Các nhà đầu tư Mỹ muốn "cứu rỗi" Tiktok
Tiktok đang thực sự lâm nguy tại Mỹ và các nhà đầu tư nơi đây rất mong muốn có thể "cứu" ứng dụng xuất thân Trung Quốc này bằng cách mua lại.
Tờ CNN dẫn nguồn The Information và Financial Times cho hay, một nhóm các nhà đầu tư, trong đó có các công ty đầu tư mạo hiểm như Sequoia, General Atlantic đang cân nhắc mua lại phần lớn cổ phần của Tiktok. Nhóm này đang đối thoại với Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý liên quan về việc liệu mua lại cổ phần Tiktok có thể dập tắt những lo ngại từ phía Mỹ đối với công ty này hay không.
Thông tin xuất hiện trong bối cảnh Tiktok đang vấp phải sự giám sát chặt chẽ ở Mỹ. Căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang leo thang do những bất đồng đôi bên về vấn đề thương mại, công nghệ, an ninh quốc gia và nhân quyền.
ByteDance – công ty mẹ của Tiktok, đã cung cấp 1 ứng dụng tương tự với tên gọi Douyin, có cùng logo và thương hiệu như Tiktok, ở Trung Quốc.
Theo tờ Financial Times, Tiktok đã từ chối bình luận về thương vụ bán mình cho các nhà đầu tư Mỹ, tuy nhiên, đề cập đến một thông báo hồi đầu tháng, rằng ByteDance đang cân nhắc thay đổi cơ cấu công ty. Tờ Wall Street Journal đưa tin, những thay đổi của ByteDance có thể bao gồm việc thành lập một trụ sở cho ứng dụng chia sẻ video này bên ngoài Trung Quốc, hoặc thành lập một ban quản lý mới.
TikTok đang vấp phải không ít rào cản ở nhiều quốc gia. Liệu việc công ty Mỹ mua lại ứng dụng này có giúp nó thoát cảnh bị "đe nẹt" trên đất Mỹ?
"Chúng tôi rất tự tin vào sự thành công lâu dài của Tiktok và sẽ công bố rộng rãi kế hoạch của mình sau" – người đại diện của Tiktok tuyên bố vào ngày 23/7.
Liên quan đến câu chuyện mua lại Tiktok, General Atlantic từ chối bình luận, trong khi đó Sequoia không phản hồi ngoài giờ làm việc thông thường.
Tiktok được cho là đã cố tạo khoảng cách với công ty chủ quản ở Bắc Kinh trong nhiều tháng qua. Hồi tháng 5/2020, Tiktok bổ nhiệm cựu Giám đốc Disney – Kevin Mayer cho vị trí Giám đốc điều hành. Văn phòng chính của Tiktok đặt ở Los Angeles, Mỹ và ứng dụng này có văn phòng ở nhiều nơi trên thế giới như London, Paris, Berlin, Dubai, Mumbai, Singapore, Jakarta, Seoul và Tokyo.
Theo CNN, việc ByteDance bán TikTok - ứng dụng MXH duy nhất gây được tiếng vang toàn cầu, được viết ra bởi một công ty Trung Quốc, có thể là bước tiến lớn. Thế nhưng, điều đó chưa đủ sức nặng để giảm lo ngại của Washington – nơi mà các nhà chức trách Mỹ cáo buộc TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia bởi nó có thể được sử dụng như công cụ gián điệp. TikTok tất nhiên đã phủ nhận những cáu buộc này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức chính phủ khác cho biết đang cân nhắc việc cấm TikTok. Trong khi đó, ở chiến dịch tái tranh cử của mình, Tổng thống Donald Trump còn chạy quảng cáo trên Facebook với thông điệp chỉ trích Tiktok – "Tiktok đang theo dõi bạn".
Wells Fargo đã yêu cầu các nhân viên của mình gỡ Tiktok khỏi các thiết bị công ty. Ngoài ra, Tiktok cũng đang chịu nhiều sức ép từ các quốc gia khác.
Tiktok đã rút khỏi Hongkong hồi đầu tháng này. Tháng trước Ấn Độ đã cấm Tiktok cùng một số các ứng dụng phổ biến khác từ Trung Quốc trung bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa 2 quốc gia. Tiktok cũng đang đối mặt với sự giám sát cao độ ở Australia.
Thiên Thanh (T/h)