Bình Định: Khai trương công viên sáng tạo TMA

14:01, 28/09/2020

Ngày 26/9, Công viên Sáng tạo TMA Bình Định chuyên sản xuất phần mềm đã chính thức đi vào hoạt động sau 2 năm đầu tư xây dựng tại thung lũng Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.

Công viên Sáng tạo TMA là khu vực đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam. Hiện tại, công viên này đã hoàn thành giai đoạn 1 của quá trình xây dựng.

Tại đây đang có khoảng 100 kỹ sư, chuyên gia phần mềm làm việc. Để hoàn thành 2 giai đoạn của dự án Công viên sáng tạo TMA, Công ty TMA Solutions (TP HCM) dự kiến sẽ đầu tư 8 triệu USD trên diện tích hơn 15 ha.

Công viên sáng tạo TMA được xây dựng trên diện tích 15 ha, nằm trong tổ hợp Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn, bao gồm: Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành, Đài Thiên văn Quy Nhơn...

Dự án Công viên sáng tạo TMA Bình Định gồm các hạng mục như: khu sản xuất và xuất khẩu phầm mềm, Trung tâm đào tạo, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trung tâm khoa học dữ liệu, Trung tâm trí tuệ nhân tạo, Trung tâm ứng dụng internet vạn vật… nhằm cung cấp những sản phẩm phần mềm cho các đối tác trong và ngoài nước.

Chính thức đưa Công viên Sáng tạo TMA Bình Định đi vào hoạt động - Ảnh 2.

Khách mời hào hứng tham quan khu trưng bày thiết bị thông minh tại Công viên Sáng tạo TMA

TS Nguyễn Hữu Lệ - chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TMA Solutions cho biết: "Hiện tại TMA Bình Định đã hoàn thành hàng chục dự án công nghệ cao cho 6 quốc gia: Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Dự kiến trong vòng 1 năm nữa, Công ty TMA Solutions sẽ đưa khoảng 3.000 kỹ sư, chuyên gia phần mềm từ khắp nơi về làm việc tại công viên này. Khi đó, Quy Nhơn sẽ là một trong những trung tâm lớn của cả nước về sản xuất phần mềm".

Theo ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: TMA Solutions được đánh giá là "sếu đầu đàn" đưa làn sóng sản xuất phần mềm dịch chuyển từ 2 trung tâm lớn ở 2 đầu đất nước về TP Quy Nhơn. 

"Tôi hi vọng Công viên Sáng tạo TMA sẽ làm những việc sáng tạo và sẽ trở thành một trung tâm phát triển công nghệ 4.0 tại Việt Nam, sử dụng nguồn nhân lực, trí lực của khu vực miền Trung và Bình Định. Và tôi cũng mong đây sẽ là cú huých lớn thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển tại Bình Định", ông Dũng cho biết thêm.

Được biết, dự án Đô thị Khoa học được hình thành từ sau khi Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành - ICISE Quy Nhơn của vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc đi vào hoạt động năm 2013. Đây là nơi hội tụ những nhà khoa học từng đoạt giải Nobel nhiều nhất thế giới về gặp mặt, giảng dạy cho các lớp nghiên cứu khoa học.

PV (T/h)

TIN LIÊN QUAN