ChatGPT đạt 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt, lập kỷ lục về tốc độ phát triển

09:41, 02/02/2023

ChatGPT, công cụ trả lời trực tuyến của công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo OpenAI, ước tính đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1, chỉ 2 tháng sau khi ra mắt, khiến nó trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử, theo một nghiên cứu của UBS.

Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã đạt 100 triệu người dùng.

Báo cáo của UBS được công bố hôm 1/2, trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Similar Web, cho biết khoảng 13 triệu khách truy cập đã sử dụng ChatGPT mỗi ngày trong tháng 1, nhiều hơn gấp đôi so với lượng người sử dụng chatbot này hồi tháng 12/2022.

Các nhà phân tích của UBS đã viết trong ghi chú: “Trong 20 năm sau không gian internet, chúng tôi không thể nhớ được tốc độ nào nhanh hơn như vậy trong ứng dụng internet dành cho người tiêu dùng”.

OpenAI đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu xác nhận các số liệu. OpenAI, một công ty tư nhân được hỗ trợ bởi Microsoft chỉ mới ra mắt ChatGPT vào cuối tháng 11. Theo dữ liệu từ Sensor Tower, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để có thêm 100 triệu người dùng và Instagram mất tới 2 năm rưỡi.

ChatGPT hiện miễn phí sử dụng. Công ty hôm thứ Năm đã tung ra gói đăng ký 20 USD một tháng để cung cấp dịch vụ ổn định hơn và nhanh hơn cũng như cơ hội dùng thử các tính năng mới trước tiên.

Các nhà phân tích tin rằng sự lan truyền chóng mặt của ChatGPT sẽ mang lại cho OpenAI lợi thế của người đi đầu so với các công ty AI khác. Tuy nhiên, việc người sử dụng ngày càng nhiều sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể chi phí điện toán và chi phí huấn luyện phản hồi của chatbot.

Công cụ này cũng đặt ra câu hỏi về sự thiếu trung thực trong học thuật và thông tin sai lệch. Tháng trước, Microsoft đã công bố một khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD khác vào OpenAI dưới dạng tiền mặt và tín dụng đám mây.

Trong một diễn biến liên quan, OpenAI cuối tháng 1 vừa qua đã phát hành một công cụ phần mềm để xác định văn bản do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, được gọi là trình phân loại AI.

Trình phân loại AI, một mô hình ngôn ngữ được đào tạo trên tập dữ liệu gồm các cặp văn bản do con người viết và AI viết về cùng một chủ đề, nhằm mục đích phân biệt văn bản được viết bởi AI. Công ty cho biết họ sử dụng nhiều nhà cung cấp khác nhau để giải quyết các vấn đề như chiến dịch thông tin sai lệch tự động và sự không trung thực trong học thuật.

Ở chế độ beta công khai, OpenAI thừa nhận công cụ phát hiện không đáng tin cậy đối với các văn bản dưới 1.000 ký tự và văn bản do AI viết có thể được chỉnh sửa để đánh lừa bộ phân loại.

OpenAI cho biết: “Chúng tôi đang cung cấp công cụ phân loại này để nhận phản hồi về việc liệu các công cụ không hoàn hảo như thế này có hữu ích hay không”.

“Chúng tôi nhận ra rằng việc xác định văn bản do AI viết là một điểm thảo luận quan trọng giữa các nhà giáo dục và điều quan trọng không kém là nhận ra các giới hạn và tác động của các trình phân loại văn bản do AI tạo ra trong lớp học”.

Những nỗ lực cải thiện các sản phẩm AI cho thấy công ty này hoàn toàn tiềm năng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và có thể sớm dẫn đầu xu hướng, trở thành đối thủ đáng gờm với Google trong tương lai gần.

Chân Hoàn (T/h)