Blockchain Việt cần thận trọng với các "cú ngã"

14:17, 29/11/2022

Ông Choi Kang Yong, Chủ tịch NBN đánh giá: "Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu và còn phát triển nóng trong tương lai. Sẽ còn rất nhiều bài học vấp ngã để điều chỉnh, trưởng thành".

Hàn Quốc là một trong những quốc gia mạnh về công nghệ nói chung và blockchain nói riêng, nhưng gần đây đã gặp "cú sốc" với sự sụp đổ của đồng mã hóa LUNA khiến thị trường tiền điện tử toàn cầu chao đảo, ảnh hưởng tới hàng triệu nhà đầu tư quốc tế.

Thị trường blockchain Hàn Quốc sau đó đã trở nên thận trọng hơn và trở thành bài học cho những quốc gia khác đang tiến vào lĩnh vực này.

Ông Choi Kang Yong, Chủ tịch NBN - kênh tin tức chuyên về blockchain tại Hàn Quốc đánh giá quá trình chuyển đổi toàn cầu từ một thế giới thực sang ảo đang diễn ra rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Riêng tại Hàn Quốc, quá trình này có phần ồ ạt nên các cơ quan tài chính tín dụng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý thông qua các quy chế, pháp luật và điều này đã gây ra hậu quả.

"Đáng ra chúng tôi có thể ngăn ngừa những sự cố lớn, tương tự như đồng LUNA sụp đổ, nhưng tốc độ chuyển đổi diễn ra quá nhanh. Hiện nay, tài sản kỹ thuật số ở Hàn Quốc đã có dấu hiệu khó khăn, bắt đầu thu hẹp lại. Chúng tôi đang phải nhìn lại vào lỗi lầm của mình trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Giờ đây Hàn Quốc vừa xem lại bài học quá khứ, vừa cập nhật để có thể kịp với tốc độ phát triển hằng ngày của công nghệ", ông Choi chia sẻ.

Ông Choi Kang Yong, Chủ tịch kênh NBN tin rằng Hàn Quốc đang học từ những gì xảy ra với LUNA gần đây.

Chia sẻ thêm về những khó khăn của blockchain Việt hiện nay, ông Trần Quang Chiến - nhà sáng lập của Onus Chain nhận định Việt Nam chưa có khung pháp lý cho doanh nghiệp ứng dụng blockchain sẽ là rủi ro, khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi tự xây dựng hoạt động ở lĩnh vực này sẽ cần tới các hệ thống hạ tầng không giống với công nghệ cũ, sẽ cần tới nhiều mạng lưới máy chủ và các bên khác nhau cùng tham gia.

"Con người cũng là thách thức khi doanh nghiệp cần các chuyên gia có năng lực cao. Quá trình xây dựng sản phẩm cũng đòi hỏi bước định hướng người dùng để có kế hoạch tiếp cận rõ ràng. Theo nghiên cứu của hãng Deloitte, có tới 63% doanh nghiệp Mỹ cũng đang gặp trở ngại pháp lý khi ứng dụng blockchain", ông Chiến nói.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang ứng dụng blockchain trong hoạt động kinh doanh, sản xuất ở lĩnh vực khác nhau thuộc công nghiệp, nông nghiệp, thời trang, giải trí..., không chỉ riêng lĩnh vực tài chính, GameFi. Nhưng các startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) lĩnh vực blockchain lại chọn hướng thành lập và đặt trụ sở tại nước ngoài, trong khi vẫn chủ yếu phục vụ khách hàng ở Việt Nam.

Thùy Dung (T/h)