8 khả năng của USB có thể bạn chưa biết

07:34, 13/07/2013

Ổ đĩa flash USB là cách thông dụng và đơn giản để sao lưu và chuyển dữ liệu giữa các máy tính. Nhưng khi các dịch vụ lưu trữ đám mây trở nên phổ biến và Wi-Fi dễ dàng tiếp cận ở mọi nơi, USB dần mất đi tầm quan trọng trước kia. Nếu bạn có một chiếc USB không dùng đến trong ngăn kéo bàn, hãy "hồi sinh" nó để thực hiện 8 nhiệm vụ mà có lẽ bạn chưa biết đến.
 
1. Cài đặt bản phân phối Linux

Hầu hết các bản phân phối Linux đều có thể được khởi động trực tiếp từ đĩa CD như một phương pháp thử nghiệm trước khi cài đặt đầy đủ. Những năm gần đây, xu hướng đang dần thay thế bằng việc dùng phần mềm tương thích với bản phân phối Linux để ghi ảnh đĩa của nó vào USB. Thường chứa được nhiều dữ liệu hơn so với đĩa CD, USB cho phép bạn khởi động với bản phân phối có dung lượng lớn mà không thể chứa được trong một chiếc CD.
 
2. Hệ điều hành di động

Nếu muốn có một hệ điều hành không lưu lại bất kỳ thay đổi nào, bạn có thể cài đặt bản phân phối Linux trực tiếp lên ổ đĩa USB. Bằng cách này bạn có thể khởi động hệ điều hành của riêng bạn ngay trên máy tính của người khác. Pendrivelinux là một lựa chọn khả dĩ, nhưng tại thời điểm này, ngay cả những bản phân phối lớn như Ubuntu cũng đã hỗ trợ khả năng khởi động này.
 
3. Chạy ứng dụng di động

PortableApps cho phép người sử dụng Windows mang theo các chương trình và tập tin yêu thích trên ổ đĩa USB mà không cần phải khởi động vào hệ điều hành mới. Nhược điểm là không phải tất cả các ứng dụng đều được hỗ trợ và đôi khi bạn phải chuyển sang sử dụng các ứng dụng mã nguồn mở để khai tối đa các phần mềm di động. Các giải pháp khác bao gồm LiberKey và winPenPack.
 
4. Làm bộ nhớ RAM

Trong trường hợp máy tính của bạn trở nên chậm chạp và bạn có một chiếc USB còn nhiều dung lượng trống, bạn có thể tận dụng nó để cải thiện tình hình. Ổ đĩa USB sẽ cung cấp thêm bộ nhớ giúp cho máy tính quản lý các ứng dụng tốt hơn. Microsoft cung cấp ReadyBoost như một phương tiện để tăng tốc máy tính chạy hệ điều hành Windows bằng cách sử dụng chiếc USB của bạn.
 
5. Lưu dữ liệu riêng tư

Bạn có thể biến toàn bộ ổ đĩa USB thành một phân vùng được mã hóa nhằm lưu giữ dữ liệu cá nhân khỏi những cặp mắt tò mò. Ngoài ra, bạn cũng được cung cấp tùy chọn để USB khởi động bình thường nhưng lại chứa một phân vùng riêng biệt có thể mã hóa bất kỳ tập tin được đặt trong nó. Muốn tăng cường thêm một lớp bảo mật, đặt mật khẩu là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ phân vùng này.
 
6. Làm chìa khoá mở máy tính

Nếu bạn cảm thấy việc sử dụng một mật khẩu là không đủ an toàn trong khi máy tính không có một máy quét sinh trắc học, bạn vẫn còn có lựa chọn thay thế. Chỉ cần biến USB của bạn thành một chiếc chìa khoá và thiết lập để máy tính chỉ mở khi USB được cắm vào. Nếu bạn sử dụng Windows, Predator là một công cụ nổi tiếng cho nhiệm vụ này.
 
7. Giải cứu máy tính bị nhiễm virus

Bạn có thể cài đặt một chương trình quét virus vào ỗ đĩa USB của bạn để tìm kiếm các phần mềm độc hại mà máy tính nhiễm phải. Ngoài ra các công ty bảo mật nổi tiếng như AVG và Kaspersky còn cung cấp các giải pháp phục hồi máy tính đã bị virus đánh sập.
 
8. Đồng bộ dữ liệu tự động 

Bạn có thể kéo thả tập tin vào ổ đĩa USB một cách thủ công, tuy nhiên có phương pháp đơn giản hơn để làm việc này. Bằng cách tự động đồng bộ dữ liệu giữa máy tính và ổ đĩa USB, quá trình trở nên tiện lợi tương tự như cách thức mà Dropbox hay Google Drive đang hoạt động. Ứng dụng miễn phí SyncToy của Windows và GoodSync2Go cho Mac OS X có thể giúp bạn thực hiện yêu cầu này.
 
Nguyên Thảo