Bộ Y tế đã triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe tại 8 tỉnh
Cùng với nhiệm vụ kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát thuốc đối với cơ quan quản lý, các cơ sở cung ứng thuốc và cơ sở y tế. Đến nay, Bộ Y tế đã triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe tại 8 tỉnh thành.
- Bộ y tế cấp số lưu hành cho máy thở VSMART VFS-510
- Kết nối dữ liệu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 về Bộ Y tế
- Từ ngày 18/4 thí điểm khám chữa bệnh từ xa đầu tiên kết nối với người dân
- Bộ Y tế phê duyệt 24 bệnh viện cho mạng lưới Khám, chữa bệnh từ xa
- Bảo hiểm Xã hội - Bộ Y tế hợp tác xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng người dân
Theo Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019, Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng và triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân, thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin cơ bản với dữ liệu quốc gia về dân cư. Hai nhiệm vụ cùng có thời gian triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 và được tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 – 2025. Thời gian vừa qua, cả hai nhiệm vụ này đều được Bộ Y tế tích cực triển khai.
Cục Công nghệ thông tin thuộc Bộ Y tế đã khởi động việc xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử vào tháng 6/2018. Đến tháng 12/2018, hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử đã được nghiệm thu.
Tính đến nay, đã có 8 tỉnh thành triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe, bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Phú Yên, Bình Dương, Nam Định, Thái Bình, Lâm Đồng và Phú Thọ.
Phần mềm hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế đã được triển khai tại 8 tỉnh.
Trong kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, Bộ Y tế nêu rõ, hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Hồ sơ sức khỏe điện tử là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.
Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề.
Đồng thời, đây cũng là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần hiện đại hóa ngành y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Cũng theo kế hoạch của Bộ Y tế, việc triển khai hệ thống hồ sức khỏe điện tử cho người dân sẽ được ngành y tế thực hiện ngay từ năm 2019 cho đến 2025.
Theo đó, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tổ chức triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm đến cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử; hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia.
Đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.
Dung Hoàng