Ba nhà mạng lớn Việt Nam bắt tay xây dựng hệ sinh thái số an toàn, tiên tiến

16:51, 18/04/2025

Ba nhà mạng lớn của Việt Nam là MobiFone, Viettel và VNPT đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) tăng cường khả năng xác thực danh tính, phòng chống gian lận trực tuyến và thúc đẩy một hệ sinh thái số an toàn, đổi mới hơn tại Việt Nam, thông qua GSMA Open Gateway, một sáng kiến do Hiệp hội Di động Toàn cầu GSMA khởi xướng.

Ứng dụng giải pháp GSMA Open Gateway

Lễ ký kết MoU GSMA Open Gateway được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Fintech ASEAN, diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Số Hà Nội mới đây. Được thành lập vào năm 2024, Diễn đàn Fintech ASEAN là sự kiện quan trọng tập trung vào việc thúc đẩy Kinh tế API và khám phá cách thức các API có thể chuyển đổi dịch vụ tài chính và nâng cao thương mại số trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ba nhà mạng đã thống nhất hợp tác nhằm xây dựng một nền tảng chuẩn hóa, tăng cường khả năng kết nối liên thông và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, thông qua sáng kiến GSMA Open Gateway với việc ứng dụng các giao diện lập trình ứng dụng (API) CAMARA.

Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương GSMA và đại diện các nhà mạng ký kết GSMA Open Gateway

GSMA Open Gateway là một khuôn khổ toàn cầu của các API mạng chung giúp đơn giản hóa việc truy cập vào mạng của nhà mạng di động. Bằng cách cung cấp cho các nhà phát triển và nhà cung cấp dịch vụ đám mây một điểm truy cập duy nhất vào nền tảng kết nối lớn nhất thế giới, Open Gateway đẩy nhanh việc triển khai dịch vụ và thúc đẩy sự đổi mới. Nó hỗ trợ khả năng di động của ứng dụng và trải nghiệm người dùng liền mạch, giúp các ngành công nghiệp viễn thông và công nghệ nhận ra đầy đủ tiềm năng của 5G. Với các API mở được chuẩn hóa, Open Gateway chuyển đổi cách các nhà phát triển xây dựng và cung cấp dịch vụ.

Với hơn 280 mạng di động, chiếm 80% tổng số kết nối di động toàn cầu tham gia, sáng kiến này đang góp phần tạo ra một hệ sinh thái liền mạch, kết nối các nhà phát triển, đơn vị tích hợp hệ thống và các nhà mạng toàn cầu nhằm mang lại giá trị mới cho cả người dùng cuối lẫn các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ.

Mô hình kiến trúc kỹ thuật của nền tảng GSMA Open Gateway

Ba nhà mạng cùng nhau đồng hành

Thông qua việc chuyển đổi mạng viễn thông Việt Nam thành các nền tảng sẵn sàng cho các nhà phát triển, sự hợp tác này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các lĩnh vực như fintech, thương mại điện tử và dịch vụ số thông qua các giải pháp đổi mới sáng tạo.

Việc chuẩn hóa và liên thông các API giữa các nhà mạng cho phép doanh nghiệp triển khai giải pháp nhanh chóng hơn, dễ dàng mở rộng trên nhiều mạng lưới, đồng thời đảm bảo tính nhất quán và khả năng tiếp cận rộng rãi. Sáng kiến này cũng mở ra cơ hội để các quốc gia kết nối và tương tác với các nhà mạng toàn cầu.

Ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của GSMA, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng chào đón Viettel, VNPT và MobiFone tham gia sáng kiến GSMA Open Gateway. Sự hợp tác này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái số tích hợp và đổi mới hơn tại Việt Nam. Thông qua việc tận dụng sức mạnh của các API, các nhà mạng sẽ đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các giải pháp fintech an toàn, tin cậy trên toàn khu vực.

Theo một nghiên cứu mới do ThinkHowe thực hiện theo ủy quyền của GSMA, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng lo ngại về các hành vi gian lận tài chính, với hơn 89% bày tỏ quan ngại về tình trạng bị xâm nhập tài khoản và rò rỉ dữ liệu.

Các nhà mạng Việt Nam sẽ phối hợp cùng GSMA tập trung phát triển và triển khai các API như Number Verification và SIM Swap, nhằm giải quyết những chức năng then chốt như xác thực, phòng chống gian lận, dịch vụ định vị, xác minh thiết bị và thanh toán, cải thiện chất lượng kết nối cho các ứng dụng như chơi game, thực tế ảo, hoặc điều khiển từ xa. Nhờ đó, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể hỗ trợ khách hàng DN (đặc biệt trong lĩnh vực tài chính) xác minh danh tính và ngăn chặn gian lận, ví dụ như giao dịch bất thường hoặc sao chép SIM. Các trường hợp sử dụng đã được triển khai tại Brazil, Nam Phi, và Indonesia. Điều này không chỉ nâng cao giá trị dịch vụ mà còn xây dựng niềm tin với khách hàng và đối tác.

Ông Thiềm Công Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, chia sẻ: “Sáng kiến GSMA Open Gateway – với việc chuẩn hóa mở các API mạng - tạo điều kiện để các DN số tiếp cận hạ tầng viễn thông một cách linh hoạt, an toàn và minh bạch".

GSMA Open Gateway cho phép các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (CSPs) mở các API mạng (như Number Verification, SIM Swap, Device Location, Quality on Demand) cho các nhà phát triển và DN, tạo ra các dịch vụ số mới. Theo nghiên cứu của McKinsey, việc mở rộng API mạng có thể mở khóa thị trường trị giá 300 tỷ USD vào năm 2030.

Ông Hoàng Bình Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng Viettel, cho biết: “Cam kết thống nhất này tạo tiền đề để xây dựng một hệ sinh thái mở, dễ tiếp cận và thân thiện với các nhà phát triển, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam trong nhiều năm tới.

Bằng cách sử dụng các API chuẩn hóa (được phát triển qua dự án CAMARA), CSPs giảm được sự phức tạp trong việc tích hợp với các nhà phát triển hoặc đối tác. Điều này loại bỏ nhu cầu về các thỏa thuận song phương phức tạp, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Kiến trúc của Open Gateway hỗ trợ tích hợp liền mạch với các nhà cung cấp đám mây (AWS, Google Cloud, Microsoft Azure) và đối tác công nghệ (Nokia, Ericsson, Infobip), giúp CSPs mở rộng phạm vi tiếp cận mà không cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng.

Ông Vũ Văn Triệu, Phó Tổng Giám đốc VNPT-Media, chia sẻ: “Đây là cơ hội để VNPT mở rộng hợp tác trong 5 lĩnh vực API mở quan trọng: Xác thực người dùng, dịch vụ viễn thông, tài chính số, IoT & 5G, và chấm điểm, Leadgen và Điểm gian lận. Đặc biệt, đối với các giải pháp thanh toán số, VNPT hướng tới triển khai các mô hình liên kết tương thích cho việc xử lý giao dịch xuyên biên giới, đối chiếu và xác thực - góp phần xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện tại Việt Nam".

Open Gateway giúp các nhà mạng định vị mình như các nền tảng dịch vụ số, thay vì chỉ là nhà cung cấp kết nối truyền thống. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Nền tảng này giúp các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chuyển đổi từ nhà cung cấp kết nối sang nền tảng dịch vụ số, mở ra cơ hội kiếm tiền mới, tăng cường đổi mới, và cải thiện vị thế cạnh tranh trong kỷ nguyên 5G./.