Áp dụng KHCN trong kiểm định chất lượng dạy nghề

11:42, 28/12/2021

Tại hội thảo Thực trạng hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN do Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB&XH) tổ chức, các chuyên gia cho rằng ngày 27/12, việc kiểm định phải theo sự phát triển của khoa học công nghệ, nếu kiểm định thủ công, không số hóa được các dữ liệu thì không thể nâng cao được chất lượng.

Việc kiểm định chất lượng GDNN phải theo sự phát triển của khoa học công nghệ, nếu kiểm định thủ công, không số hóa được các dữ liệu thì không thể nâng cao được chất lượng.

Thực tế cho thấy, vấn đề kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN vẫn là nội dung mới ở Việt Nam. Bà Trần Thị Thu Hà, chuyên viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng GDNN cho biết việc triển khai kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN là cơ hội để các trường tự xem xét chính mình, qua đó thấy điểm mạnh, điểm yếu của mình và có phương hướng, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Thời gian qua, Tổng cục GDNN đã kết hợp với các trung tâm kiểm định đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên. Cụ thể, giai đoạn 2019-2021 đã đào tạo kiểm định viên cho 769 người. Ngoài ra còn tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng cho các kiểm định viên… Mặc dù mới có 4 tổ chức kiểm định nhưng công tác kiểm định đã được thực hiện ở hàng trăm trường. Điều này cho thấy vấn đề kiểm định trong và kiểm định ngoài đã từng bước được quan tâm.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong theo định hướng quản trị hiện đại là yêu cầu hoàn toàn mới, không dễ thay đổi từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ nhà trường. Chương trình, tài liệu tập huấn lần đầu tiên ban hành, chưa cập nhật, đổi mới cách thức để bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với sự lựa chọn đa dạng của các cơ sở GDNN.

“Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng kiểm định và bảo đảm chất lượng GDNN thì các trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đánh giá, xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng. Việc nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, phát huy vai trò người đứng đầu trong các cơ sở GDNN và cơ quan quản lý các cấp là hết sức quan trọng”, ông Phạm Vũ Quốc Bình nhận định.

Hiện nay, lực lượng, nhân sự thực hiện công tác kiểm định chất lượng vẫn còn thiếu. Theo thống kê, mới có chưa đến 300 kiểm định viên, trong khi số lượng trường, cơ sở GDNN rất lớn nên khó thực hiện được chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025, 100% số cơ sở GDNN chất lượng cao xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin bảo đảm chất lượng, kết nối thông suốt với hệ thống bảo đảm chất lượng quốc gia…

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng việc đẩy mạnh đào tạo, tập huấn về kiểm định viên là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, việc đào tạo kiểm định viên ngoài vai trò của Tổng cục GDNN thì các trung tâm kiểm định cũng có vai trò không nhỏ trong việc lựa chọn người, lên kế hoạch đào tạo sao cho phù hợp để có thể đào tạo ra những kiểm định viên giỏi, có kỹ năng, năng lực.

Minh Thùy (T/h)