Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về năm 2023

18:50, 06/03/2023

Ngày 02/3/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 02/2023 với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng nhiều nội dung quan trọng về phát triển ngành TT&TT trong năm 2023. Cổng TTĐT Bộ TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng tại Hội nghị.

20230306-m10.JPG

Năm 2023 là năm chất lượng làm thể chế. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phải sửa nhiều luật, nghị định. Cái gì mới đưa vào là phải khả thi, tạo ra sự phát triển, tạo ra sự quản lý tốt hơn. Cái gì đưa vào mà không khả thi thì hoặc cản trở phát triển, hoặc không quản lý được thì nhờn pháp luật, hoặc mâu thuẫn thì gây ra lộn xộn. Đã làm thì phải làm thật chắc tay. Mà phải là người đứng đầu trực tiếp tham gia làm luật pháp. Nhân viên thì cả đời có khi chưa bao giờ làm luật, nay bị giao làm luật, đây cũng là bất cập.

Năm 2023 là năm chất lượng, bền vững của hạ tầng số. Hạ tầng của nền kinh tế số, của nền kinh tế nói chung thì không thể kém ổn định, thiếu bền vững như vừa qua bộc lộ. Cáp quang biển, chất lượng di động, chất lượng dịch vụ công đều bộc lộ vấn đề chất lượng. Quản lý nhà nước tại cả trung ương và địa phương phải chịu trách nhiệm về chất lượng và bền vững của hạ tầng số quốc gia.

Năm 2023 là năm dữ liệu. Bộ TT&TT phải làm rõ nội hàm, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ, cho các Bộ, ngành và địa phương. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) sẽ ban hành kế hoạch năm 2023, trong đó có nội dung năm dữ liệu.

Năm 2023 là năm thực thi các chiến lược đã ký. Bộ TT&TT lập chương trình hành động toàn quốc, hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương lập chương trình hành động thực thi chiến lược. Đưa quản lý thực thi chiến lược vào thực tế. Đo lường và công bố các số liệu về thực thi chiến lược là một bước tiến trong quản lý nhà nước.

Năm 2023 là năm tạo ra các kết quả thiết thực. Kết thúc công việc và tạo ra giá trị. Thí dụ về Chính phủ điện tử (CPĐT) là 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, là 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình. Viễn thông là xử lý triệt để sim rác, các sim không được xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư thì sẽ bị cắt sóng.

Năm 2023 là năm đánh giá và công bố chất lượng cổng dịch vụ công (kể cả chất lượng cải cách hành chính trên môi trường số) của các Bộ, ngành, địa phương. Chuyển từ có sang có chất lượng. Đầu tiên, Bộ sẽ ban hành tiêu chuẩn chất lượng cổng dịch vụ công.

Năm 2023 là năm Bộ đứng ra đảm bảo chất lượng toàn trình của liên thông dữ liệu, đảm bảo chất lượng các dịch vụ công liên hệ thống, liên Bộ, ngành, liên địa phương. Hiện nay, một số dịch vụ công khi phải liên thông với các hệ thống CNTT của Bộ ngành, địa phương khác thì suy giảm chất lượng hoặc không thực hiện được.

Năm 2023 là năm tạo ra thay đổi căn bản để đánh giá của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) về CPĐT/CPS Việt Nam được chính xác, thông qua việc cung cấp đủ thông tin, cải thiện các thành phần đang có điểm thấp, để thứ hạng Việt Nam công bố vào năm 2024 sẽ tăng ít nhất 10 hạng, từ 86 xuống dưới 75.

Năm 2023 là năm sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra trợ lý ảo, đạt mức chuyên gia, cho cán bộ công chức. Đã chậm 2 năm rồi, không chậm hơn nữa.

Năm 2023 là vận hành các hệ thống giám sát online. Muốn không có tai nạn lớn, cứu được người thì phải giám sát online. Muốn Bộ bền vững thì phải làm cái này. Muốn đất nước bền vững cũng phải làm cái này. Làm đồng thời cả trong và ngoài Bộ.

Năm 2023 là làm mẫu về nền tảng làm việc số. Nền tảng làm việc số có nghĩa là 100% công việc của nhân viên ở trên môi trường số, không vào là không làm việc được.

Năm 2023 là năm dùng công nghệ cao, công nghệ mới để giải bài toán nhỏ Việt Nam nhưng tạo ra giá trị lớn.

Năm 2023 là năm đưa doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.

Năm 2023 là năm đưa báo chí, xuất bản lên các nền tảng số. Là năm biến các cơ quan báo chí, nhà xuất bản thành các nền tảng số. Báo chí, xuất bản phải đa nền tảng, tức là đa hình tướng để thâm nhập nhiều đối tượng khán giả. Nếu chỉ là báo điện tử thì chỉ một loại đối tượng. Nếu lên Zalo là thêm đối tượng độc giả.

Năm 2023 là năm lành mạnh hoá báo chí, đây là bước phát triển báo chí sau giai đoạn sắp xếp. Những báo, tạp chí, trang tin tổng hợp sai phạm nghiêm trọng là phải xử lý nghiêm, sau đó là giám sát, nhắc nhở thường xuyên.

Năm 2023 cũng là năm quản lý các nền tảng xuyên biên giới vào đúng qui định của pháp luật Việt Nam. Các nền tảng này kiếm tiền và đang thiếu trách nhiệm xã hội. Muốn phát triển bền vững thì càng to, càng lớn, càng quan trọng thì trách nhiệm đi kèm phải càng lớn.

Năm 2023 là năm kiện toàn Văn phòng Ban cán sự, Văn phòng Đảng uỷ để không còn sai sót về công tác Đảng. Trước đây nhân sự chỉ 1-2 người, làm không hết. Nay mỗi Văn phòng là 6 người. Muốn Bộ bền vững thì phải làm tốt công tác Đảng.

Năm 2023 cũng là năm cho khẩu hiệu hành động của Bộ nội hàm mới. Làm gương là thái độ mẫu mực của lãnh đạo các cấp. Kỷ cương của nhân viên là làm đúng, làm đủ trách nhiệm. Trọng tâm là tìm được cái chính để tạo ra sự phát triển của lĩnh vực mình phụ trách. Bứt phá là tìm ra cách làm khả thi cho những việc không khả thi, tạo ra sự phát triển đột phá.

Năm 2023, chúng ta từ Trung ương đến các địa phương quan tâm lãnh đạo, thực thi đủ và đều các lĩnh vực: 1) Bưu chính; 2) Viễn thông, hạ tầng số; 3) Chuyển đổi số quốc gia; 4) Kinh tế số và Xã hội số; 5) An toàn thông tin; 6) Công nghiệp ICT; 7) Báo chí, truyền thông; 8) Xuất bản; 9) Nhân lực số.

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Theo http://mic.gov.vn