Việt Nam cần sớm chuẩn hóa kỹ năng sử dụng CNTT
Hình thành chuẩn kỹ năng CNTT, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực CNTT không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn đối ứng hiệu quả nhu cầu chuyển giao và hợp tác lao động quốc tế.
Nhu cầu thực tế về chuẩn kỹ năng CNTT cho người sử dụng, theo khảo sát từ Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho thấy, năm 2014 số hộ dân có máy tính đạt 24,2% và chỉ 17,2% số hộ có kết nối Internet.
Số liệu thống kê năm 2012-2013 (thực hiện bởi Cục ứng dụng CNTT), 14/22 (63,6%) Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt tỉ lệ 100% cán bộ thường xuyên sử dụng máy tính trong xử lý công việc hàng ngày.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc hội thảo
Thực tế cho thấy, cách thức sử dụng CNTT rất khác nhau, tùy thuộc vào các sản phẩm phần cứng, phần mềm, tập quán và tác phong của người sử dụng. Chính sự đa dạng thiếu chuẩn mực, trình độ sử dụng không đồng nhất đã làm giảm đáng kể hiệu quả lao động trên thực tế, không phát huy được sự hỗ trợ và vai trò của CNTT.
Máy tính không thể phát huy tốt vai trò bổ trợ nếu chúng ta thiếu, yếu về kỹ năng sử dụng...
Tham luận tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực CNTT - Chuẩn hóa kỹ năng sử dụng CNTT” được tổ chức sáng 3/10 tại Hà Nội, ông Tô Hồng Nam, đại diện Vụ CNTT cho biết: Dù chưa có những khảo sát trực tiếp, cụ thể về thực trạng của Chuẩn kỹ năng CNTT, nhưng có thể thấy trình độ, kỹ năng sử dụng CNTT ở Việt Nam nói chung còn hạn chế. Chúng ta chưa có Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT, nên chưa đạt được tiếng nói chung giữa các chủ thể tham gia thị trường nhân lực CNTT, gồm 4 bên: Đơn vị sử dụng lao động, Cơ sở đào tạo, Người lao động và Cơ quan quản lý Nhà nước.
Vì vậy, chúng ta không chỉ cần sớm chuẩn hóa kỹ năng sử dụng CNTT, mà cần có thước đo chung, chuẩn hóa các văn bằng do nhiều cơ sở đào tạo, giáo trình đào tạo, chứng chỉ tin học khác nhau đang cùng tồn tại.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh: Sớm chuẩn hóa kỹ năng sử dụng CNTT là vấn đề trọng yếu và cấp thiết, đặc biệt đối với nhóm chuyên môn nâng cao (khối cán bộ cơ quan cấp Nhà nước). Hình thành chuẩn kỹ năng CNTT, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực CNTT không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn đối ứng hiệu quả nhu cầu chuyển giao và hợp tác lao động quốc tế.
Từ những khảo sát, số liệu đưa ra, một trong những chiến lược cần đạt được, là năm 2015 cần thêm 20 triệu người sử dụng Internet (đạt 50% dân số), đến năm 2020 cần thêm 22 triệu (70%). Về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT, đến năm 2015, cần phải đào tạo khoảng 350.000 cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và cấp tỉnh, khoảng 2.800 cán bộ chuyên trách ở quận, huyện về kỹ năng sử dụng các hệ thống CNTT.
Từ thực tế nêu trên, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 Quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT, hiệu lực thi hành từ ngày 28/4/2014. Toàn văn Thông tư tham khảo tại đây.
Việt Nam sớm hình thành Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT, sẽ đảm bảo những sở cứ cần thiết, đảm bảo tiếng nói chung “giữa 4 bên”, nhằm đánh giá đúng, xác thực chất lượng về kỹ năng CNTT người lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung.
Bách Thế Vinh