Cần áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với kỷ luật của Đảng
Chiều 24/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với nhiều ý kiến đại Quốc hội rằng tiền ảo ở Việt Nam chưa được công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch, vẫn được sử dụng, nên cần nghiên cứu có chế tài để phòng, chống rửa tiền - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Cần có chế tài về tiền ảo để chống rửa tiền
Đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho biết, vấn đề về tiền số và tài sản số là một sản phẩm công nghệ xuất hiện rất phổ biến trong thời gian qua.
Tiền số và tài sản số rất dễ dàng được trao đổi trên phạm vi toàn cầu. Do vậy, tiền số và tài sản số là một kênh để tội phạm lợi dụng rửa tiền và tài trợ khủng bố. Vấn đề này đã được nêu tại báo cáo 255 của Bộ Tư pháp ngày 29/10/2018.
Các báo cáo đã đề cập tiền số và tài sản số có nguy cơ bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp, trong đó có rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do vậy, cần nghiên cứu và xây dựng khung pháp lý để quản lý tài sản số, tiền số, ngăn chặn rủi ro.
Cũng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Ông Trung cho biết, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, nhất là công nghệ số, các chiêu thức rửa tiền diễn ra dưới nhiều hình thức, thông qua hoạt động đầu tư bất động sản, góp vốn đầu tư, lợi dụng thị trường chứng khoán…
Ngoài ra, còn những hình thức mới phát sinh khác như núp bóng kinh doanh online, đầu tư tiền ảo, tiền kỹ thuật số… dẫn đến khó quản lý. Do vậy, ông Trung cho rằng, cần thiết phải sửa đổi luật để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Đồng thời bao quát những hành vỉ rửa tiền mới phát sinh, phù hợp với cam kết quốc tế.
Về thời hạn báo cáo đối với giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử trong thời hạn 2 ngày, ông Trung cho rằng, thời gian này là tương đối ngắn. Các đối tượng báo cáo cần thời gian để thu thập thông tin, đánh giá. Do đó, đại biểu đề xuất kéo dài thời gian từ 3-5 ngày.
Về Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, phạm vi và các hành vi điều chỉnh trong dự án luật này cần được tiếp cận theo cách thức các quy định về tiền vào đáp ứng ở mức độ các yêu cầu tối thiểu, nhưng tiền ra cần chặt chẽ. Điều 4 đề cập đối tượng báo cáo trong ngành nghề kinh doanh vẫn rộng và cần thêm các quy định khác, bởi có những ngành nghề có quy mô lớn về cả số lượng giao dịch và quy mô kinh doanh, thậm chí hộ kinh doanh gia đình cũng có thể tham gia các ngành này. Do đó, Bộ trưởng đề nghị cần phải đưa thêm các điều kiện nữa ví dụ như về quy mô và loại hình kinh doanh, hoặc các biện pháp phòng, chống rửa tiền.
Về dấu hiệu cảnh báo về giao dịch đáng ngờ, theo Bộ trưởng, cần cân nhắc thêm việc phân tách cụ thể vai trò, nhiệm vụ đối với ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ, thanh toán… Bởi các dấu hiệu này sẽ thay đổi theo quá trình phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu đặt ra của đất nước trong từng giai đoạn.
Bộ trưởng đề nghị tính toán kỹ, nếu chưa chắc chắn và để bảo đảm sự linh hoạt nhất định, những vấn đề trên nên giao cho Chính phủ quy định cho thuận tiện, không nên cố gắng "luật hóa cứng".
Thảo luận về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với nhiều ý kiến đại Quốc hội rằng tiền ảo ở Việt Nam chưa được công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch, vẫn được sử dụng, nên cần nghiên cứu có chế tài để phòng, chống rửa tiền.
"Mình chưa công nhận nhưng trên thực tế có giao dịch. Khi chưa được pháp luật công nhận thì phải có cách xử lý thế nào cho phù hợp", Thủ tướng nói và đề nghị nên giao Chính phủ quy định để đáp ứng với thực tế diễn biến rất nhanh.
Xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với kỷ luật đảng
Bàn về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, đã có không ít trường hợp xử lý kỷ luật về mặt Đảng nhưng sau đó qua một thời gian dài không xử lý về mặt chính quyền.
Ông Hòa lấy ví dụ cách chức Phó Bí thư nhưng chức danh Chủ tịch UBND vẫn còn nguyên. Do đó, những người này vẫn còn chức Chủ tịch UBND. Vì vậy, việc quy định thời hiệu xử lý về mặt đảng viên đối với xử lý về mặt hành chính thời gian qua chưa khớp, vẫn còn vướng mắc.
Mặc dù bên Đảng đã được xử lý nghiêm nhưng bên chính quyền lại rất chậm, thậm chí kéo dài thời hiệu. Nếu quy định thời hiệu thấp sẽ không xử lý kỷ luật được. Trong thời gian qua đã có những địa phương, đơn vị, cơ quan đã xảy ra tình trạng này.
Với vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, quy định hiện hành nêu rõ thời hiệu kỷ luật đảng là 5 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 2 năm.
Với mức kỷ luật cảnh cáo, thời hiệu kỷ luật Đảng là 10 năm, kỷ luật hành chính là 5 năm. Vì sự khác nhau này, thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính, các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của luật. Điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định "kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính". Đồng thời, việc này cũng không đúng với chủ trương xử lý kỷ luật nghiêm, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" của Đảng.
Chính vì vậy, ông Hòa đồng tình với việc áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Cân nhắc thời gian giải trình
Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) chiều nay, 24/10, các đại biểu cho rằng, cần làm rõ hơn thời gian vắng mặt của đại biểu tại các Kỳ họp và cân nhắc quy định về thời gian, số lần phát biểu ý kiến thảo luận của đại biểu tại phiên họp.
Một nội dung các đại biểu đề cập nhiều là chất vấn, tranh luận. ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm nghiên cứu tài liệu, phát biểu ý kiến của đại biểu. ĐB Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cũng đồng tình quan điểm này. Bà đề nghị cần có cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng ý kiến của đại biểu.
ĐB Hùng cho rằng quy định thời gian chất vấn mỗi câu hỏi của đại biểu là 1 phút thì hơi ngắn. “Thời gian ngắn nên các đại biểu nêu câu hỏi chung chung. Hỏi bộ trưởng hay thành viên Chính phủ khác mà chỉ một phút thì khó. Quan trọng là chất lượng câu hỏi có tốt không. Nên cho mỗi câu chất vấn 2 phút để còn đề dẫn và câu hỏi sâu sắc hơn”, ông Hùng đề nghị.
Thảo luận về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Cần có sự trao đổi, cần có thời gian cho việc giải trình. Vì giải trình cũng là tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng giải trình của Chính phủ trước Quốc hội.
Theo Thủ tướng, nên nhắc cơ quan trình các dự luật, dự thảo cố gắng kịp thời gian và nâng cao chất lượng. "Kịp thời gian mà chất lượng không cao thì không bảo đảm. Nên tính toán cho phù hợp, chất lượng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng, nên cân chắc thêm về thời gian đặt câu hỏi. Về trả lời chất vấn, Thủ tướng cũng cho rằng không nên "quá cứng", mà nên quy định từ 3 đến 4 phút chẳng hạn.
"Một vấn đề phức tạp, khó, nhạy cảm… thì nhiều khi cũng cần thêm thời gian", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng việc xin nghỉ họp của các đại biểu cũng nên phân cấp, nếu hai ngày thì báo cáo ai, ba bốn ngày thì báo cáo ai. Nhiều đồng chí bận chương trình công tác nước ngoài, hay ốm chẳng hạn… thì phải phân cấp. "Nếu tất cả đều lên Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội… thì tính khả thi không cao".
Theo/baochinhphu.vn