Châu Âu “ngồi trên lửa” vì đối thoại Nga-Ukraine rơi vào bế tắc

08:14, 19/06/2014

Trước tình thế “chưa thể xoay chuyển” giữa Nga và Ukraine, các quốc gia châu Âu đang dùng nguồn khí đốt của Nga như “ngồi trên lửa”.

Nga: Hoài nghi kế hoạch ngừng bắn của Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua, 18/6, đã bày tỏ sự hoài nghi về kế hoạch ngừng bắn của chính phủ Ukraine nhằm làm giảm căng thẳng hiện nay. Theo ông Lavrov, kế hoạch ngừng bắn này không bao gồm các cuộc đối thoại, mà chỉ là lời kêu gọi các nhóm vũ trang hạ vũ khí và rời khỏi Ukraine.

"Tôi đã nghe đến một lựa chọn, theo đó lệnh ngừng bắn tạm thời này là cần thiết để cho phép những người mà chính phủ nước này gọi là các kẻ cực đoan rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Điều này có lẽ đang tiến gần đến một cuộc thanh lọc sắc tộc nếu những người nói tiếng Nga phải rời khỏi Ukraine, chỉ bởi vì chính quyền không muốn lưu tâm đến những yêu cầu hợp pháp của họ” - Ông Lavrov nói.

Còn Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề xuất một kế hoạch hòa bình cho khu vực miền Đông, bao gồm một lệnh ngừng bắn đơn phương từ phía chính phủ. Ông Poroshenko khẳng định, lệnh ngừng bắn có thể bắt đầu chỉ khi khu vực biên giới được đảm bảo.

Ukraine: Đóng cửa biên giới thay cho đối thoại

Ngày 18/6, Nga cho biết sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực khủng hoảng ở miền Đông Ukraine mà không cần có sự đồng ý của Kiev, trong bối cảnh Ukraine cũng thông qua nghị quyết tăng cường kiểm soát biên giới phía Đông với Nga. Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua tuyên bố yêu cầu mở cuộc điều tra về cái chết của 2 nhà báo Nga ở Ukraine.

Trước đó, Nga đã phổ biến dự thảo nghị quyết mới về Ukraine trước khi trình lên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, trong đó tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ở phía Đông Nam của nước láng giềng này và lên án việc pháo kích vào khu vực dân cư và các công trình dân sự cũng như các đoàn xe cứu trợ nhân đạo, đặc biệt bày tỏ quan ngại trước thông tin từ miền Đông Ukraine về việc sử dụng bom cháy và các loại vũ khí bị cấm khác.

Về phía Ukraine, ngày 17/6, Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết về vấn đề tăng cường kiểm soát biên giới phía Đông với Nga, thay vì ngừng bắn như đã thương thảo. Theo đó, trong thời gian 1 tháng, Cơ quan biên phòng Ukraine sẽ tăng số lượng nhân viên để có thể kiểm soát chặt chẽ vùng biên giới phía Đông với Nga. Đồng thời Ukraine còn xác định các tài liệu để đơn phương phân định biên giới với Nga.

Phản ứng trước ý định đóng cửa biên giới với Nga của Kiev, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, Matxcơva hy vọng tất cả những người có thể gây ảnh hưởng đến tình hình ở Ukraine sẽ không làm cho tình hình trầm trọng thêm và bắt đầu một cuộc đối thoại toàn quốc. Áp dụng thiết quân luật tại miền Đông Ukraine sẽ là một bước đi sai lầm và làm gia tăng bạo lực.

Ukraine trang bị 1.000 xe bọc thép cho miền Đông

Đài Tiếng nói nước Nga ngày 18/6, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine, ông Vladimir Chepovoy, cho biết quân đội Ukraine dự định mua 1.000 xe bọc thép nhằm sử dụng trong chiến dịch trừng phạt ở miền Đông nước này.

Còn hãng RBK (Ukraine) dẫn tuyên bố của ông Chepovoy có đoạn: "Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tiến hành thử nghiệm so sánh các loại BTR E3E1 và BTR 4E ‘Bucephal’ với mục đích chọn loại xe bọc thép tốt nhất cho quân đội Ukraine sử dụng trong khu vực chiến dịch chống khủng bố ATO. Tổng cộng sẽ mua khoảng gần 1.000 đơn vị xe. Việc mua xe bọc thép hạng nhẹ bánh hơi ‘Dozor-B’ hiện cũng đang được xem xét”.

Châu Âu lãnh đủ

Trong khi gần 1/3 nhu cầu khí đốt của châu Âu phải nhập khẩu từ Nga và khoảng 1/2 trong số đó được cung cấp thông qua đường ống tại Ukraine, ấy nhưng tranh chấp về giá khí đốt của Nga cho Ukraine cũng như chiến tranh ở khu vực biện giới giữa 2 nước vẫn tiếp tục căng thẳng, đẩy các nước châu Âu vào tình thế “lưỡng nan”.

50% nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu đi qua Ukraine.

Nhà phân tích Thierry Bros tại công ty dịch vụ tài chính lớn của châu Âu Société Générale cho rằng, nếu Nga cắt đứt nguồn cung đến Ukraine thì các nước trong khu vực phải tìm nguồn cung khác với giá cao hơn để đáp ứng nhu cầu.

Trước mối đe dọa trên, theo hãng tin Itar-Tass, Ủy viên năng lượng châu Âu Gunther Oettinger cho biết đang cố gắng nối lại cuộc đàm phán Nga - Ukraine vào giữa tháng 7 tới. Tuy nhiên, khó khăn càng chồng chất khi Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cáo buộc Nga cố tình phá hoại bằng cách đặt bom đường ống dẫn khí đốt ở TP Poltava hôm 17/6 với mục đích làm mất uy tín của Kiev với các đối tác.

Mặc dù ngày 18/6, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết sẽ sớm ban hành lệnh ngừng bắn đơn phương ở miền Đông để "phe ly khai hạ vũ khí và lực lượng đánh thuê người Nga trở về". Tuy nhiên, theo Interfax, Cộng hòa Nhân dân Donetsk đã bác bỏ đề xuất này.

Thanh Trà (tổng hợp)