Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo thường kỳ tháng 11/2023
Ngày 06/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 10/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới. Đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.
Dự và chủ trì buổi họp báo có: Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023”; ông Olam Chanthavilay, Bí thư thứ hai phụ trách thông tin báo chí, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam.
Về thành phần dự họp báo, có đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT, như: Cục Thông tin đối ngoại, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện, Cục An toàn thông tin, Cục Công nghiệp ICT, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Trung tâm Thông tin và gần 60 nhà báo, phóng viên đại diện cho hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo
Mở đầu buổi họp báo, đại diện Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT đã công bố Chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023” với chủ đề “Thông tin và truyền thông, điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào”.
Đây là hoạt động thiết thực do Bộ TT&TT vàUBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, đánh dấu 61 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (1962 - 2023) và kỷ niệm 46 năm ngày hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (1977 - 2023).
Theo Kế hoạch, Chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023” sẽ diễn ra từ ngày 11/11 đến ngày 15/11/2023 tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tiếp đó, tại buổi họp báo, Bộ TT&TT đã cung cấp tới các cơ quan báo chí những thông tin nổi bật về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 10/2023 với nhiều con số đáng chú ý, như:
Trong tháng 10/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt: 372.463 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 3.016.617 tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt: 8.393 tỷ đồng, tăng 4% so với tháng trước và giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 79.014 tỷ đồng.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Trong tháng 10/2023, Bộ TT&TT đã tham mưu, trình Chính phủ Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 13/10/2023 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ 3 dự thảo quan trọng phục vụ cho quy hoạch, phát triển ngành: Dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT; Dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BTTTT ngày 10/10/2023 về việc Quy hoạch băng tần 1920-1980 MHz và 2110-2170 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam; Quyết định số 2029/QĐ-BTTTT ngày 23/10/2023 về việc Ban hành “Mô hình đánh giá mức độ trưởng thành của đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng”; Quyết định số 2041/QĐ-BTTTT ngày 25/10/2023 về việc phê duyệt Phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông trả lời tại họp báo
Sẽ nghiên cứu đề xuất đăng ký sim online
Chia sẻ tại họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, sau khi các doanh nghiệp viễn thông cam kết với Bộ về việc rà soát, dừng bán SIM tại các đại lý ủy quyền, chỉ phát triển tại các kênh chuỗi lớn và cửa hàng của chính nhà mạng, số thuê bao phát triển mới hàng ngày trung bình trong tháng 9/2023 đã giảm 35% so với trung bình tháng 8/2023.
Đối với những phản ánh về việc có thể mua được SIM qua đại lý ủy quyền, Cục Viễn thông sẽ tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp rà soát, xác minh, làm rõ các trường hợp này.
Đối với phản ánh về việc nhà mạng ảo không cho đăng ký SIM online, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 hiện không có quy định về việc này nên việc nhà mạng không triển khai việc đăng ký online là phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, Bộ TT&TT đang nghiên cứu đề xuất các doanh nghiệp viễn thông di động xây dựng phương án đăng ký SIM online, nhất là trong bối cảnh Luật Viễn thông sửa đổi chuẩn bị được ban hành.
Về vấn đề tắt sóng 2G, Bộ sẽ đảm bảo dừng 2G theo lộ trình và trên tinh thần luôn đảm bảo quyền lợi của người sử dụng.
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện chia sẻ tại họp báo
Đấu giá băng tần là một việc mới và khó, băng tần là tài sản lớn, đặc thù nên phải triển khai thận trọng, từng bước
Về nội dung liên quan đếnviệc đấu giá băng tần, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho biết, băng tần 2600 MHz sẽ được đấu giá vào cuối năm 2023. Lần này chỉ đấu giá một khối băng tần có độ rộng 100MHz. Ông Tuấn khẳng định, trong khi tiến hành đấu giá băng tần, Bộ TT&TT luôn đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững của lĩnh vực.
Bộ triển khai đấu giá băng tần 2600 MHz trước vì việc đấu giá băng tần là một việc mới và khó, nhiều năm chưa làm được, lần đấu giá băng tần 2300 MHz trước đây chưa làm đến tận cùng. Do đó, đây có thể coi là cuộc đấu giá đầu tiên, băng tần là tài sản lớn, đặc thù, vì vậy cần phải triển khai thận trọng, từng bước cả đối với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, từ đó rút kinh nghiệm trước khi đấu tiếp các băng tần khác.
Đại diện báo VnExpress đặt câu hỏi tại họp báo
Yêu cầu Facebook chặn ngay các hội nhóm hướng dẫn người khác tự tử, “bùng” nợ
Tại họp báo, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT thông tin cho biết, trao đổi ngay với Báo Tuổi trẻ ngay sau khi Báo đăng bài phản ánh hiện tượng một số hội nhóm trên mạng xã hội đăng tải thông tin hướng dẫn người khác tự tử, Cục PTTH-TTĐT đã xác định được 8 hội nhóm Facebook này và thông báo cho Facebook. Chỉ sau 1 ngày Facebook đã chặn ngay 8 hội nhóm này.
Tương tự, Tạp chí Ngân hàng đưa tin việc có nhiều hội nhóm trên Facebook hướng dẫn “bùng” nợ ngân hàng, lừa đảo bằng thế chấp tín dụng. Sau khi liên hệ, tìm hiểu thêm từ Tạp chí Ngân hàng, Cục đã rà quét được 47 nhóm và đã yêu cầu Facebook ngăn chặn. Facebook đã thực hiện ngăn chặn ngay với 43/47 nhóm, 4 nhóm còn lại hành vi vi phạm chưa rõ ràng.
Ông Lê Quang Tự Do đề nghị các cơ quan báo chí khi phát hiện những nội dung sai phạm trên các nền tảng mạng xã hội thì thông tin về Cục PTTH-TTĐT và Cục sẽ xem xet, xử lý nhanh những nội dung đó.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT
Tại buổi họp báo, đại diện Cục PTTH-TTĐT cũngcho biết, Cục đã làm việc với TikTok Singapore và TikTok Singapore đã có văn bản cam kết thực hiện tất cả các nội dung mà Bộ TT&TT yêu cầu, nhất là các nội dung liên quan đến trẻ em. Cục cũng yêu cầu TikTok Singapore bổ sung thêm phụ lục, có thời gian, tiến độ triển khai thực hiện.
Ông Lê Quang Tự Do nhận định, thời gian gần đây, nội dung độc hại trên nền tảng Tiktok đã giảm nhiều. Mạng xã hội này đã tập trung vào việc chặn tài khoản chứ không chỉ còn xóa video clip đơn lẻ như trước.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện một số đơn vị chuyên môn của Bộ TT&TT, như: Cục An toàn thông tin, Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị mình.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, hiện đang diễn ra kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV với nhiều hoạt động chất vấn và theo các nhóm chuyên đề. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời các đại biểu Quốc hội về những vấn đề quan trọng nhất của ngành. Sau các phiên chất vấn, sẽ có Nghị quyết của Quốc hội về các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đây sẽ là cơ sở để Bộ TT&TT triển khai các công việc, nhiệm vụ tiếp theo. Cũng tại kỳ họp lần này, Luật Viễn thông sửa đổi sẽ được bấm nút thông qua, sẽ cónhững hành lang pháp lý mới, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề quản lý.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông đã góp phần giúp Bộ TT&TT hoàn thành nhiệm vụ của mình. Các cơ quan báo chí đã hỗ trợ Bộ TT&TT chuyển tải kịp thời các cảnh báo, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, người dùng trong xã hội, bảo vệ họ trong bối cảnh công nghệ đang phát triển nhanh.
Hiện nay, Cổng Thông tin điện tử của Bộ, của các Cục trực thuộc Bộ đều có các cẩm nang hướng dẫn nhận biết hành vi lừa đảo, cuộc gọi làm phiền, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TT&TT..., các nhà báo, cơ quan báo chí hãy lan tỏa những thông tin, những tri thức đó đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Thứ trưởng chỉ đạo Trung tâm Thông tin, đơn vị giúp lãnh đạo Bộ tổ chức họp báo thực hiện ngay điều tra online về các cuộc họp báo thường kỳ của Bộ, thu thập ý kiến, đề xuất của các phóng viên nhằm đổi mới chất lượng các cuộc họp báo của Bộ để ngày càng hiệu quả hơn nữa.
Đối với các vấn đề đòi hỏi sự phối kết hợp từ các Bộ ngành khác, trong các cuộc họp báo sắp tới, căn cứ vào các câu hỏi của phóng viên, Trung tâm Thông tin thực hiện việc đề xuất sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành để bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ nhất tới các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí, truyền thông đểchuyển tải thông tin chính xác, kịp thời và hiệu quả nhất đến toàn xã hội.
Một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong tháng 11/2023 - Hoàn thiện dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) theo ý kiến góp ý của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 để trình Quốc hội thông qua. - Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương và người dân vào các dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. - Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. - Hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035 (version 1). - Nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Đề án tăng cường, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương. - Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số để trình Thủ tướng Chính phủ vào Quý IV năm 2023. - Tổ chức Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Lào năm 2023 tại Thừa Thiên Huế. |
Theo Bộ thông tin và Truyền thông