Bộ KH&CN đề xuất xây dựng 4 dự án trọng điểm tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ

14:36, 21/09/2020

Tại buổi làm việc đánh giá kết quả phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020, định hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ngày 10/9/2020, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất đầu tư 4 dự án trọng điểm về khoa học công nghệ.

Hai Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì buổi làm việc

Theo báo cáo của ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ KH&CN - sự phối hợp giữa hai Bộ được thể hiện ở 2 nhiệm vụ chính: xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật; và đầu tư

Theo Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính - ông Nguyễn Nam Hải, trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật, 2 bộ đã cùng phối hợp thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp tích cực trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách pháp luật như xây dựng Luật Đầu tư đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và nhấn mạnh về các nội hàm ưu đãi đầu tư về hoạt động chuyển giao công nghệ nói riêng cũng như với doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Xây dựng các nội dung liên quan về chính sách ưu đãi cho các cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KHCN, cũng như cắt giảm các thủ tục kinh doanh cho các đối tượng là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm ĐMST, phối hợp với các nội dung khác trong nghị định nhằm hướng dẫn luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật đầu tư; Phối hợp xây dựng các nội dung trong các Nghị định nhằm hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật đầu tư; Tích cực phối hợp để đưa nội hàm KHCN vào các đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, cụ thể hóa các nhiệm vụ trong tâm phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và tham gia ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ODA, viện trợ nước ngoài, phối hợp để tạo điều kiện thu hút và triển khia các dự án FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Về việc thực hiện đầu tư công trung hạn ngành KHCN, 2 bộ nhất quản quan điểm chỉ đạo của Chính phủ coi KHCN là quốc sách hàng đầu, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Vì thế, đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN tập trung vào 3 mảng chính: Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các nhiệm vụ KHCN các cấp; Lượng và hoạt động bộ máy của tổ chức KHCN; Đầu tư phát triển để tăng cường cơ sở vật chất KHCN. “Đầu tư phát triển từ NSNN cho hoạt động KHCN luôn là nguồn đầu tư chủ yếu, cơ bản để nâng cao tiềm lực KHCN của đất nước đã có sự thay đổi về cơ cấu, phân cấp để phù hợp với nhu cầu nguồn lực đầu tư hiện tại” - ông Nguyễn Hải Nam cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (từ trái qua) thăm công trình đang xây dựng của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam Hàn Quốc tại Khu CNC Hòa Lạc trước buổi làm việc

Đại diện Bộ KH&CN cũng đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tập trung cho 44 dự án, trong đó có 4 dự án KHCN trọng tâm gắn với mục tiêu “đổi mới sáng tạo thực sự trở thành cột trụ cho động lực phát triển kinh tế”.

Cụ thể là, dự án đầu tư phát triển hạ tầng chuẩn đo lường quốc gia hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2025 định hướng đến 2030. Nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp, Việt Nam cần 1 hạ tầng chất lượng quốc gia với 3 mảng: Xây dựng đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hạ tầng liên quan đến đo lường, đánh giá sự phù hợp. Trong đó, Viện Đo lường quốc gia Việt Nam là thành tố rất quan trọng, là nơi tập trung các chuẩn quốc gia hàng đầu. Nếu hoàn thiện được hệ thống chuẩn đo lường quốc gia trong 41 lĩnh vực đạt trình độ trong khu vực đạt TOP 4 Asean, Việt Nam có điều kiện đảm bảo độ chính xác đo lường trong lĩnh vực công nghiệp thu hút những hoạt động nghiên cứu phát triển, thiết kế chế tạo sản phẩm của những tập đoàn lớn.

Không chỉ vậy, khi dự án được triển khai đồng bộ sẽ tạo điều kiện nâng cao vấn đề đảm bảo đo lường của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam. Dự án đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường 3 giai đoạn 2021-2025 đáp ứng tiêu chuẩn trung tâm đo lường, thử nghiệm hàng đầu khu vực trong một số lĩnh vực trọng điểm. Dự án có mục tiêu tăng cường đầu tư trong một số lĩnh vực trọng điểm về đo lường, thử nghiệm hoàn chỉnh, đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn, chuẩn mực của hệ thống phòng thử nghiệm hiện đại, tương đương tiêu chuẩn quốc tế.

Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường 3 đã phục vụ hiệu quả cho vấn đề phát triển kinh tế của khu vực phía Nam. Các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ... đều cần phải trải qua quá trính đánh giá sự phù hợp của tiêu chuẩn đo lường 3. Trong giai đoạn tới, với định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, tiêu chuẩn đo lường 3 cần đầu tư một số lĩnh vực mới như an toàn thực phẩm, sản phẩm biến đổi gene, năng lượng, vật liệu mới...

Trong bối cảnh quốc gia láng giềng là Trung Quốc xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành nhiều tổ máy điện hạt nhân thì việc đầu tư hệ thống này có ý nghĩa quan trọng để có cảnh báo kịp thời và phương án đối phó. Mục tiêu của dự án là giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện trung tâm điều hành quốc gia ở Hà Nội và 3 trạm quan trắc ở các TP Hà Nội, Đà Lạt, TPHCM, xây dựng 1 trạm mới tại TP.Đà Nẵng, hoàn thiện thiết bị quan trắc cho 2 trạm địa phương ở các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, và xây dựng mới 15 trạm quan trắc tại tỉnh, thành phố có liên quan.

Mục tiêu hoạt động của trung tâm là thực hiện nghiên cứu, liên kết để nghiên cứu nhằm tạo ra các công nghệ cao và sáng chế, liên kết các doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể về phát triển KTXH trong từng giai đoạn. Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ đóng vai trò liên kết với các đơn vị, trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia, bộ, địa phương và cùng các nhà khoa học, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc tế xây dựng, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với tập đoàn lớn.

Cam kết ủng hộ đầu tư cho KHCN

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN - ông Lê Xuân Định, hướng đầu tư cho giai đoạn tới tập trung vào ĐMST, gắn vào sản phẩm, công nghệ, doanh nghiệp, lượng hóa kết quả nghiên cứu KHCN đưa vào trong sản xuất đời sống, tăng năng suất chất lượng. Vì vậy, các nhóm dự án cũng theo hướng này phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp và sự kết nối, phát triển, làm chủ công nghệ trong nước.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, đã có sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt, chặt chẽ chưa từng có giữa hai bộ. Những kết quả mà Bộ KH&CN có được trong thời gian qua một phần là nhờ những ý kiến tham mưu quan trọng của Bộ KH&ĐT. Với mục tiêu đưa KHCN trở thành động lực để phát triển KTXH, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ ở mức cao nhất cho các nhiệm vụ mà Bộ KH&CN được Chính phủ giao phó.

Nhất trí với báo cáo và đề xuất của Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những kết quả mà ngành KHCN đã đạt được. Giai đoạn vừa qua, ngành KHCN đã lấy lại được vị thế của mình và khẳng định sự đóng góp cho đất nước. Chưa bao giờ từ KHCN và ĐMST lại được nhắc đến nhiều như vậy. Với quan điểm, luôn ủng hộ hết mình cho dự án có thể mang đến bước phát triển đột phá cho đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, Bộ KH&CN cần tạo ra những dự án có ý nghĩa như những "cú đấm thép" với sự phát triển KTXH để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội bứt phá trong cuộc cách mạng 4.0.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chưa bao giờ KH&CN được nhắc đến nhiều trong các văn bản của Đảng, Chính phủ như hiện nay. Điều này thể hiện vai trò của KHCN đối với sự phát triển KHXH trong giai đoạn tới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ đầu tư cho KHCN, nhấn mạnh: Cam kết tăng đầu tư thích đáng cho KHCN nhưng cần tập trung trọng điểm, tạo những sản phẩm công nghệ lõi, những dự án khoa học trọng điểm quốc gia để làm chủ công nghệ, dẫn dắt và lan tỏa. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng gợi mở: Thời gian tới, ngoài những nguồn lực đầu tư cho khoa học đã có sẵn, cần mở rộng các nguồn lực đầu tư khác để tăng cường tiềm lực KHCN như các công trình trọng điểm quốc gia... Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng, KHCN cần được đầu tư mang tầm dự án trọng điểm quốc gia để làm chủ công nghệ, dẫn dắt và lan tỏa. Ủng hộ quan điểm đầu tư cho KHCN có sự chuyển hướng ở giai đoạn mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, yếu tố tập trung, trọng điểm để các dự án thể hiện được vai trò kết nối, dẫn dắt công nghệ và phải có đầu ra.

Minh Thùy (T/h)