Bộ Khoa học và Công nghệ tháo gỡ vướng mắc các tại khu công nghệ cao
Khu công nghệ cao Đà Nẵng là điểm đầu tiên trong kế hoạch làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ với các khu công nghệ cao. Tiếp sau Đà Nẵng sẽ là TP. HCM và Hà Nội.
Hôm 15/12, Bộ Khoa học và Công nghệ với Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá Khu Công nghệ cao Đà Nẵng có nhiều bước tiến từ khi thành lập đến nay, đã thu hút được các doanh nghiệp, dự án có quy mô lớn.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý KCNC&CKCN thành phố thông tin, lũy kế đến nay, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án với tổng vốn đầu tư là 818,9 triệu USD. Về công tác quản lý khoa học và công nghệ, ươm tạo đổi mới, sáng tạo, ban quản lý đang đẩy mạnh ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Năm 2020, ban quản lý đã tuyển chọn 3 dự án để ươm tạo ở lĩnh vực công nghệ cao và tổ chức tốt nghiệp cho các dự án này vào đầu tháng 12-2021, hiện đã xét chọn 4 dự án để ươm tạo cho khóa năm 2021. Ban quản lý cũng đang xin chủ trương UBND thành phố thành lập Trung tâm Ươm tạo, Đào tạo, Nghiên cứu - Phát triển để thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ.
Ông Phạm Trường Sơn đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực đầu tư vào Khu Công nghệ cao; ưu tiên tổ chức các hội nghị thu hút đầu tư tầm quốc gia, quốc tế tại Đà Nẵng.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận các ý kiến đề xuất và cho biết, hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các hoạt động do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức từ nay đến đầu năm 2022 là thúc đẩy hoạt động của các khu công nghệ cao.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần thu thập thông tin về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, cũng như định hướng, nhu cầu phát triển của các khu công nghệ cao, của doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư hay nhu cầu thành lập khu công nghệ cao mới của các địa phương có tiềm năng.
Việt Nam hiện có ba khu công nghệ cao. Khu công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập từ năm 2010, có 6 phân khu chức năng chính bao gồm Khu sản xuất công nghệ cao, Khu nghiên cứu – Phát triển đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp, Khu quản lý - hành chính, Khu ở, Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối, Khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao. Mục tiêu của Khu công nghệ cao Đà Nẵng là trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học - kỹ thuật của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Khu công nghệ cao TP. HCM được thành lập năm 2002, tập trung vào bốn mũi nhọn gồm: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông; Cơ khí chính xác - Tự động hóa; Công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường; Năng lượng mới - Vật liệu mới - Công nghệ Nano.
Tại Hà Nội, khu công nghệ cao được xây dựng tại Hòa Lạc được thành lập năm 1998, kỳ vọng trở thành một thành phố khoa học và công nghệ sinh thái thông minh: là nơi thu hút và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của các nhà đầu tư trong nghiên cứu phát triển, đào tạo, ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin, Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa.
Phương Mai (T/h)