Các đại gia thế giới 'hiến kế' cho 3G Việt Nam
"Phải đứng trong thị trường để phản ánh các khu cầu của khách hàng", ông Hiroshi Matsui, Phó Chủ tịch điều hành NTT DoCoMo, mạng di động lớn nhất Nhật Bản đã hiến kế cho các nhà mạng VN khi việc triển khai dịch vụ 3G mới ở khúc dạo đầu.
Nhật Bản là một trong những quốc gia hiếm hoi triển khai thành công 3G trên diện rộng hiện nay, với 92% số thuê bao di động đang sử dụng 3G, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình ở các nước Âu Mỹ. Nhiều dịch vụ còn xa vời, quá hiện đại và khó triển khai ở EU hay Bắc Mỹ lại có thể dễ dàng bắt gặp tại Nhật và được người dân nước này ưa chuộng. Một gian hàng của Triển lãm Vietnam Comm & Vietnam Electronics 2009. Ảnh: T.C
Và trong khi các mạng di động phương Tây còn đang chật vật tìm kiếm một mô hình kinh doanh tối ưu cho công nghệ 3G thì NTT DoCoMo hay Softbank đã cho thấy: nếu khai thác đúng cách, 3G hoàn toàn có thể là một "con gà đẻ trứng vàng".
Nhiều cuộc nghiên cứu đã được tiến hành, và NTT nhận ra một điều: Phải phát triển dịch vụ trên nền tảng của một mạng lưới tốt. Nếu ngay từ đầu, người dùng đã thất vọng với chất lượng tín hiệu, sẽ thật khó để thuyết phục họ quay trở lại lần thứ hai. Ngoài ra, sự thành bại của dịch vụ còn phải phụ thuộc vào chức năng của điện thoại. Hiểu một cách đơn giản, nếu như dịch vụ vượt trước chức năng của điện thoại quá xa thì nó cũng không thể thành công.
Người tiêu dùng với các mức thu nhập khác nhau, các nhu cầu khác nhau đều cần được thoả mãn, bởi 3G không phải là một món ăn "cao cấp", chỉ dành cho một nhóm nhỏ khách hàng có thu nhập cao mà thôi. Nhưng ngược lại, nếu như các mẫu dế 3G ở giai đoạn đầu chỉ dừng lại ở mức "cơ bản", nghèo tính năng thì cũng không thể tạo được sự đột phá, bùng nổ trên thị trường.
Khi phân tích về bí quyết thành công của Nhật Bản khi triển khai 3G, giới phân tích phương Tây đều thống nhất ở một điểm: người Nhật đã xây dựng được một "hệ sinh thái dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) và dịch vụ nội dung" cực kỳ phong phú, sinh động, thiết thực và hấp dẫn bao quanh 3G. Chính hệ sinh thái này đã giữ chân những khách hàng hiện tại và lôi cuốn khách hàng tiềm năng đến với 3G.
"Muốn phát triển 3G, các dịch vụ nội dung bắt buộc phải phát triển theo. Nếu không có nội dung hỗ trợ, 3G sẽ chỉ là một công nghệ khô cứng, thiếu sức sống và xa lạ với người dùng", ông Shoichiro Kaneko, Giám đốc PR Quốc tế của NTT DoCoMo chia sẻ riêng với VietNamNet.
Ông Kaneko tin rằng trong thời gian tới, các dịch vụ nội dung và GTGT sẽ tăng mạnh về số lượng trên thị trường VN để đón đầu 3G. Với ưu điểm là tốc độ cao, công nghệ 3G, thậm chí là 3,5G hay 4G mở ra cơ hội cho rất nhiều loại hình dịch vụ mới, phi thoại mà dịch vụ 2G trước đây không thể đáp ứng được. Gian hàng của NTT DoCoMo tại Vietnam Comm 2009. Ảnh: T.C
Nhóm ứng dụng video sẽ là một trong những trọng điểm của 3G, không chỉ là video giải trí, ca nhạc mà còn bao gồm cả thời sự, phim ngắn theo yêu cầu. Hiện các mạng di động của Việt Nam như VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đang "xuất phát" từ nhóm dịch vụ này với "điện thoại thấy hình", "video conference", "video di động". Tuy nhiên, một nhược điểm của video là ngốn băng thông và đòi hỏi khung chương trình phải được tối ưu hoá riêng cho màn hình điện thoại.
Việc chơi game di động đã được nâng lên một cấp độ mới là chơi game thời gian thực, cho phép nhiều người dùng cùng chơi một game cùng lúc, trên nền mạng W-CDMA 3G. Thậm chí một số mẫu điện thoại 3G đã được tích hợp cả công nghệ điều khiển bằng cảm ứng của máy chơi game Nintendo Wii, cho phép bạn điều khiển trò chơi bằng cách rung, lắc hoặc di chuyển điện thoại.
"Điện thoại di động đang tiến hoá từ chỗ "Có thể làm được gì" thành "Có thể làm được gì cho bạn", Phó chủ tịch Matsui của NTT chia sẻ. Để tạo ra những dịch vụ như giải trí, game, tìm kiếm, cung cấp thông tin, đọc báo di động... cái khó không nằm ở yếu tố công nghệ. Điều quan trọng là ý tưởng, vì nhà mạng cần hiểu rõ người dùng muốn gì, cần gì. Một dịch vụ tạo ra mà không thu hút được ai, không thoả mãn được ai thì tất yếu sẽ thất bại.
Chia sẻ với các cử toạ tham gia Hội thảo " Cơ hội và Triển vọng của ICT Việt Nam" vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội, ông Patrick Roussel, Phó chủ tịch Điều hành của mạng di động Orange France Telecom (Pháp) khẳng định ’3G đang mở ra một cánh cửa rất rộng cho các dịch vụ GTGT và phi thoại". Tuy nhiên, không một tập đoàn nào có thể một mình triển khai thành công cũng như kiểm soát thị trường, mà họ cần phải hợp tác với các nguồn lực bên ngoài nếu muốn tăng cường năng lực cạnh tranh và thoả mãn khách hàng hơn. Dịch vụ "Quản gia di động" được trình diễn tại Triển lãm. Ảnh: T.C
Ông Roussel cho rằng nhà mạng cần xây dựng được một mạng lưới các đối tác "thân thiết" khi triển khai 3G và các công nghệ cao hơn, để giảm bớt chi phí đầu tư và tập trung cho chất lượng dịch vụ. Những "chiến hữu" này, theo cách gọi của ông Roussel có thể là các hãng sản xuất ĐTDĐ, nơi sẽ tạo ra những thiết bị phát huy được hết ưu việt của 3G, hoặc là các hãng phát triển và cung cấp nội dung, dịch vụ GTGT trên nền mạng, những người sẽ tạo ra "linh hồn" cho dịch vụ 3G.
Thậm chí, theo đại diện đến từ nước Pháp, Orange còn có sự hợp tác chặt chẽ với các trường Đại học, bởi đây chính là nguồn cung cấp nhân lực ICT trong tương lai cho các doanh nghiệp công nghệ. "Thị trường Việt Nam với một dân số trẻ, năng động và sành công nghệ có thể giúp chúng tôi nảy ra nhiều ý tưởng mới. Ai dám chắc những ý tưởng này không trở thành ứng dụng "bom tấn" về sau này?".
Cũng đồng quan điểm với Phó Chủ tịch Matsui của NTT DoCoMo, mạng Orange khẳng định để 3G có thể thành công tại Việt Nam, các mạng cần tạo ra được những dịch vụ GTGT khác biệt, mang bản sắc riêng. Nhưng quan trọng nhất, họ "càng gần khách hàng càng tốt".
Tham gia Hội thảo, Đại diện của VNPT cho biết mục tiêu của Tập đoàn này là triển khai một "Nền tảng phân phối Dịch vụ" (SDP), được xem như một "siêu thị dịch vụ", trên đó các bên thứ ba có thể kinh doanh các dịch vụ GTGT mà mình tạo ra, hay thậm chí là bản thân người dùng, giới sinh viên cũng có thể đóng góp ứng dụng. Đây là mô hình mà đại gia công nghệ Apple đang làm rất tốt với quầy ứng dụng App Store của mình.
- Theo VietnamNet