Đừng để sức khỏe rơi vào 'bẫy công nghệ'

14:31, 03/12/2024

Dịch vụ khám chữa bệnh online đang ngày càng trở nên phổ biến và tiện lợi, tuy nhiên người dân vẫn phải đối mặt những rủi ro khó lường khi người dùng đối mặt với các dịch vụ y tế không đảm bảo chất lượng. Việc lựa chọn sai nền tảng hoặc bác sĩ không đủ chuyên môn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, không chỉ làm mất tiền mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Tràn lan "bác sĩ online"

Theo số liệu từ Bộ Y tế, trong năm 2023, số lượt tư vấn và khám chữa bệnh online tại Việt Nam tăng gấp đôi so với năm trước. Các nền tảng như eDoctor, Jio Health, và Doctor Anywhere đã ghi nhận sự gia tăng đột biến về số lượng người dùng.

Những dịch vụ này không chỉ thu hút người dân thành phố mà còn mở rộng tới vùng nông thôn, nơi việc tiếp cận dịch vụ y tế truyền thống còn gặp nhiều hạn chế.

Dù mang lại nhiều lợi ích, dịch vụ khám chữa bệnh online cũng đối mặt với không ít thách thức. Một trong những rào cản lớn nhất là sự tin tưởng của người dùng đối với chất lượng chẩn đoán và tư vấn từ xa. Ngoài ra, việc bảo mật thông tin cá nhân và dữ liệu y tế cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Một bác sĩ đang thực hiện tư vấn, khám bệnh online cho khách hàng.

Chính vì sự quan tâm ngày càng lớn, trên các nên tảng mạng xã hội hội, trang web, fanpage, nhóm về tư vấn, khám bệnh mọc lên như nấm. Chỉ cần vào google, facebook, zalo gõ cụm từ “bám bệnh online”, “tư vấn sức khỏe”, là cho ra hàng nghìn kết quả liên quan đến việc tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí hoặc có phí sẽ xuất hiện.

Không chỉ số lượng kết quả tìm kiếm nhiều mà lĩnh vực tư vấn, khám chữa bệnh online cũng đa dạng, phong phú, như: tâm lý, sinh lý, thẩm mỹ, dinh dưỡng, xương khớp... Người dân chỉ cần một thao tác nhấp chuột vào kết quả bất kỳ, các thông tin về bác sĩ, hình thức kết nối đến lĩnh vực tư vấn, khám bệnh sẽ hiện lên trước mắt.

Qua tìm hiểu, trên không gian mạng người dân vẫn có thể được tư vấn, khám chữa bệnh online từ những bác sĩ nổi tiếng, có chuyên môn tại các bệnh viện công, tư uy tín trên cả nước.

Tuy nhiên, làm sao để tìm được địa chỉ uy tín thì người dân phải rất thông thái. Bởi, trên các nền tảng xã hội, việc tư vấn, khám bệnh online đang “vàng thau lẫn lộn”.

Qua khảo sát, mức giá của hình thức khám bệnh này cũng khá đa dạng. Theo đó, khi liên hệ đặt lịch khám với một bác sĩ chuyên ngành về tiêu hóa, đang công tác tại Hà Nội qua một website, nhân viên này thông báo mức giá là 300.000 đòng/lần khám với thời gian 30 phút.

Để thực hiện dịch vụ này, bác sĩ và bệnh nhân sẽ liên lạc thông qua một số ứng dụng như Zalo, Viber, Skype, Messenger… Tất cả dịch vụ đều yêu cầu thanh toán trước.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể lựa chọn những gói dịch vụ khám có mức giá thấp hơn là 50.000 đồng/5 phút/lần, 100.000 đồng/10 phút, 200.000 đồng/20 phút, 500.000 đồng/lượt khám…

Như vậy, mức giá tư vấn, khám bệnh online thường dao động từ 50.000 đồng - 5000.000 đồng/lần khám tuỳ vào thời gian và chuyên khoa của bác sĩ mà khách hàng lựa chọn.

Để mục sở thị dịch vụ này, chúng tôi có lên mạng xã hội tham gia hội nhóm “khám bệnh 24/7”. Đây là fanpage thu hút hàng chục nghìn thành viên, tại đây liên tục là các bài đăng của người bệnh để xin hỗ trợ từ các bác sĩ “online”.

Từ những bệnh thông thường như đau đầu, chóng mặt cho đến các bệnh nan y đều được đăng tải và xin tư vấn. Chúng tôi có đăng tải một trạng thái: “Tôi bị rối loạn tiêu hóa gần 10 năm nay, xin được hỗ trợ”.

Chỉ cần gõ từ khóa "khám bệnh online" sẽ cho ra hàng loạt các hội nhóm. 

Ngay sau khi đăng bài, một người tự xưng là nhân viên của bệnh viện lớn chuyên về tiêu hóa xin được hỗ trợ. “Nếu anh/chị có vấn đề về tiêu hóa, có thể đặt lịch với chúng tôi để có bác sĩ giỏi nhất Hà Nội thăm khám. Chỉ cần kể tình trạng bệnh, để lại số điện thoại sẽ có người gọi điện để hướng dẫn khám online”, nhân viên tư vấn cho biết.

Tuy nhiên, để đặt được lịch khám online người bệnh phải chuyển khoản trước cho nhân viên, sau đó mới lên lịch. Khi chúng tôi thắc mắc, vậy lấy gì để chứng minh cơ sở đó là tốt, có những bác sĩ giỏi? Thì nhân viên này tắt máy, không thể liên lạc lại được nữa.

Có thể thấy, thực tế đang tồn tại rất nhiều trang tư vấn, khám bệnh online mạo danh, trá hình để bán hàng. Các trang lấy danh nghĩa tư vấn sức khỏe online thường có xu hướng quảng cáo rất hấp dẫn, ấn tượng và công khai những chia sẻ của người dân về hiệu quả và thay đổi tích cực của sức khỏe sau khi sử dụng sản phẩm.

Hay, đăng tải những thông tin, biểu hiện bệnh để tạo lòng tin cho người dân. Thậm chí, nhiều trang mạng còn sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của các bác sĩ nổi tiếng để dụ dỗ người dân mua sản phẩm.

Thời gian qua, đã có không ít bác sĩ nổi tiếng và bệnh viện lớn đã phát đi cảnh báo về việc mạo danh để tư vấn, khám chữa bệnh trên không gian mạng.

Thiện hại tài sản và sức khỏe

Mới đây, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay tình trạng lừa đảo trên các trang mạng xã hội diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp dưới nhiều hình thức khác nhau, điển hình có thể kể đến là tình trạng lừa đảo từ các nhóm kín "tư vấn sức khỏe".

Hành vi này không chỉ khiến người dân thiệt hại về tài sản mà nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe vì có nguy cơ sử dụng phải thuốc giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các đối tượng sử dụng thủ đoạn chung là tạo lập các fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội hoặc gọi điện nhằm lôi kéo nạn nhân tham gia. Ban đầu, các đối tượng mời tham gia vào các hội nhóm rồi gọi điện tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn như được dùng thuốc miễn phí trong 5 năm và được bảo hiểm hoàn trả 80% tiền thuốc đã điều trị.

Cảnh báo của Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông

Tại đây, các đối tượng sẽ chia sẻ trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế hay nhân chứng sống của người đã từng bị bệnh để tăng thêm sức thuyết phục.

Với tình trạng bệnh đã chữa trị lâu năm nhưng không khỏi và những lời mời có cánh trên mạng, các nạn nhân này đã bị đối tượng lừa đảo hàng triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo liền mất liên lạc.

Trước thủ đoạn lừa đảo nói trên, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo, người dân cần tuyệt đối cẩn trọng trước các dịch vụ khám chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội.

Trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, hãy kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, thực hiện xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn tin đáng tin cậy.

Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.

Một fanpge mạo danh bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trước tình trạng nở rộ dịch vụ khám bệnh online hiện nay, vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30 quy định về 50 bệnh thuộc gần 20 chuyên khoa được khám, chữa bệnh từ xa. Theo đó, chuyên khoa cơ xương khớp được khám, chữa bệnh đau vai gáy, hội chứng cánh cổ tay, đau thắt lưng viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối. Đối với ung thư được khám, chữa bệnh từ xa trong trường hợp sau điều trị ung thư, chăm sóc giảm nhẹ.

Ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm được khám, chữa bệnh từ xa như sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo, cúm, Covid-19. Chuyên ngành da liễu được khám các bệnh da do virus, bệnh da dị ứng - miễn dịch và da viêm, bệnh da do nhiễm khuẩn, bệnh da do nấm - ký sinh trùng. Chuyên khoa tai mũi họng được phép khám, chữa bệnh từ xa với viêm mũi họng cấp tính, viêm mũi họng mãn tính, viêm lợi.

Theo Thông tư 30 của Bộ Y tế, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải đăng ký với cơ quan quản lý y tế, chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc.

Các chỉ định và kê đơn thuốc khám, chữa bệnh từ xa phải thực hiện trên hệ thống đơn thuốc quốc gia. Ngoài ra, thông tin khám, chữa bệnh từ xa của người bệnh phải được tuân thủ theo các nguyên tắc bảo mật.