trường cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo kỹ sư như số tín chỉ, mô hình đào tạo và tiêu chuẩn các chương trình chung.

Chương trình được xây dựng với chuẩn chương trình gồm chuẩn đầu vào, khối lượng kiến thức, quá trình đào tạo, chuẩn đầu ra,... đảm bảo tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, khối lượng kiến thức toàn khoá tối thiểu 180 tín chỉ, đồng thời phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng Kỹ sư và Thạc sĩ.

Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi lễ. 

Về tổ chức đào tạo, dự kiến sẽ theo hai mô hình: tích hợp hoặc hai giai đoạn. Mô hình tích hợp cử nhân-kỹ sư cho cùng một ngành sẽ cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư cho người tốt nghiệp, toàn khoá được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm. Mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình tương ứng với hai trình độ cử nhân và kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.

Tùy theo đặc thù của mỗi trường, các trường sẽ xây dựng và công bố lộ trình thực hiện phù hợp. Chương trình đào tạo mới cũng có thể được áp dụng cho các khoá đã nhập học, tùy điều kiện thực tế từng trường và nguyện vọng của sinh viên. Ngoài ra, các trường cùng hợp tác đề xuất xây dựng chuẩn chương trình chung phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Theo bản công bố chung, các trường tham gia ký kết sẽ hợp tác đề xuất xây dựng chuẩn chương trình chung phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời xây dựng và công bố lộ trình thực hiện phù hợp với đặc thù của mỗi trường. Chương trình đào tạo mới cũng có thể được áp dụng cho các khoá đã nhập học, tùy điều kiện thực tế từng trường và nguyện vọng của sinh viên.

Chia sẻ về quyết định ký kết hợp tác này, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, hiện các trường kỹ thuật đào tạo kỹ sư có thời gian, chuẩn đào tạo khác nhau. Từ thực tế này, các trường đều muốn hướng đến chuẩn chung về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, đảm bảo đủ điều kiện đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực đòi hỏi các trường đại học điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu lao động trong khu vực và trên thế giới. Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo kỹ sư cũng nâng cao chất lượng và mang lại giá trị thực cho bằng kỹ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi giá trị văn bằng kỹ sư truyền thống được chuẩn hoá và nâng cao.

Sinh viên sẽ có thể có kế hoạch học tập linh hoạt hơn, cơ hội việc làm cao hơn, doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng hơn,” ông Chương nói.

Đây cũng là chia sẻ của phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội: “Chúng tôi mong muốn cung cấp cho người học chương trình có chất lượng đào tạo tốt nhất và cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực trình độ cao, phù hợp với sự phát triển của công nghệ và xã hội. Chúng tôi mong rằng bằng kỹ sư được đào tạo ở Việt Nam có thể đối sánh và được đánh giá cao trong khu vực và trên toàn thế giới”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM cho biết: Đối với chương trình đào tạo kỹ sư “mới”, Trường cam kết đảm bảo xây dựng chương trình tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, khối lượng kiến thức toàn khoá tối thiểu 180 tín chỉ, đồng thời phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế đề người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng Kỹ sư và Thạc sĩ.

Dự kiến chương trình đào tạo kỹ sư mới sẽ chính thức áp dụng từ khóa đào tạo năm 2021, tuy nhiên, Trường này đang lấy ý kiến các bên liên quan và tham khảo mô hình các trường bạn quốc tế và trong nước để có thể áp dụng cho các khoá đã nhập học từ năm 2019.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Bộ giáo dục và đào tạo ủng sự đồng thuận, quyết tâm, tiên phong, đổi mới của 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu của cả nước. Sự kiện này sẽ có ảnh hưởng và sức mạnh lan tỏa tới sự đổi mới và phát triển của giáo dục đại học. Sản phẩm của các Trường sẽ không chỉ dừng lại ở cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Công bố của 7 trường cũng phù hợp với chính sách đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 và Quyết định số 436/QĐ-TTg về xây dựng khung trình độ đại học quốc gia”.

 

Thùy Chi (T/h)