Cần Thơ triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024

10:22, 06/06/2024

Trong những tháng đầu năm 2024, TP Cần Thơ đã đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số (CĐS), qua đó đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị đẩy mạnh CĐS, được tổ chức vào đầu năm 2024.

 Hiện nay, các cấp, các ngành của thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch CĐS năm 2024 với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước dựa trên môi trường số; tạo động lực để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố và phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Kết quả CÐS nổi bật

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, CÐS của thành phố trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt một số kết quả tích cực; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của địa phương ngày càng được cải thiện. Tổng số dịch vụ công trực truyến một phần và toàn trình của thành phố là 1.282 (trong đó có 227 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.055 dịch vụ công trực tuyến toàn trình); tổng số lượng hồ sơ trực tuyến là 104.756/150.594 (đạt tỷ lệ 69%); tổng số hồ sơ thanh toán trực tuyến là 52.886/95.706 (đạt tỷ lệ 55,26%); tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 73%, với 110.042/150.588 hồ sơ.

Duy trì hệ thống quản lý văn bản, điều hành triển khai đến 434 cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ cấp thành phố đến cấp xã (bao gồm 23 sở, ban, ngành, 9 UBND quận, huyện (trong đó có các phòng ban chuyên môn trực thuộc), 83 UBND cấp xã và 285 đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành và cơ quan khác trên địa bàn thành phố); tổng số văn bản được gửi liên thông của toàn thành phố là 58.529 văn bản và tổng số văn bản nhận liên thông là 195.730 văn bản (trong đó 76.741 văn bản cấp thành phố, 26.508 văn bản cấp quận huyện, 92.481 văn bản cấp xã, phường), tổng số văn bản được ký số là 46.801 văn bản.

Trong tháng 2-2024, TP Cần Thơ đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố (tại địa chỉ số 109 đường Nguyễn Trãi, phường Tân An, quận Ninh Kiều), góp phần khắc phục được tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh và giảm được phiền hà, tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp...

Trung tâm dữ liệu thành phố đảm bảo duy trì ổn định, phục vụ cho việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố. Ứng dụng Can Tho Smart được cập nhật thường xuyên và ngày càng hoàn thiện với nhiều tính năng hữu ích, cung cấp dịch vụ số thiết yếu tạo thuận tiện cho người dân trong quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tra cứu hồ sơ thủ tục hành chính, thanh toán dịch vụ công. Mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt được duy trì tại các chợ truyền thống, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ 4.0 dần tăng và hiện chiếm khoảng 25% trong tổng số các giao dịch mua bán. Ðồng thời, thành phố cũng đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Cần Thơ đẩy mạnh chương trình vận động, tuyên truyền người dân tích cực tham gia dịch vụ công trực tuyến thông qua nhiều kênh như Chuyên mục “Chuyển đổi số” trên cổng thông tin điện tử thành phố, Zalo, Facebook, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; tuyên truyền trên báo, đài và tuyên truyền lưu động về chuyển đổi số của thành phố. Ngoài ra, thường xuyên đăng tải các video hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thông qua kênh Chuyển đổi số Cần Thơ trên YouTube. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính” tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Triển khai kế hoạch CÐS năm 2024

Trong tháng 4-2024, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch 76/KH-UBND về CÐS năm 2024 trên địa bàn thành phố nhằm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số thành phố. Kế hoạch cũng đưa ra các mục tiêu về phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động: 50% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; 50% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 50% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ. Tối thiểu 70% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến; 60% hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ; 70% hệ thống thông tin của sở, ban ngành, địa phương có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) thành phố và liên thông với các bộ, ngành theo quy định; 100% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng…

Về phát triển kinh tế số: tỷ trọng kinh tế số đạt 17,5% GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 20%. Về phát triển xã hội số: tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; 90% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trên môi trường số; 90% cơ sở khám chữa bệnh triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, thực hiện tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 100% học sinh có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; 100% cơ sở đào tạo triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt…

Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông đã và đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch CÐS năm 2024 một cách hiệu quả, đồng bộ, nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra. Ðặc biệt là đã phối hợp tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ về CÐS như Kế hoạch hoạt động trọng tâm của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và CÐS năm 2024; kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và CÐS thành phố; Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố năm 2024; Kế hoạch kiểm tra, đánh giá và duy trì dữ liệu; kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định trong công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ năm 2024; phối hợp chuẩn bị cho cuộc thi “Ðánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, CÐS trong hoạt động quản lý, điều hành của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý năm 2024”.

Sở Thông tin và Truyền thông còn phối hợp với các ngành, các địa phương trong công tác theo dõi việc thực hiện CÐS; tổ chức các lớp tập huấn về CÐS cho lãnh đạo cơ quan đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và tổ công nghệ số cộng đồng. Ngoài ra, thực hiện tuyên truyền về CÐS nói chung và CÐS của thành phố nói riêng; trong đó đặc biệt là Chủ đề năm 2024: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về thực hiện việc CÐS.

Thành phố cũng tập trung nâng cấp các hạ tầng kỹ thuật công nghệ, trang thiết bị công nghệ thông tin đặc biệt là trang thiết bị phục vụ Ðề án 06; đẩy mạnh thực hiện việc số hóa hồ sơ, sử dụng lại hồ sơ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công thiết yếu, thực chất, nhiều người sử dụng; phát triển dữ liệu số tích hợp về kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung thành phố, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện CÐS./.

Theo https://mic.gov.vn

https://mic.gov.vn/can-tho-trien-khai-thuc-hien-co-hieu-qua-ke-hoach-chuyen-doi-so-nam-2024-197240605110812749.htm