Các quốc gia tăng cường khả năng phòng thủ kỹ thuật số khi căng thẳng toàn cầu gia tăng

07:30, 22/04/2025

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ và căng thẳng địa chính trị gia tăng đang làm gia tăng mối đe doạ về chiến tranh mạng. Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới đang tiến hành các cuộc chạy đua nhằm tăng cường khả năng phòng thủ kỹ thuật số.

Đầu năm 2024, Giám đốc Cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI từng cho biết, các cơ sở hạ tầng như nhà máy xử lý nước, lưới điện, đường ống dẫn dầu và khí đốt tự nhiên và các trung tâm giao thông ở Mỹ nằm trong số các mục tiêu tấn công của tin tặc (hacker) Trung Quốc.

“Các hacker đang định vị cơ sở hạ tầng của Mỹ để chuẩn bị tàn phá và gây tổn hại cho công dân và cộng đồng Mỹ. Chúng không chỉ tập trung vào các mục tiêu chính trị và quân sự. Những đòn tấn công tầm thấp không chỉ xảy ra trong trường hợp xảy ra xung đột, mà còn nhằm vào dân thường là một phần trong kế hoạch”, Giám đốc FBI nói.

Hơn 1 năm sau, các quốc gia trên khắp thế giới đang chuẩn bị cho cuộc xung đột kỹ thuật số lớn hơn khi căng thẳng toàn cầu gia tăng cùng với một cuộc chiến thương mại đang rình rập - và khả năng một cuộc tấn công mạng có thể gây thiệt hại kinh tế đáng kể, phá vỡ các hệ thống công cộng quan trọng, làm rò rỉ bí mật kinh doanh hoặc thông tin chính phủ nhạy cảm, hoặc thậm chí leo thang thành xung đột quân sự.

Sự hội tụ của các yếu tố trên đã khiến các chuyên gia an ninh quốc gia và an ninh mạng cảnh báo về các mối đe dọa mạng gia tăng và cuộc chạy đua vũ trang kỹ thuật số.

Theo báo cáo mới đây của NCC Group, một công ty an ninh mạng của Anh, các doanh nghiệp hiện đang ngày càng lo ngại về các cuộc tấn công mạng và các chính phủ đã chuyển sang thế trận phòng thủ.

Cuộc sống số có nghĩa là nhiều mục tiêu hơn cho tin tặc

Các lỗ hổng bảo mật ngày càng gia tăng khi các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sử dụng những thiết bị được kết nối để quản lý tài chính và vận hành các cơ sở như nhà máy nước và cảng. Mỗi mạng và kết nối đều là mục tiêu hấp dẫn đối với các nhóm tin tặc do chính phủ hậu thuẫn.

Điển hình phải kể đến cuộc tấn công mạng do nhóm tin tặc Salt Typhoon thực hiện. Đây được đánh giá là vụ tấn công vào hạ tầng viễn thông nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tin tặc đã xâm nhập mạng lưới viễn thông, nghe lén các cuộc gọi và đọc tin nhắn SMS của nạn nhân theo thời gian thực, gây ra những lo ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia.

Dù số lượng mục tiêu ban đầu tương đối nhỏ, nhưng danh sách nạn nhân lại có những cá nhân có ảnh hưởng lớn như Tổng thống đắc cử Donald Trump, Phó Tổng thống đắc cử JD Vance, các quan chức Bộ Ngoại giao, và cả những người làm việc trong chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris. Điều này cho thấy tin tặc đang thực hiện một chiến dịch có tính nhắm mục tiêu chiến lược cao, với khả năng gây ra những hậu quả nguy hiểm về mặt an ninh.

Các cuộc tấn công như vậy chính là lời cảnh báo và răn đe đối với các quốc gia trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia, những cuộc tấn công như vậy thường ẩn sâu vào mạng điện thoại hoặc máy tính, chèn các cửa hậu hoặc phần mềm độc hại để sử dụng sau này. Chúng không chỉ gây rủi ro trước mắt mà còn mang đến nhiều hậu quả lâu dài do tin tặc có thể tận dụng các dữ liệu hiện có để xác định thêm các mục tiêu mới.

Các chuyên gia an ninh mạng cho biết đây chính là động cơ đằng sau của một nhóm tin tặc như Volt Typhoon. Chúng đã âm thầm xâm nhập các mạng lưới cơ sở hạ tầng then chốt của Mỹ, bao gồm hàng không, đường sắt, các phương tiện vận chuyển giao thông công cộng, đường cao tốc, đường biển, ống dẫn dầu, cấp nước và xử lý chất thải trong suốt 5 năm qua.

Theo đó, các kết nối này có thể được sử dụng để vô hiệu hóa các cơ sở hạ tầng quan trọng - nhà máy điện, mạng lưới thông tin liên lạc, đường ống, bệnh viện, hệ thống tài chính - như một phần của một cuộc xung đột lớn hơn.

Căng thẳng toàn cầu gia tăng

Các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, tranh chấp thương mại và việc thay đổi liên minh đã khiến nguy cơ tấn công mạng tăng cao trong giai đoạn hiện nay.

Các quốc gia Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên cũng đã có dấu hiệu hợp tác mạng khi xây dựng mối quan hệ kinh tế, quân sự và chính trị chặt chẽ hơn.

Iran dự kiến sẽ tích hợp các máy bay chiến đấu Su-35 tiên tiến của Nga vào lực lượng không quân trong năm 2025, nhằm tăng cường sức mạnh và hiện đại hóa đội bay hiện tại. Theo các báo cáo, Nga cung cấp Su-35 để đổi lấy sự hỗ trợ quân sự từ Iran, cụ thể là các máy bay không người lái do Tehran chế tạo, vốn được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Giữa nỗi lo sợ toàn cầu về một cuộc chiến tranh thương mại sau khi ông Trump áp thuế quan, các chuỗi cung ứng có thể trở thành mục tiêu trả đũa. Trong khi các công ty lớn thường có một đội ngũ an ninh mạng mạnh mẽ, các nhà cung cấp nhỏ với nguồn lực hạn chế có thể trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng.

Hiệu ứng từ Tổng thống Donald Trump

Vào thời điểm các chuyên gia an ninh quốc gia và an ninh mạng cho rằng Mỹ nên tăng cường phòng thủ, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi cắt giảm biên chế và các thay đổi khác đối với các cơ quan bảo vệ lợi ích của Mỹ trong không gian mạng.

Mới đây nhất, Tổng thống Donald Trump đã sa thải ông Timothy Haugh, người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Bộ Tư lệnh An ninh mạng. Ngoài ông Haugh, bà Wendy Noble - Phó Giám đốc NSA và là lãnh đạo dân sự cao nhất của cơ quan - cũng bị miễn nhiệm.

Mỹ đang phải đối mặt với "các mối đe dọa mạng chưa từng có", Thượng nghị sĩ Virginia Mark Warner, đảng viên Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Tình báo Thượng viện cho biết.

Trước đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những động thái mạnh mẽ nhằm cắt giảm các chương trình liên quan đến an ninh và nghiên cứu khoa học. Cụ thể, trong thư điện tử gửi ngày 10/3, Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) thông báo đã chấm dứt khoản tài trợ hàng năm trị giá khoảng 10 triệu USD cho Trung tâm An ninh Internet

CISA tuyên bố việc chấm dứt tài trợ sẽ giúp tập trung công việc vào các lĩnh vực quan trọng và loại bỏ tình trạng dư thừa. Tuy nhiên, động thái này làm dấy lên lo ngại về việc suy yếu các biện pháp bảo vệ trước nguy cơ can thiệp từ nước ngoài vào bầu cử Mỹ.

CISA cũng đã tiến hành xem xét lại công việc liên quan đến bầu cử, cho nghỉ việc hàng chục nhân viên giám sát các cuộc bầu cử. Song song đó, chính quyền Trump cũng giải tán lực lượng đặc nhiệm thuộc Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI), nhóm chuyên trách điều tra các hoạt động can thiệp của nước ngoài vào bầu cử Mỹ.

CIA, NSA và các cơ quan tình báo khác cũng chứng kiến ​​sự cắt giảm nhân sự.

Các quan chức phụ trách an ninh mạng của Mỹ khẳng định những thay đổi của ông Trump sẽ khiến Mỹ an toàn hơn, đồng thời loại bỏ tình trạng chi tiêu lãng phí và các quy định không phù hợp.

"Là cơ quan phòng thủ mạng của Mỹ, chúng tôi vẫn kiên định với sứ mệnh bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu của quốc gia chống lại mọi mối đe dọa mạng và vật lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác của mình trên khắp chính phủ, ngành công nghiệp và các đồng minh quốc tế để tăng cường các nỗ lực an ninh mạng toàn cầu và bảo vệ người dân Mỹ khỏi các đối thủ nước ngoài, tội phạm mạng và các mối đe dọa mới nổi khác", một tuyên bố của CISA cho biết./.