Bản quyền nhạc số: Đi đâu, về đâu?

17:17, 31/10/2012

Như vậy là ngày thu phí tải nhạc trực tuyến đã cận kề (01/11). Đây là động thái mới nhất của các ban ngành trong nổ lực bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm. Nhưng sự thay đổi này sẽ hiệu quả ra sao, tác động đến thị trường kinh doanh nhạc số thế nào? Đó là câu hỏi khó, chỉ sau một thời gian thử nghiệm mới có thể biết được.


Việc ký kết giữa 5 website âm nhạc lớn trong nước với Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) và MV Corp đã diễn ra vào ngày 15/8, ngay sau khi Thông tư liên tịch số 07 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch có hiệu lực (ngày 06/08). Theo đó, mp3.zing.vn, nhaccuatui.com, nhac.vui.vn, mp3.socbay.comnghenhac.info sẽ thu phí người dùng (1.000đ/bài) khi tải các ca khúc trên website âm nhạc mà họ cung cấp, tuy nhiên, người dùng vẫn được nghe nhạc trực tuyến miễn phí.

Là “phát súng chỉ thiên”

Theo thống kê của RIAV, hiện đang có khoảng 150 website kinh doanh nhạc trực tuyến tại Việt Nam. Từ trước tới nay, chỉ một vài trang như nhacso.net, mp3.zing.vn,… được biết đến như là những trang kinh doanh âm nhạc có bản quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải hàng triệu ca khúc trên cơ sở dữ liệu của các trang này đều có giấy tờ hẳn hoi. Đơn cử như nhacso.net cùng hãng Nokia đã từng bị RIAV khởi kiện (ngày 27/10/2008) vì đã khai thác rất nhiều các ca khúc thuộc sở hữu của các thành viên trong RIAV, mà chưa được cấp phép, trong chương trình mua điện thoại Nokia - tặng thẻ nghe nhạc trực tuyến. Gần đây nhất, chính là sự kiện hãng Coca-cola và Samsung rút quảng cáo khỏi trang mp3.zing.vn để phản đối một số bản nhạc quốc tế “lậu” trên Zing MP3. Tuy nhiên, ngay sau đó, Zing MP3 đã ký kết thành công với hãng thu âm Universal Music để mua bản quyền các ca khúc vi phạm.

Ngoài 5 trang web âm nhạc đã đặt bút ký vào thỏa thuận thu phí tải nhạc số thì hàng trăm website âm nhạc còn lại vẫn im hơi lặng tiếng. Nhưng rõ ràng, hành động này đã nổ “phát súng chỉ thiên”, mở màn cho cuộc cách mạng “Vì một môi trường Internet trong sạch”, cũng đồng thời “làm nhột” những dịch vụ âm nhạc không bản quyền.

Vấn đề bản quyền hay đồng tiền?

Thực tế mà nói, việc thu phí tải nhạc cũng chỉ là một giải pháp hướng về đồng tiền để san sẻ chi phí cho dịch vụ quảng bá và bổ sung nguồn thu cho các bên liên quan tạo đã ra tập tin nhạc số. Trong khi đó, vấn đề chính mà Thông tư liên tịch số 07 muốn nhắc tới là bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm, ngăn chặn các dịch vụ âm nhạc vi phạm bản quyền. Vậy, thỏa thuận thu phí tải nhạc sẽ giải quyết vấn nạn vi phạm bản quyền tới đâu? Liệu khi thu phí tải nhạc thì nội dung trên các trang web âm nhạc có “sạch” hơn không? Kể từ lúc này, chắc chắn mối liên hệ giữa nơi cung cấp tập tin nhạc số và dịch vụ quảng bá sẽ sát sao hơn bao giờ hết vì giữa họ đã có một sự ràng buộc với nhau – chia sẻ lợi nhuận. Theo đó, đơn vị phân phối và các trang web cung cấp nội dung đến người dùng cuối sẽ được hưởng 45%, còn 55% sẽ thuộc về đơn vị trực tiếp tạo ra sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng phải nhấn mạnh rằng, người dùng vẫn được nghe nhạc miễn phí (có thể sẽ thu phí trong tương lai), đồng nghĩa với lượt nghe trên các website âm nhạc ít bị ảnh hưởng. Từ trước tới nay, các dịch vụ âm nhạc trực tuyến đều có nguồn thu chính là từ quảng cáo. Trong trường hợp này, nguồn doanh thu đó cũng không đáng lo ngại. Còn doanh thu tải nhạc chỉ là một khoản tiền thêm vào mà thôi. Mặc dù, dự đoán lượng người dùng chịu bỏ tiền ra để tải nhạc là không nhiều, nhưng rõ ràng sẽ không có vấn đề gì với các trang âm nhạc này cả, mà nó còn giúp giảm lượng băng thông cho website. Với họ, đây có thể chỉ là hành động hình thức để “thỏa lòng chính quyền”. Không chỉ gói gọn ở các trang web âm nhạc trực tuyến, mà nội dung của những dịch vụ kinh doanh âm nhạc khác, như nhạc chuông, nhạc chờ, tổng đài âm nhạc giải trí,… cũng là đối tượng cần xét đến trong vấn đề bản quyền. Quả thật, để quản lý hết nội dung nhạc số hiện nay là một bài toán quá khó!

Qua đó cho thấy, muốn giải quyết triệt để vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc thì cách thu phí tải nhạc vẫn chưa đủ, cần phải đi kèm với những giải pháp khác. Nếu có giải pháp thật mạnh tay vào lúc này để làm “đòn chí mạng” lên các trang vi phạm thì sẽ khiến họ tĩnh giấc trước hành động ung dung vi phạm bản quyền. Như trước đây, trang chia sẻ dữ liệu MegaUpload đã phải đóng cửa, còn người sáng lập thì bị bắt do dịch vụ chứa nội dung vi phạm bản quyền. Sự kiện đó đã giáng một đòn quá mạnh vào MegaUpload, khiến cho tất cả mọi dịch vụ tương tự phải nhanh chóng sàng lọc lại nội dung, kiểm soát chặt chẽ dữ liệu mà người dùng tải lên. Cá biệt, có dịch vụ còn treo bảng tạm ngưng hoạt động để tránh bị “sờ gáy”. Tại Việt Nam, mang đặc thù của một nền kinh doanh trực tuyến quá lộn xộn, thiếu những thông tư, điều luật rõ ràng thì các ban ngành chỉ còn cách vào vai người dùng để trực tiếp nhìn thấy những nội dung vi phạm, rồi “tuýt còi”. Còn chủ sở hữu (ca sĩ, công ty phát hành,…) cũng cần phải chủ động lên tiếng tự bảo vệ mình, khi phát hiện thành quả của mình bị khai thác trái phép, thông qua cơ quản chủ quản, bộ ngành các cấp, hay như RIAV.

Người Việt và thói quen “xài chùa”

Nhắc lại hàng trăm trang web âm nhạc không bản quyền vẫn đang hoạt động công khai hiên nay, có lẽ các ban ngành có trách nhiệm cũng bế tắc trong việc tìm giải pháp xử lý. Và hiển nhiên, các trang này vẫn sẽ hoạt động bình thường cho đến khi bị “tuýt còi”. Về phía người dùng, trong khi phải trả phí tải nhạc ở 5 trang kể trên thì chẳng có lý do gì mà họ không tìm đến các trang “lậu” này để có tập tin nhạc số không tốn một cắt. Hơn nữa, chúng ta đều biết rằng dữ liệu khi đã công khai lên Internet thì không còn bảo mật tuyệt đối. Âm nhạc cũng vậy, với một ca khúc được phát trực tuyến miễn phí, người dùng hoàn toàn có thể dùng các chương trình ghi âm đơn thuần để lưu lại. Do được ghi lại từ âm thanh phát trực tiếp trong máy, chứ không thông qua microphone ngoài nên chất lượng sản phẩm sẽ là chấp nhận được cho nhu cầu nghe nhạc, thư giản của người dùng.

Tóm lại, việc thu phí tải nhạc là hoàn toàn chính đáng, nhưng các ban ngành cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với nhau, cũng như phải có những điều luật rõ ràng, minh bạch để áp dụng chung cho tất cả mọi dịch vụ, tạo nên hành lang pháp lý nghiêm ngặt thì mới mong giải quyết được nạn vi phạm bản quyền âm nhạc như hiện nay.

TIN LIÊN QUAN