Các công cụ tài chính xanh là trụ cột quan trọng xây dựng thị trường vốn xanh
Các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, chứng chỉ carbon ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Chúng không chỉ giúp huy động nguồn vốn cho các dự án phát triển bền vững mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế...
Trái phiếu xanh là công cụ thu hút nguồn lực tài chính hiệu quả
Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra mục tiêu tổng quát là hướng tới nền kinh tế xanh, đây cũng chính là xu hướng toàn cầu trong chuyển đổi mô hình kinh tế, phát triển công cụ tài chính xanh, nơi mà các yếu tố môi trường được tích hợp vào các chính sách, quyết định đầu tư tài chính.
Đa dạng các loại hình công cụ tài chính xanh
Chia sẻ về định hướng phát triển các công cụ tài chính xanh tại Việt Nam – nhìn từ chiến lược phát triển thị trường chứng khoán tới 2030, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và Quyết định của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 (Quyết định số 1726).
Và mới đây, ngày 15/8/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu “phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”.
Phó Vụ trưởng Tô Trần Hòa phân tích: Các công cụ này sẽ là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, góp phần phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn, nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác, từ đó, giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các yếu tố môi trường và xã hội, phát triển các công cụ tài chính xanh có thể thu hút nguồn vốn từ trong và ngoài nước.
Theo đó, với tầm quan trọng của công cụ tài chính xanh, tại Quyết định số 1726, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển công cụ tài chính xanh.
Thứ nhất, đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Theo đó, Bộ Tài chính thực hiện nghiên cứu, triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh như khuyến khích việc phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh nhằm tạo thêm kênh huy động vốn cho ngân sách, cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước thực hiện nghiên cứu, triển khai đa dạng các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, các loại sản phẩm cấu trúc, các loại chứng chỉ lưu ký, các loại chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, các công cụ tài chính xanh phù hợp với trình độ phát triển của Thị trường chứng khoán.
Thứ hai, nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa, thực hiện nghiên cứu hoàn thiện các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ định giá trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững.
Thứ ba, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trong nước, nghiên cứu các giải pháp thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư vào các công cụ tài chính xanh phù hợp với quy định pháp luật.
Thứ tư, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thị trường vốn xanh, triển khai hợp tác với đối tác nước ngoài nhằm nghiên cứu các sản phẩm mới cho thị trường, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm liên quan đến tài chính xanh và phát triển bền vững.
Để triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên, trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đưa vào công cụ tài chính xanh mới; nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững, nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức của cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường, nhà đầu tư về các công cụ tài chính xanh và phát triển bền vững.
Cùng với đó, Ủy ban đã và đang triển khai một hiệu quả một số giải pháp như: phối hợp cùng Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ra mắt Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững, ra mắt Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính giúp doanh nghiệp thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính dễ dàng hơn, đáp ứng quy định của pháp luật; tham gia Hội đồng Phân loại Tài chính bền vững ASEAN; phối hợp với các tổ chức quốc tế khác triển khai các chương trình đào tạo về tài chính xanh, trái phiếu xanh; xây dựng Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của thị trường chứng khoán đến năm 2030; nghiên cứu các tiêu chuẩn trái phiếu xanh và đưa trái phiếu xanh ASEAN vào Việt Nam. Các tiêu chuẩn này không chỉ cho tổ chức phát hành mà cả nhà đầu tư, các quỹ đầu tư.
Thách thức của công cụ tài chính xanh
Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng lưu ý, việc phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững là lĩnh vực mới không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới, việc thúc đẩy phát triển các công cụ tài chính xanh tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức.
Thứ nhất, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, trong đó bước đầu đã đưa ra được khái niệm về các sản phẩm tài chính trên thị trường vốn xanh, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế.
Điều này dẫn đến những khó khăn cho các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước trong việc đánh giá, chứng nhận, đầu tư vào các dự án xanh và đưa ra các sản phẩm công cụ tài chính xanh phù hợp. Đồng thời, đây cũng vừa là yếu tố chủ quan, vừa là yếu tố khách quan dẫn đến việc thị trường vốn xanh tiềm ẩn nguy cơ liên quan đến thiếu minh bạch thông tin khi chưa có các tiêu chuẩn được thống nhất để các doanh nghiệp có thể thực hiện công bố thông tin minh bạch.
Thứ hai, hiện nay chi phí phát hành các sản phẩm tài chính xanh về cơ bản vẫn chưa có sự khác biệt so với các sản phẩm tài chính truyền thống, thậm chí có phần cao hơn. Điều này là do thực tế, lĩnh vực “xanh” vẫn còn tồn tại những khó khăn như cơ chế ưu đãi còn chưa rõ ràng, chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn bị kéo dài, rủi ro thị trường cao, dễ phát sinh thêm chi phí...
Thứ ba, do thị trường vốn xanh ở Việt Nam mới phát triển ở bước đầu, sự hiểu biết của doanh nghiệp, nhà đầu tư về công cụ tài chính xanh còn hạn chế. Doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức để xây dựng các dự án xanh đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn xanh trong và ngoài nước.
Ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước "Để triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên, trong thời gian qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đưa vào công cụ tài chính xanh mới; nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững, nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức của cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường, nhà đầu tư về các công cụ tài chính xanh và phát triển bền vững". |
Nhằm thúc đẩy phát triển, phát huy hết tiềm năng vốn có của thị trường vốn xanh và các loại công cụ tài chính xanh trong thời gian tới cần có sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, thành viên thị trường, công chúng đầu tư và các cơ quan thông tấn, báo chí. Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã đề ra 6ố giải pháp.
Thứ nhất, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, sản phẩm gắn với thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 – 2030, bám sát Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, sớm ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Thứ hai, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành trong việc ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế, để từ đó có các tiêu chí đánh giá và chứng nhận các dự án xanh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, thành viên thị trường tiếp cận với thị trường vốn xanh.
Thứ ba, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo về tiềm năng, cách thức hoạt động của thị trường vốn xanh, các sản phẩm tài chính xanh cùng các tiêu chuẩn phát triển dự án xanh theo thông lệ quốc tế, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp, thành viên thị trường nâng cao nhận thức, tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Thứ tư, yêu cầu doanh nghiệp có dự án xanh công bố thông tin một cách minh bạch, đầy đủ, chính xác về các dự án xanh, từ đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và nâng cao tính hấp dẫn của các sản phẩm tài chính xanh gắn liền với doanh nghiệp.
Thứ năm, nghiên cứu các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng đầu tư vào các dự án xanh để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai chính sách khuyến khích hỗ trợ cụ thể trong từng lĩnh vực.
Thứ sáu, nghiên cứu, hoàn thiện và cơ cấu lại Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) (vận hành từ năm 2017) để phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của TTCK.
“Trong bối cảnh hiện nay, phát triển các công cụ tài chính xanh không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là một cơ hội để Việt Nam thể hiện được vai trò tiên phong trong phát triển bền vững”, Phó Vụ trưởng Tô Trần Hòa nhấn mạnh.