BSA và chính phủ nỗ lực ngăn chặn vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam

16:00, 30/05/2024

Trong bối cảnh tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền gia tăng trở lại sau đại dịch COVID-19, Liên minh Phần mềm Hợp pháp (BSA) đã đề nghị các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn vấn nạn này. Việc sử dụng phần mềm lậu không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính mà còn đe dọa trực tiếp đến an ninh thông tin, dữ liệu của các doanh nghiệp.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề trên, Tạp chí Điện tử và Ứng dụng đã có cuộc trao đổi với ông Adam Coates - Tổng Cố vấn và ông Tarun Sawney - Giám đốc Cấp cao của BSA. Dưới đây là một số chia sẻ đáng chú ý:

Ông Adam Coates cho biết: Hầu hết vi phạm bản quyền phần mềm tại doanh nghiệp là do thiếu hiểu biết hoặc sai sót vô tình, không phải cố ý đánh cắp. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào hoạt động giáo dục, hợp tác với chính phủ nâng cao nhận thức về tác hại của việc vi phạm. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quy trình quản lý tài sản phần mềm hiệu quả, áp dụng các thực hành tốt nhất theo tiêu chuẩn ISO.

Tìm kiếm và sử dụng phần mềm lậu trên mạng rất tiện lợi. Nhưng thực tế là việc tải phần mềm hợp pháp từ website công ty cũng không hề kém phần thuận tiện. Sự khác biệt duy nhất là bạn phải trả phí theo giấy phép sử dụng, ông Coates nhấn mạnh.

Đại diện BSA trong buổi làm việc với các cơ quan báo chí về vấn đề vi bản bản quyền phần mềm.

Ông cũng cho biết BSA và các thành viên đã đầu tư nguồn lực để giải quyết vấn nạn lan tràn phần mềm lậu trên các nền tảng trực tuyến, nhằm giúp người dùng phân biệt được phần mềm kém chất lượng, lỗi bảo mật so với phần mềm hợp pháp chất lượng cao. Tuy nhiên, BSA và các thành viên đang ưu tiên nguồn lực cho việc giải quyết vi phạm bản quyền phần mềm của doanh nghiệp trước.

Về vấn đề hỗ trợ startup khi chi phí phần mềm là gánh nặng lớn, ông Tarun Sawney lý giải: Nhiều startup do hạn chế tài chính nên đã sử dụng phần mềm không phép. Tuy nhiên, điều này là không hợp lý. Hãy tưởng tượng một startup tiềm năng đang xin vốn đầu tư nhưng lại tuyên bố sẽ chi tiền cho mọi thứ trừ phần mềm - yếu tố cốt lõi để duy trì hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ khó có thể thuyết phục nhà đầu tư.

Hoặc giả sử một startup đầu tư 6 tháng công sức nhưng không dùng phần mềm bản quyền, kể cả phần mềm diệt virus. Nếu bị tấn công mã độc, nguy cơ thất bại là rất lớn ngay từ trước khi khởi nghiệp. Liệu có đáng để mạo hiểm như vậy?, ông Sawney lập luận và nhấn mạnh các startup đang ấp ủ những dự án tham vọng, mong muốn thành công thì không thể dùng phần mềm lậu.

BSA đã từng nghiên cứu về mối liên hệ giữa phần mềm không bản quyền và nguy cơ nhiễm phần mềm độc hại. Kết quả cho thấy, sử dụng càng nhiều phần mềm không bản quyền, nguy cơ bị tấn công bởi phần mềm độc hại càng cao, đồng nghĩa với việc rủi ro bảo mật cho tổ chức cũng tăng cao.

Đại diện BSA thông tin.

Khi được hỏi về vấn đề tư duy của người dùng, cần thay đổi như thế nào, ông Tarun Sawney thẳng thắn: Tôi cảm thấy tiếc nuối khi một bộ phận giới trẻ ngày nay lại có xu hướng coi nhẹ việc sử dụng phần mềm không có bản quyền, thậm chí còn khoe khoang việc bẻ khóa thành công các phần mềm của các công ty hàng đầu trị giá hàng tỷ đô la.

Cách đây khoảng 15 năm, ngành âm nhạc đã từng cố gắng truy tố người nghe nhạc tải bản quyền trái phép nhưng không hiệu quả, thậm chí trở thành thảm họa truyền thông. Đây là bài học cho thấy chúng ta không nên đơn thuần trừng phạt mà cần thay đổi nhận thức của người dùng, vị lãnh đạo này của BSA nhấn mạnh.

Ông Adam Coates - Tổng Cố vấn Liên minh phần mền hợp pháp (BSA).

Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này, ông Adam Coates khẳng định rằng việc sử dụng phần mềm không bản quyền sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như giảm tính bảo mật dữ liệu, khiến doanh nghiệp trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng hay nhiễm phần mềm độc hại. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng, đối tác và các bên liên quan, để lại hậu quả lớn cho toàn bộ nền kinh tế, ông Coates cảnh báo.

Trong khi đó, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng phần mềm có bản quyền. Ông Lê Thanh Liêm, Chánh Thanh tra Bộ, cho biết: "Sử dụng phần mềm có bản quyền không đơn thuần là nghĩa vụ pháp lý, nó còn là bước thiết yếu để bảo vệ dữ liệu khách hàng và của tổ chức. Các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc coi trọng việc này - và chúng tôi cần các quản lý cấp cao đặc biệt quan tâm để bảo vệ doanh nghiệp của mình."

Ông Liêm cũng khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với BSA để sớm khởi động việc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm bản quyền phần mềm. "Tất cả các vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý đầy đủ theo quy định pháp luật. Chúng tôi nhắc nhở và thúc giục các doanh nghiệp đảm bảo việc sử dụng phần mềm có bản quyền ngay từ bây giờ!", ông Liêm nhấn mạnh.

Từ những chia sẻ trên, có thể thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa BSA và chính quyền trong việc nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật là vô cùng cần thiết để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.

Bên cạnh những tác động về mặt pháp lý và tài chính, việc sử dụng phần mềm không có bản quyền còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh thông tin, dữ liệu của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh số hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đây là vấn đề cần được quan tâm đúng mức để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

https://dientuungdung.vn/bsa-va-chinh-phu-no-luc-ngan-chan-vi-pham-ban-quyen-phan-mem-tai-viet-nam