Bộ Y tế và Bộ TT&TT hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức 4
Bộ Y tế và Bộ TT&TT là hai bộ đầu tiên hoàn thành việc đưa tất cả dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên cung cấp trực tuyến mức độ 4, mức độ cao nhất được thực hiện hoàn toàn qua mạng.
- Quảng Ninh sẽ nâng cấp 621 dịch vụ công trực tuyến lên mức 4
- Hơn 88% dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 Bộ GTVT có phát sinh hồ sơ
- Thái Nguyên: Lên kế hoạch nâng cấp 443 dịch vụ công trực tuyến lên mức 4
- Bộ TT&TT sẽ giúp An Giang sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số
- Bộ TT&TT tổng kết việc triển khai Luật Giao dịch điện tử
- Bộ TT&TT triển khai các quyết định về công tác cán bộ
Sáng 30/6, Bộ Y tế đã tổ chức công bố hoàn thành cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tính đến hết năm 2019, sau 5 năm triển khai, Bộ Y tế xây dựng và đưa vào vận hành 90 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực: An toàn thực phẩm và dinh dưỡng; dược phẩm; mỹ phẩm; trang thiết bị và công trình y tế; Đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin; khám bệnh, chữa bệnh; y tế dự phòng… với khoảng gần 400 hồ sơ được tiếp nhận/ngày.
Nhưng kể từ tháng 12/2019 đến nay, các vụ, cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế đã tập trung nguồn lực, ứng dụng công nghệ và có giải pháp phù hợp để bảo đảm đến ngày 30/6/2020 hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính (321 thủ tục) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
Cổng Dịch vụ công Bộ Y tế đã được tích hợp thành công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin một cửa quốc gia và các hệ thống dịch vụ công của địa phương tạo thành một nền tảng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông suốt.
Theo thống kê tính từ ngày 1/1/2020 đến nay, tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là: 33.429 hồ sơ, trong đó: Vụ Trang thiết bị và công trình y tế: 4.919 hồ sơ; Cục An toàn thực phẩm: 8.708 hồ sơ; Cục Quản lý dược: 18.027 hồ sơ; Cục Quản lý khám, chữa bệnh: 1.724 hồ sơ...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đa cho rằng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt đến đâu thì đòi hỏi các đơn vị trực tiếp phải tiếp tục thay đổi lề lối, cách thức làm việc.
Ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để có thể trong 6 tháng hoàn thành được mục tiêu đề ra trong lộ trình 5 năm như ban đầu thì quan trọng nhất là phải có cách làm mới. Trong đó người đứng đầu phải quyết tâm, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin đứng sau các đơn vị chuyên môn.
Theo Phó Thủ tướng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vừa tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, DN, đồng thời qua đó cũng góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, đơn giản hoá, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, có ít hồ sơ phát sinh. Thời gian tới, Bộ Y tế cùng Bộ TT&TT cần tổng kết lại quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thống nhất và nhân rộng ra tất cả các cơ quan, địa phương.
“Công nghệ thông tin chỉ là công cụ còn việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt đến đâu thì đòi hỏi các đơn vị trực tiếp phải tiếp tục thay đổi lề lối, cách thức làm việc”, Phó Thủ tướng lưu ý thêm.
Nhắc đến sự quan tâm đặc biệt của người dân, xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế luôn được ưu tiên. Vì vậy, sau khi cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, ngành y tế phải hoàn thành lời hứa chậm nhất là đến ngày 31/12/2020 thay thế toàn bộ sổ khám sức khoẻ bằng giấy sang hình thức điện tử để theo dõi cụ thể hồ sơ sức khoẻ của từng người dân.
Đến nay, ngành y tế đã lập được trên 90 triệu hồ sơ sức khoẻ điện tử và đang triển khai cập nhật thông tin sức khoẻ của từng người dân từ y tế tuyến xã đến tuyến huyện, tỉnh, Trung ương; tích hợp, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân sau này.
Lời hứa thứ hai là đến ngày 31/12/2020, toàn bộ thông tin về nguồn lực của ngành y tế phải được cập nhật đầy đủ, phục vụ quản lý nhà nước một cách minh bạch, công khai, toàn xã hội giám sát.
“Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống y tế sẵn có, Việt Nam sẽ có nền y tế hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Thùy Chi