Bình Phước đầu tư 740 tỷ đồng xây dựng hệ thống trường học thông minh
Đến năm 2025, tỉnh Bình Phước sẽ hoàn chỉnh đầu tư xây dựng 50 trường học đạt thông minh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, trong đó cấp mầm non, cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, mỗi cấp 10 trường và cấp trung học phổ thông 20 trường với tổng mức đầu tư gần 740 tỷ đồng.
HĐND tỉnh Bình Phước vừa thông qua nghị quyết về việc xây dựng hệ thống trường học thông minh giai đoạn 2021-2025.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc xây dựng hệ thống trường học thông minh giai đoạn 2021 – 2025
Theo đó, từ năm 2021-2025, Bình Phước sẽ đầu tư hơn 739,6 tỉ đồng đầu tư xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh tập trung, thống nhất theo 3 cấp (cấp trường, cấp phòng và cấp sở) với cơ sở hạ tầng tiên tiến gồm: Phòng học mầm non thông minh; hệ thống thể chất thông minh; phòng học tin học; hệ thống thư viện điện tử; phòng STEM; hệ thống camera giám sát; hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ngành, phần mềm chuyên ngành; giải pháp dạy và học trực tuyến; các hạng mục phần cứng, đường truyền mạng, trang thiết bị cá nhân; hệ thống phần mềm dùng chung và các phần mềm chuyên ngành đang sử dụng trong ngành giáo dục và đào tạo nâng cao hiệu quả công việc, tối ưu tài nguyên, tối ưu nhân lực.
Triển khai hệ thống phục vụ dạy và học trực tuyến hỗ trợ giáo viên, học sinh đáp ứng việc dạy và học mọi lúc, mọi nơi và hỗ trợ học tập suốt đời cho người dân và xã hội.
Lĩnh vực giáo dục là một trong những nội dung trọng tâm được tích hợp trên hệ thống của trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước
Đến năm 2025, hoàn chỉnh việc đầu tư xây dựng 50 trường học thông minh từ bậc học mầm non đến THPT. Trong đó, cấp mầm non 10 trường, cấp tiểu học 10 trường, cấp THCS 10 trường và cấp THPT 20 trường.
Ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, cho biết: "Việc xây dựng hệ thống giáo dục thông minh sẽ tạo môi trường làm việc điện tử trong các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giảng dạy. Cùng với đó, các giáo viên và học sinh sẽ tương tác với các bài giảng điện tử để cải thiện việc học tập, tiết kiệm thời gian. Đồng thời giáo viên và học sinh có cơ hội để tiếp xúc với công nghệ cao; thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mạnh hơn thông qua kết nối nhà trường, xã hội và cha mẹ học sinh".
Thùy Chi (T/h)