Cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử
Trong cuộc hội thảo ngày 26/6 tại TP.HCM, các DN đã có ý kiến cần áp dụng triệt để hồ sơ văn bản điện tử, loại bỏ hiện tượng vừa làm thủ tục trên Cổng MCQG, vừa nộp hồ sơ giấy tại cơ quan quản lý chuyên ngành.
- Kho bạc Nhà nước và SeABank phối hợp thu ngân sách và thanh toán điện tử
- VPBank và Kho bạc Nhà nước ký thỏa thuận thu ngân sách và thanh toán điện tử
- Google và quỹ Bill & Melinda Gates ủng hộ sáng kiến thanh toán điện tử
- Bắc Giang: Thanh toán điện tử sẽ giảm chi phí và nâng cao hiệu quả
- Visa, KFC và Pizza Hut nâng cao nhận thức về thanh toán điện tử
Ngày 26/6 vừa qua, tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia”. Tại đây, các DN đã kiến nghị đẩy mạnh thanh toán điện tử và văn bản điện tử.
Phát biểu tại hội thảo được tổ chức ngày 26/6, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thời gian qua, VCCI đã tổng hợp phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp (DN) đối với 12 thủ tục mang tính điển hình nhất, có tần suất thực hiện nhiều nhất mà các DN thực hiện trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia (MCQG).
Kết quả khảo sát DN cho thấy đa số các chức năng cơ bản trên Cổng MCQG hiện hoạt động tốt. Tỷ lệ DN đánh giá “dễ” và “tương đối dễ” thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản/đăng nhập”, “xem/in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%. Cũng có tới 93% và 89% DN đánh giá “dễ” và “tương đối dễ” thực hiện đối với các tính năng “quản lý hồ sơ” và “xem và in giấy phép/chứng nhận”.
Dù vậy, vẫn có một tỷ lệ đáng kể DN (chiếm tỷ lệ 35%) gặp khó khăn khi sử dụng tính năng “giải đáp vướng mắc” khi sử dụng hệ thống. Trong khi 27% DN được khảo sát bày tỏ chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của Cổng do còn gặp lỗi kết nối. Khoảng 20% DN phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ trên Cổng còn chậm.
Hội thảo công bố Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia”.
Cũng theo ông Thạch, về cơ bản, việc triển khai Cơ chế MCQG đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho DN, tuy nhiên sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các bộ ngành.
Có 10/12 thủ tục hành chính (TTHC) ghi nhận thời gian DN phải dành ra cho thực hiện thủ tục đã giảm đi. Số ngày tiết kiệm được so với phương thức truyền thống dao động trong khoảng từ 1-3 ngày; số ngày giải quyết thủ tục nhìn chung đều nằm trong khoảng thời hạn theo quy định của các văn bản pháp luật.
Tám TTHC được ghi nhận chi phí giảm đáng kể so với phương thức cũ. Tuy nhiên, có tỷ lệ đáng kể DN không nhận thấy thay đổi tích cực trong việc thực hiện thủ tục của một số bộ so với phương thức cũ.
Nhiều DN kiến nghị cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, bởi thực tế cho thấy DN sử dụng thanh toán điện tử trong giao dịch kinh doanh ngày một phổ biến (86% DN) nhưng hiện tại họ vẫn dùng tiền mặt khá nhiều trong các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, 86,48% DN cho biết họ “chắc chắn sẽ tham gia ngay” hoặc “có thể sẽ tham gia ngay” nếu Cổng MCQG triển khai thanh toán điện tử.
Theo ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) nhấn mạnh thủ tục một cửa quốc gia liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị nên cần phải đồng bộ các thủ tục của các cơ quan để hỗ trợ DN.
Trong thời gian tới, cần đẩy nhanh việc triển khai các TTHC mới trên cơ chế MCQG theo kế hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh việc minh bạch thông tin về tiến độ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng MCQG, nâng cao chất lượng các giải đáp thắc mắc.
Tại hội nghị, DN kiến nghị, để hỗ trợ DN tốt hơn, cần thống nhất các biểu mẫu, giấy tờ và rà soát quy trình thống nhất giữa các bộ, ngành để DN không phải chuẩn bị lặp lại các giấy tờ đã nộp trước đó. Các bộ, ngành nghiên cứu mở “kho dữ liệu” dùng chung của các cơ quan Nhà nước để các cơ quan liên quan có thể sử dụng khi giải quyết TTHC.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song hoạt động thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại được áp dụng, số lượng và giá trị thanh toán tăng trưởng mạnh. Minh họa bằng số liệu, ông Dũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị giao dịch hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt; đặc biệt giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống TTĐTLNH trong 20 ngày đầu tháng 4/2020 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động trong 4 tháng đầu năm 2020 đều đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. “Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi. NHNN đã có chỉ đạo kịp thời các ngân hàng, trung gian thanh toán trong việc phối hợp triển khai thanh toán điện tử trên Cổng dịch vụ quốc gia”, ông Dũng cho biết. |
T.D