Bùng nổ tội phạm công nghệ: “Bức rào” nào có thể bảo vệ người dân, doanh nghiệp?
Công nghệ thông tin phát triển đem đến nhiều hữu ích như: chia sẻ thông tin, kết nối bạn bè, liên lạc… thế nhưng, cùng với sự phát triển đó, tội phạm công nghệ cao cũng không ngừng bùng nổ…
Mới đây, từ báo cáo tham luận của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, thời gian qua, một số thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng như: Phishing tài khoản ngân hàng để thu thập, sử dụng trái phép thông tin, chiếm đoạt tài sản; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… có chiều hướng ngày một gia tăng.
Trước sự bùng nổ của loại hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, cơ quan Công an đã liên tục đưa ra các khuyến cáo cảnh giác - Ảnh: SKĐS
Cũng theo Bộ Công an, qua nắm tình hình tại các ngân hàng, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra hơn 1.600 trường hợp khách hàng bị lừa đảo chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng dẫn đến thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ các vụ việc đã được đơn vị này triệt phá thành công cho thấy, hành vi, thủ đoạn của loại hình tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, gây thiệt hại không nhỏ cho những “con mồi” đã sập bẫy...
Theo thống kê, trong tháng 1/2020, cơ quan Công an đã phát hiện, bắt giữ nhóm 10 đối tượng (2 Malaysia, 8 Việt Nam) có hành vi nêu trên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiếm đoạt trên 500 tỷ đồng, tiếp đến, tháng 4/2020, cơ quan này lại tiếp tục bắt giữ nhóm 11 đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng… cũng với một phương thức như đã nêu.
Và mới nhất, tháng 6/2020 vừa qua, đơn vị này tiếp tục triệt phá đường dây 11 đối tượng (7 đối tượng Nigeria, 4 người Việt Nam), sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 120 tỷ đồng.
Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản được coi như một "kim chỉ nam" trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng hiện nay...
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, không chỉ gây bức xúc trong dư luận xã hội, mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên? Đâu là giải pháp?
Thông tin với báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho hay, có ba lý do dẫn đến hiện trạng này, một là việc bảo mật thông tin chưa hiệu quả, hai do sự cảnh giác của người dân chưa cao, ba là thủ đoạn rất tinh vi của các đối tượng phạm tội…
Đồng quan điểm với Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, thông tin với báo chí về thực trạng tội phạm công nghệ, Trung tá Lê Minh Hải - Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, các cá nhân tự ý thu thập thông tin cá nhân rao bán là một nguyên nhân để tội phạm công nghệ gia tăng, việc rao bán trên không gian mạng, truy nguồn còn khó khăn, trang web đăng ký nước ngoài, nick ẩn danh không phải thật nên rất khó trong phát hiện xử lý.
Loại hình tội phạm công nghệ với những thủ đoạn hết sức tinh vi và gây thiệt hại không hề nhỏ, nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời
Ảnh: CAND
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nói riêng, ngày 25/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Chỉ thị được đánh giá như một “kim chỉ nam” về công tác đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm này.
Ngoài việc nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng Bộ, ngành trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan gây vướng mắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời tham mưu, kiến nghị và đề ra các giải pháp khắc phục.
Đồng thời, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung điều tra, khởi tố, xử lý các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Theo https://enternews.vn