Bốn điều đáng mong đợi của 5G châu Á năm 2021
Trong năm 2020, 5G được triển khai mạnh tại châu Á với khoảng 135 mạng. 2021 là năm 5G bắt đầu phát triển về mặt thương mại và tiến tới độc lập.
5G cần chứng minh được giá trị thương mại của mình với các nhà mạng năm 2021.
Thương mại hóa 5G
2021 sẽ là năm mà các lãnh đạo nhà mạng và nhà đầu tư tìm kiếm dấu hiệu sinh lời từ 5G. Cho tới nay, nhà mạng mới chỉ bán các gói cước 5G đắt tiền. Hàn Quốc là thị trường đáng quan sát nhất đối với các hoạt động thương mại 5G. Giới phân tích tin rằng doanh số gói cước phần nào hỗ trợ hãng viễn thông Hàn Quốc hãm đà giảm sút của doanh thu và ARPU (doanh thu tính trên mỗi khách hàng).
Tốc độ sử dụng 5G tại Hàn Quốc đang tiến triển với số thuê bao 5G chiếm khoảng 14% tổng số thuê bao. Nhà mạng Hàn Quốc đang muốn cung cấp game đám mây và nhiều hình thức video khác nhau. Chẳng hạn, SK Telecom ra mắt ứng dụng nhạc chuông video V Coloring, phát video tùy ý khi kết nối cuộc gọi.
Tại Trung Quốc, nhà mạng cũng bán các gói cước dữ liệu cao cấp, lên tới 300GB/tháng. Họ đặt cược vào nhắn tin 5G, nền tảng dựa trên RCS với hi vọng thu hút người dùng và tài trợ của doanh nghiệp.
Người chơi mới
Ba nhà mạng tại ba thị trường châu Á được mong đợi theo ba cách khác nhau. Đầu tiên, Rakuten của Nhật Bản, dù đã triển khai 5G song dấu ấn tương đối mờ nhạt. Mọi người không chỉ tò mò về cách Rakuten cạnh tranh với đối thủ mà còn về mô hình mạng 5G triển khai bằng phần mềm. Đây rõ ràng là thử nghiệm quan trọng nhất trong ngành.
Tiếp theo, China Broadcast Network (CBN) của Trung Quốc cũng gây chú ý khi là công ty nằm ngoài “câu lạc bộ” nhà mạng truyền thống giành được giấy phép 5G. CBN sẽ sử dụng tần số 700MHz cùng China Mobile. Dự kiến, CBN sẽ cung cấp dịch vụ 5G từ nửa sau năm 2021.
Cuối cùng, Dito Telecom mang trọng trách chấm dứt tình trạng lưỡng quyền trên thị trường viễn thông Philippines. Đứng sau Dito Telecom là China Telecom (chiếm 40% cổ phần). Công ty đã sẵn sàng triển khai 5G vào tháng 3/2021 sau nhiều lần lỡ hẹn.
5G độc lập
Mạng 5G hiện tại gần như đều là mạng 5G không độc lập (NSA), phụ thuộc vào mạng 4G để sử dụng bình thường. Trong khi đó, mạng 5G độc lập cung cấp tính năng phong phú nhất và hứa hẹn nhất, đặc biệt là độ trễ thấp và phân chia mạng (network slicing). Các nhà mạng tin rằng nó sẽ “đốt cháy” thị trường doanh nghiệp, mang đến các dịch vụ tùy biến quý giá, tạo ra giá trị cho khách hàng doanh nghiệp.
Hầu hết các nhà mạng đều chưa háo hức với việc chuyển sang 5G NSA. Một nguyên nhân là nguồn cung thiết bị phù hợp chưa bắt kịp. Lý do khác, bất chấp nhiều thỏa thuận hợp tác và thử nghiệm đang diễn ra, là ngành dọc cần thời gian cho các mục đích sử dụng mới quy mô lớn.
Khi nói tới mức độ sẵn sàng, nhà mạng Hàn Quốc và Trung Quốc đang dẫn đầu. SK Telecom và KT của Hàn Quốc cho biết đã nâng cấp 5G độc lập tương tự China Telecom và China Unicom.
Tiến lên 6G
Trận chiến địa chính trị trong 5G khiến cuộc đua tới 6G càng trở nên căng thẳng. Chúng ta sẽ chứng kiến các hoạt động phát triển 6G nhiều hơn. Cạnh tranh giữa ba cường quốc châu Á cũng đóng vai trò quan trọng trong định hình 6G.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều thành lập hội đồng quốc gia, chỉ đạo nỗ lực 6G. Bộ trưởng Truyền thông Nhật Bản Ryota Takeda vừa công bố kế hoạch liên minh “Beyond 5G” để dẫn dắt quá trình phát triển mạng di động thế hệ tiếp theo. Chính phủ sẽ rót 50 tỷ yên vào năm 2021 và cân nhắc mở quỹ 100 tỷ yên. 6G chính là một trong các động lực khiến NTT mua lại DoCoMo, công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế 5G hơn bất kỳ nhà mạng nào khác.
Trong khi đó, Hàn Quốc đặt mục tiêu thử nghiệm 6G lần đầu tiên vào năm 2026, chính phủ đã dành 200 tỷ won cho công nghệ này. Samsung và LG cũng khai trương các trung tâm nghiên cứu 6G. Tại Trung Quốc, ba nhà mạng lớn cùng Huawei, ZTE và Datang, cũng như các nhà sản xuất chip, thiết bị cầm tay, viện nghiên cứu quốc gia đều bắt tay nghiên cứu 6G.
Theo Lightreading