Chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò "quyết định" trong chuyển đổi số hải quan
Hải quan phải là một trong những ngành tiên phong trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số nhưng chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa "quyết định" đến sự thành, bại của quá trình này.
- Ngày Chuyển đổi số Quốc gia
- Vinh danh 38 giải pháp và đơn vị chuyển đổi số xuất sắc
- TP HCM: Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2023
- Nhiều hoạt động tại Ngày hội chuyển đổi số tại Thành phố Tam Kỳ năm 2023
- Người dân cần bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trong quá trình chuyển đổi số
- Sắp diễn ra Hội thảo quốc gia VNICT 2023 với chủ đề “Các công nghệ nền tảng trong chuyển đổi số”
- Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh quan điểm trên khi tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) Kunio Mikuriya và trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị và Triển lãm công nghệ của WCO, diễn ra sáng 10/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Phó Thủ tướng khẳng định mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là xây dựng và phát triển ngành hải quan hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) Kunio Mikuriya.
Chiến lược phát triển hải quan Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành hải quan để xây dựng hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Để thực hiện thành công Chiến lược trên và nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới, Phó Thủ tướng cho rằng việc tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, phát triển quan hệ với các đối tác hải quan song phương và đa phương, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác và cam kết với các đối tác quốc tế; đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế để đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị và Triển lãm công nghệ của WCO.
Bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ hiệu quả của WCO và cơ quan hải quan của các đối tác, thông qua các hình thức như: Hỗ trợ kỹ thuật; chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; hỗ trợ chuyển đổi số; hiện đại hóa cơ sở vật chất và trang thiết bị; tối ưu hóa quy trình, thủ tục; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực…
Hải quan hỗ trợ các nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo thuận lợi thương mại
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang bước vào kỷ nguyên số với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và khả năng kết nối, dẫn đến, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu và là ưu tiên cao trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Bối cảnh trên mở ra những cơ hội phát triển lớn, song cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, cách thức quản trị trong các ngành nghề, bao gồm cả lĩnh vực hải quan.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị-an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, hậu quả của đại dịch COVID-19 còn nặng nề, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, việc kiểm soát, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu thuế phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy ngành hải quan có vai trò rất quan trọng để hỗ trợ các nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân giữa các nước; đồng thời góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia.
Với vai trò đó, hải quan phải là một trong những ngành tiên phong trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của quá trình này.
Phó Thủ tướng cho rằng việc tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Phó Thủ tướng đánh giá cao cách tiếp cận của Hội nghị coi công nghệ vừa là công cụ, phương thức hữu hiệu trong thực hiện các nghiệp vụ hải quan, đồng thời đóng vai trò quan trọng để tăng cường kết nối nội bộ và kết nối giữa các lực lượng, cơ quan hải quan của các quốc gia, khu vực trên thế giới với nhau, cũng như giữa ngành hải quan với toàn xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi thẳng thắn về các cơ hội, thách thức, tiềm năng, triển vọng phát triển của ngành hải quan trong kỷ nguyên số; đưa ra các khuyến nghị, giải pháp có tính khả thi cao nhằm nắm bắt tốt các cơ hội do khoa học công nghệ và chuyển đổi số mang lại, để đưa ngành hải quan phát triển lên tầm cao mới, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia và của cả thế giới.
Khẳng định vai trò tích cực, trách nhiệm của hải quan Việt Nam trong hợp tác với WCO
Diễn ra từ ngày 10-12/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội nghị và Triển lãm công nghệ của WCO có chủ đề "Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới và nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp".
Hội nghị và Triển lãm là sự kiện quốc tế lớn của WCO và là sự kiện quốc tế lớn nhất từ trước đến nay đối với hải quan Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, các đoàn hải quan các nước, các đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các viện nghiên cứu, trường đại học và các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế…
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Hội nghị là diễn đàn giới thiệu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp và xu hướng ứng dụng công nghệ trong quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại giữa cơ quan hải quan với các đối tác.
Sự kiện gồm hai phần, trong đó phần hội nghị gồm 10 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề và các cuộc nói chuyện công nghệ, trong khi đó phần triển lãm có khoảng 50 gian hàng giới thiệu các công nghệ mới của doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực hải quan và thương mại.
Thông qua hội nghị, các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt xu hướng và thành tựu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại, từ đó xây dựng sự hiểu biết, chia sẻ, đồng hành cùng ngành hải quan trong tiến trình chuyển đổi số và hiện đại hóa ngành hải quan.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm quan các gian hàng triển lãm.
Đối với hải quan Việt Nam, việc đăng cai tổ chức sự kiện khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm của hải quan Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với WCO. Đây cũng là cơ hội để hải quan Việt Nam tăng cường hợp tác với cơ quan hải quan các nước, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ.
Những kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng, giải pháp từ hội nghị sẽ giúp hải quan Việt Nam có hướng đi phù hợp trong tiến trình hiện đại hóa hải quan hướng đến hải quan số, hải quan thông minh, hải quan xanh.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp hiểu thêm về hoạt động hải quan, nắm bắt xu hướng, giải pháp công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực hải quan và thương mại quốc tế.
Theo Báo điện tử Chính phủ