Bảo vệ môi trường bằng công nghệ gì?
Hiệu ứng nhà kính đã, đang và sẽ đe dọa Trái đất của chúng ta, cùng với tốc độ đô thị hóa và hiệu ứng nhà kính đã khiến Trái đất đang bị ô nhiễm và tàn phá nghiêm trọng. Với tốc độ phát triển của cuộc cách mạng 4.0, chúng ta có thể tìm hiểu những cách tận dụng công nghệ để góp phần bảo vệ môi trường một cách bền vững.
CMCN 4.0 khiến chúng ta phải đối mặt với những thách thức như nguy cơ tụt hậu về khoa học, công nghệ, có thể bị bỏ lại xa so với các quốc gia phát triển và đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ và ô nhiễm của thế giới... Những áp lực, thách thức đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
Tuy nhiên, qua hàng loạt sự cố môi trường xảy ra cùng với xu thế phát triển các dự án công nghiệp quy mô lớn hiện nay cho thấy, việc kiểm soát hoạt động xả thải của các dự án, cơ sở; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn thải và đảm bảo năng lực ứng phó kịp thời là những thách thức đối với công tác ứng phó và xử lý các sự cố môi trường.
Việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, thiếu cơ chế đột phá trong huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường. Khoa học và công nghệ chưa thực sự là động lực tạo nên đột phá; chưa tận dụng được nhiều cơ hội, huy động tối đa các nguồn lực trong hợp tác quốc tế.
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, nhiều rào cản kỹ thuật được dựng lên, nhất là rào cản về môi trường, biến đổi khí hậu cản trở thương mại của các nước yếu thế, trình độ phát triển thấp. Chuyển đổi từ kinh tế "nâu" sang kinh tế "xanh" là một xu hướng tất yếu của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, môi trường xuống cấp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gia tăng.
Trên thế giới, các nước phát triển đang có xu thế dịch chuyển các loại hình sản xuất cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sang các nước đang phát triển để giảm chi phí xử lý môi trường, khiến các nước đang phát triển phải gánh chịu "hậu quả" về ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đứng trước những cơ hội khi đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường cơ bản được hoàn thiện; chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới nền kinh tế cacbon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành quan điểm chung.
Ứng dụng điện toán đám mây để bảo vệ hệ sinh thái
Một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là bảo vệ đa dạng sinh học thế giới, đặc biệt là các sinh vật dưới biển, vì đây là môi trường sống của rất nhiều loại sinh vật độc đáo, bên cạnh đó đây cũng là nơi mưu sinh của hàng triệu người, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc khai thác bất hợp pháp và vô tội vạ của con người đã dẫn đến hệ lụy rất nhiều động vật đang dần cạn kiệt, tuyệt chủng.
Trước đấy, các tổ chức môi trường uy tín như Oceana và SkyTruth đã phối hợp cùng Google cho ra mắt ứng dụng Global Fishing Watch năm 2016. Nền tảng này giúp tăng nhận thức của ngư dân và góp phần tác động đến sự phát triển bền vững thông qua hệ thống thông tin minh bạch.
Ứng dụng trên dùng công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu vệ tinh để trở thành một trong những nền tảng đầu tiên cung cấp cái nhìn toàn cầu về hoạt động đánh bắt cá thương mại. Nó cũng được chọn là nền tảng trực tuyến để bất kì ai trên thế giới (người dân, chính phù, các nhà nghiên cứu…) có thể theo dõi và chia sẻ thông tin về hoạt động đánh bắt cá trên toàn thế giới.
Việc bảo vệ các loại động vật hoang dã trên cạn cũng là điều cấp thiết không kém. Một ứng dụng có tên Wildlife Insights được thiết kế dưới dạng bảng đồ lưu trữ dữ liệu, hình ảnh 4,5 triệu động vật đang sống trong thế giới hoang dã. Đây là công cụ để các nhà bảo tồn sinh học có cơ sở dữ liệu để nghiên cứu, phục vụ cho công việc.
Sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta không nói về việc bảo vệ các hệ thực vật, yếu tố cũng vô cùng cần thiết cho sự cân bằng trong cuộc sống của con người. Hiện việc phá rừng chiếm 17% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu. Đó là lý do cần theo dõi sát sao vấn đề này, từ đó đàm bảo sự sống của rừng và các loại động vật hoang dã được bảo vệ.
Năm 2013, đại học Maryland (Mỹ) và một số tổ chức quốc tế về công nghệ lẫn môi trường đã cho ra đời Global Forest Watch, bản đồ định lượng phạm vi rừng toàn cầu.
Việc lập bản đồ rừng toàn cầu theo thời gian không chỉ giúp ích cho nhiều ứng dụng khoa học, chẳng hạn như trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu hay đa dạng sinh học, mà còn giúp ích hiệu quả cho các sáng kiến về chính sách. Lý do là chúng cung cấp các dữ liệu khách quan về các khu rừng để từ đó chính quyền, các tổ chức lẫn công ty tư nhân có thể lên kế hoạch khai thác hoặc cải thiện việc quản lý rừng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những công cụ như Environmental Explorer Insights. Đây là một công cụ trực tuyến được thiết kế theo Công ước toàn cầu về khí hậu và năng lượng (GCoM), giúp góp phần giảm lượng khí thải carbon cũng như sự nóng lên toàn cầu.
Việt Nam chung tay đổi mới sáng tạo - vì một tương lai xanh
Chung tay với việc bảo vệ môi trường thế giới, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiệm thu dự án “Nghiên cứu xử lý vi khuẩn, nấm mốc trong môi trường không khí bằng ozone ứng dụng tại cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thực hiện. Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề tài này đáp ứng nhu cầu trong nước, có hiệu quả kinh tế và rất có ý nghĩa về môi trường.
Môi trường là một trong ba trụ cột để xây dựng một tương lai xanh. Hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 5 nhóm công nghệ ưu tiên trong định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020. Do vậy, Hà Nội luôn quan tâm ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ trong lĩnh vực môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể, như: Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ... Ngoài ra, thành phố đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, giải quyết các thách thức nghiêm trọng về môi trường đòi hỏi những ý tưởng mới và tư duy sáng tạo. Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đưa ra chủ đề cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4: “Đổi mới sáng tạo - vì một tương lai xanh” với mong muốn nhấn mạnh sự đóng góp của hệ thống sở hữu trí tuệ trong việc kích thích sáng tạo, phổ biến và ứng dụng công nghệ sạch, thiết kế xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu sinh thái… giúp “xanh hóa” cuộc sống.
Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4, ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ mới để bảo vệ môi trường, góp phần tạo một môi trường xanh, sạch, đẹp và bền vững cho tương lai.
Thanh Tùng