Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban quản lý nhà nước tháng 10/2023

09:20, 30/10/2023

Ngày 26/10/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 10/2023. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm cùng lãnh đạo các đơn vị chuyên môn, đại diện lãnh đạo Công đoàn TT&TT, Đoàn Thanh niên Bộ, cán bộ biệt phái của Bộ tại các Bộ ngành, địa phương, đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM, Đà Nẵng và lãnh đạo một số doanh nghiệp thuộc Bộ.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

20231026-ta11.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ báo cáo về công tác thay đổi nhân sự; lãnh đạo Văn phòng Bộ báo cáo công tác quản lý nhà nước và tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 10/2023. Bộ trưởng, một số đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo một số đơn vị chuyên môn của Bộ đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước sau chuyến đi công tác ở nước ngoài.

Tình hình phát triển các lĩnh vực TT&TT trong tháng 10/2023

Về lĩnh vực bưu chính, doanh thu ước đạt 5500 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng 9/2023 và tăng 20% so với tháng 10/2022. Sản lượng bưu gửi ước đạt 230 triệu bưu gửi, tăng 4,5 % so với tháng 9/2023 và tăng 30% so với tháng 10/2022.

Về lĩnh vực Viễn thông, đến tháng 10/2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78,9%, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022. Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,15 triệu thuê bao, tăng 3,89 % so với cùng kỳ năm 2022. Số thuê bao sử dụng điện thoại Feature phone đạt 21,9 triệu thuê bao, giảm 15,12% so với cùng kỳ năm 2022, giảm 3,9 triệu thuê bao. Số thuê bao băng rộng di động đạt 85,4 triệu thuê bao (tương đương với 84,86 thuê bao/100 dân), tăng 1,93% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ truy nhập Internet băng rộng di động 44,13 Mbps (tăng 11,78% so với cùng kỳ năm 2022), xếp hạng 58, cao hơn trung bình thế giới là 43,2 Mbps. Tốc độ băng rộng cố định 94,45 Mbps (tăng 18,14% so với cùng kỳ năm 2022), xếp hạng 46, cao hơn trung bình thế giới là 82,77 Mbps.

20231026-ta10.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Về lĩnh vực Chuyển đổi số quốc gia, đến ngày 20/10/2023, tại 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 76.905 Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) và 356914 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố; 53/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà có 18,405 triệu lượt truy cập.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình/tổng số DVC đủ điều kiện cung cấp toàn trình: 100%. Tỷ lệ DVCTT có phát sinh HSTT đạt 57,38%. Tỷ lệ hồ sơ DVCTT toàn trình đạt 53,8%

Về lĩnh vực An toàn thông tin mạng, doanh thu tháng 10/2023 đạt 480 tỷ đồng, tăng 53,8% so với tháng 10/2022. Lợi nhuận đạt 48 tỷ đồng, tăng 53,8% so với tháng 10/2022. Tấn công mạng trong tháng 10/2023 là 1.010 cuộc, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Về Kinh tế số, Xã hội số, tỷ trọng kinh tế số/GDP của Quý III năm 2023 ước tính đạt 16,56%, tăng trưởng 8.5% so với Quý II năm 2023. Tỷ trọng kinh tế số/GDP 9 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 15,52%. Trong tháng 9/2023, tổng số lượt tải mới ứng dụng về thiết bị di động của Việt Nam đạt khoảng 258 triệu lượt, xếp thứ 11 toàn cầu về tổng số lượt tải mới ứng dụng toàn cầu và thứ 3 khu vực ASEAN.

Về lĩnh vực Công nghiệp ICT, tổng doanh thu công nghiệp CNTT 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tương đương 113,8 tỷ USD, tăng 1 % so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,55 triệu tỷ đồng, tương đương 106 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 96,8 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Về báo chí, truyền thông, tính đến Quý III/2023, doanh thu dịch vụ (bao gồm VAT) lĩnh vực truyền hình trả tiền ước tính đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 1.4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới được đẩy mạnh. Trong tháng 10/2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 01 group và 07 tài khoản vi phạm (tỷ lệ 90%); Google đã gỡ 480 video vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 92%); TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm (tỷ lệ 95%).

Một số nhiệm vụ phải thực hiện trong hai tháng cuối năm 2023

Về một số nhiệm vụ phải thực hiện trong các tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, còn nhiều nhiệm vụ mà các đơn vị của Bộ phải hoàn thành. Cụ thể:

Trong lĩnh vực bưu chính, Vụ Bưu chính sớm công bố chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp bưu chính trong năm 2023, cơ cấu sở hữu của các doanh nghiệp bưu chính có vốn nước ngoài.

Trong lĩnh vực viễn thông, trọng tâm của năm nay là đấu giá tần số, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tần số thời gian tới, quy hoạch băng tần 3.600 – 4.000 MHz. Đối với dự thảo Luật Viễn thông, cần rà soát kỹ những nội dung mới được đưa vào dự thảo luật.

Về chuyển đổi số, cần chuẩn bị kỹ cho phiên họp cuối năm của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, đặc biệt là hướng dẫn chuyển đổi số cho các địa phương, đồng thời, cần hoàn thiện Khung Chính phủ điện tử 3.0, hoàn thiện các đề xuất sửa đổi Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Về an toàn thông tin mạng, cần sớm hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Đối với lĩnh vực công nghiệp ICT, Bộ trưởng chỉ đạo sớm gửi Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến các Bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến góp ý.

Về báo chí, truyền thông, cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đối với việc kiểm tra toàn diện TikTok, kết luận kiểm tra đã được ban hành, khẩn trương yêu cầu đối tượng được kiểm tra thực thi nghiêm chỉnh kết luận kiểm tra, Bộ trưởng chỉ đạo.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải khẩn trương tổng hợp các đầu việc, nhắc nhở các cán bộ công chức hoàn thành công việc đúng thời hạn để đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao trong năm 2023. Tập trung lên kế hoạch cho các nhiệm vụ mà đơn vị phải thực hiện trong năm 2024. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của người đứng đầu các đơn vị. Các trưởng đơn vị phải nắm chắc quan điểm, cách tiếp cận của Bộ, việc khó chưa biết làm thì hỏi lãnh đạo Bộ. Hỏi chính là thể hiện mình đang làm, muốn làm và muốn làm tốt công việc của mình, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng chế độ chuyên gia và Vụ Tổ chức Cán bộ cần nghiên cứu quy chế, cách làm, cách đào tạo một số cán bộ, viên chức trở thành chuyên gia. Theo Bộ trưởng, một Bộ quản lý nhà nước cần phải có chuyên gia tư vấn sâu cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo đơn vị về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Đối với một số vấn đề gây bức xúc xã hội kéo dài, như: Tạp chí điện tử hoạt động như báo, sự nhũng nhiễu doanh nghiệp của một số phóng viên báo chí, rác viễn thông, cuộc gọi rác, sim rác, cuộc gọi lừa đảo, quy hoạch cáp quang biển, lộ lọt dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị phụ trách các vấn đề nói trên phải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề này, phải giải quyết triệt để, phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng./.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông

(https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/161413/Bo-Thong-tin-va-Truyen-thong-giao-ban-quan-ly-nha-nuoc-thang-10-2023.html)