Báo chí với năng lượng tích cực và chức năng phản biện
Ngày 7/4, tại hội nghị trực tuyến giao ban quản lý nhà nước quý I/2023 của Bộ TT&TT với các đối tượng quản lý, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý báo chí phải đi đều “2 chân”, vừa lan toả năng lực tích cực, đồng thời không quên chức năng phản biện xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I của Bộ TT&TT với các đối tượng quản lý.
Theo Văn phòng Bộ TT&TT, với lĩnh vực báo chí, truyền thông, 2 điểm nhấn nổi bật trong 3 tháng đầu năm là việc ngày 21/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07 về tăng cường công tác truyền thông chính sách. Đặc biệt, ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hai văn bản quan trọng trên được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, lần đầu tiên chúng ta có Chỉ thị về truyền thông chính sách, với thay đổi lớn về nhận thức. Chỉ thị đã xác định truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp. Vì thế, cơ quan chính quyền phải tổ chức bộ máy truyền thông, có ngân sách hàng năm cho việc truyền thông, tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí...
Chỉ rõ lần đầu tiên có 1 chiến lược Thủ tướng ký về chuyển đổi số báo chí, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, chuyển đổi số không tốn nhiều tiền. Việc cần làm là chọn ra một số doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ báo chí, nhà xuất bản chuyển đổi số và với các doanh nghiệp đây là “hỗ trợ ngắn hạn nhưng được lợi về dài hạn”.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và các cơ quan báo chí chú ý để đi đều “2 chân”, phải vừa lan tỏa năng lực tích cực, đồng thời không quên chức năng phản biện xã hội: “Lúc nào cũng phải nhìn số lớn để điều chỉnh cho phù hợp, vẫn tạo năng lượng tích cực nhưng vẫn phải có phản biện, phê phán”.
Hiện hàng quý các đơn vị thuộc Bộ TT&TT đều có nghiên cứu chuyên đề về các lĩnh vực của ngành. Nhấn mạnh 1 nhiệm vụ quan trọng của cơ quan nhà nước là phổ cập tri thức, Bộ trưởng yêu cầu các nghiên cứu này cần có 1 phiên bản đại chúng hóa để truyền thông, lan tỏa tri thức đến nhiều người.
Lành mạnh hóa báo chí là một trong những việc sẽ được Bộ TT&TT tập trung trong năm nay. Đây là bước phát triển cho các cơ quan báo chí sau giai đoạn sắp xếp. Các báo, tạp chí, trang tin tổng hợp sai phạm nghiêm trọng là phải xử lý nghiêm sau đó là giám sát nhắc nhở thường xuyên. “Năm 2023 cũng là năm nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với xuất bản, nhắc lại mục tiêu của lĩnh vực này là làm sao để người Việt Nam đọc sách nhiều hơn, vị Tư lệnh ngành TT&TT cho rằng, để người Việt Nam đọc sách nhiều hơn, không có cách nào khác là 1 cuốn sách phải có nhiều phiên bản, đa nền tảng nhằm đến được nhiều người: “Muốn sách sống được thì phải vô vạn hình tướng”.
Thành Nam (T/h)