Bắt nhóm đối tượng giả nhân viên nhân hàng lừa đảo chiếm đoạt tiền

10:26, 12/11/2024

Ngày 11/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh cho biết vừa triệt xóa một đường dây giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại mời vay tiền, sau đó yêu cầu đóng các khoản phí rồi chiếm đoạt.

Theo đó, Công an huyện Bình Chánh, TPHCM khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng trong băng nhóm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Lê Ngọc Diệp (41 tuổi, ngụ quận 8) cầm đầu. 

Liên quan đến vụ án, ngoài Diệp còn có Phạm Thị Kim Loan (sinh năm 2003, quê Bình Dương), Phạm Văn Khánh Phi (sinh năm 2006), Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 2003), Lê Thị Mỹ Tiên (sinh năm 2007) và Trần Thị Diễm Hương (sinh năm 2002, cùng ngụ huyện Bình Chánh) bị công an khởi tố, bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhóm giả nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt tiền bị bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp.

Được biết, từ tố giác của một số nạn nhân, giữa tháng 9, Công an huyện Bình Chánh bất ngờ kiểm tra căn nhà ở đường số 12, khu dân cư Phong Phú 4, xã Phong Phú. Tại đây, công an tạm giữ nhiều người cùng tang vật, tài liệu.

Nhóm người bị tạm giữ khai, được người phụ nữ tên Trâm thuê làm việc. Nhiệm vụ hàng ngày của họ là gọi điện cho nhiều người theo danh sách thông tin do Trâm cung cấp, đóng giả là nhân viên ngân hàng để tư vấn, mời gọi vay vốn. Chúng yêu cầu người vay chuyển các khoản như: tiền bảo hiểm, phí hồ sơ… để được giải ngân, nhưng thực chất là lừa đảo, chiếm đoạt số tiền này.

Công an truy xét, xác định người tên Trâm là Lê Ngọc Diệp, nên đã nhanh chóng bắt giữ. Nhóm Loan, Phi, Nghĩa, Tiên, Hương cùng một số người khác liên quan cũng bị bắt để điều tra.

Tại cơ quan công an, Diệp khai nhận do không có tiền tiêu xài nên lên mạng xã hội Telegram tham gia vào hội nhóm chia sẻ Data miễn phí. Khi thấy trong nhóm có ai chia sẻ Data về danh sách thông tin khách hàng vay vốn của ngân hàng, công ty tài chính thì Diệp tải về máy lưu lại, nhằm mục đích lấy thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo…

Diệp khai đã thuê căn hộ, lên kịch bản lừa đảo, tuyển nhiều nhân viên, trang bị máy móc, mua dữ liệu khách hàng trên các nhóm chat Telegram. 

Hàng ngày, các nhân viên gọi đến số điện thoại của người dân trong dữ liệu đã mua, xưng là nhân viên ngân hàng đang có chính sách cho vay nhanh. Số tiền khách hàng được vay từ 10 đến 150 triệu đồng, chỉ cần một số giấy tờ cá nhân...

Khi có người đồng ý, nhân viên của Diệp vờ xin các thông tin cá nhân, ảnh chụp CCCD, bằng lái... còn Loan trong vai quản lý ngân hàng, thông báo hoàn tất thẩm định, yêu cầu khách hàng nộp tiền phí bảo hiểm khoản vay, phí hồ sơ từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tuỳ vào số tiền vay.

Với những người không có tài khoản để chuyển phí, để chiếm đoạt tiền, Loan sẽ gợi ý thanh toán phí bảo hiểm, hồ sơ thông qua dịch vụ thu hộ (COD) của bưu điện hay các công ty vận chuyển. Bằng cách này, các nhân viên sẽ gửi gói hàng (dưới danh nghĩa hồ sơ ngân hàng), để thu tiền người nhận.

Cuối tháng, Diệp cho nhân viên tổng hợp "thu nhập" để phát lương, chia hoa hồng cho các đồng phạm. Theo cảnh sát, thực tế, nhiều trường hợp có liên lạc để khiếu nại, nhóm này sẽ viện nhiều lý do để kéo dài thời gian. Do số tiền mất ít, tâm lý sợ phiền hà nên nhiều người chấp nhận bỏ số tiền bị lừa.

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Chánh xác định có gần 100 người trên cả nước bị nhóm này lừa đảo số tiền hàng trăm triệu đồng.

Hiện vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.