An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia
Nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, 9 tháng của năm 2022, hoạt động chuyển đổi số của An Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục, với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế và xã hội số. Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, thời gian qua, công tác chuyển đổi số trong các ngành, các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về chuyển đổi số được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ để các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, DN, người dân nắm bắt và tham gia. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các DN công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các DN công nghệ số đầu tư vào tỉnh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh An Giang.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tiến hành rà soát, đề xuất các nội dung cần ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến định danh và xác thực điện tử thuộc phạm vi quản lý của sở, ngành, địa phương.
Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh đã cung cấp 2.072 dịch vụ hành chính công, trong đó, số lượng dịch vụ công mức độ 3 là 511 dịch vụ, dịch vụ công mức độ 4 là 935 dịch vụ, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn 99%. Đã thực hiện kết nối, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện kiểm thử và công khai các dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đã thực hiện tích hợp 1.880 dịch vụ); kết nối với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (Hệ thống EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Song song đó, tỉnh đã triển khai thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh thông qua VietinBank, kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến Payment Platform của Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo e-form điện tử và triển khai kết nối, tích hợp chữ ký số VIETTEL-CA, VNPT-CA để phục vụ việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, DN khi thực hiện giải quyết TTHC trực tuyến. Đã cập nhật tính năng xác thực văn bản điện tử đã được ký số nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của văn bản điện tử khi người dân, DN thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.
An Giang đã thực hiện kết nối, tích hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đối với 8/25 thủ tục vào bước tiếp nhận hồ sơ để kiểm tra danh tính công dân, tự động điền thông tin người dân vào biểu mẫu thông tin người nộp hồ sơ trên hệ thống khi kiểm tra có dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc kết nối, tích hợp đang được thực hiện trên môi trường thử nghiệm. Đồng thời, thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính tỉnh, bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã.
Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo kịp thời, thực hiện hiệu quả. Lực lượng công an các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm công tác tác tham mưu và triển khai các nội dung, nhiệm vụ thuộc Đề án 06 theo đúng lộ trình, yêu cầu đặt ra.
Về công tác triển khai thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và định danh điện tử cho các nhóm công dân trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 20/8/2022, công an đã thu nhận trên 1.583.000 hồ sơ, đạt 70,41% so tổng số nhân khẩu trong diện thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của người dân, kết hợp sức mạnh của thời đại, huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số. Khuyến khích các DN triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới phục vụ chuyển đổi số trong một số lĩnh vực, như: Thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, ngân hàng số.
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục vào cuộc tích cực, tạo thành phong trào, xu thế, nâng cao hiệu quả, tạo nguồn lực cho chuyển đổi số; chủ động phối hợp, chia sẻ để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và DN.
Theo Báo An Giang