Chia sẻ dữ liệu mở là chìa khóa thành công trong ứng dụng công nghệ phòng chống dịch Covid-19

15:35, 26/10/2021

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Ứng dụng công nghệ được xác định là một trụ cột trong công tác phòng chống dịch.

Có khả thi chỉ với một siêu ứng dụng phục vụ phòng chống dịch Covid-19?

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Ứng dụng công nghệ được xác định là một trụ cột trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên trong khi các hiệu quả cụ thể của ứng dụng công nghệ thời gian qua còn chưa được đánh dấu một cách đầy đủ, thì các bất cập trong triển khai thực tế đã được bộc lộ. Đó là hiện trạng có nhiều ứng dụng cùng tính năng với nhiều loại mã QRCode khác nhau gây ra sự lúng túng cho người sử dụng. Nguồn dữ liệu dùng để chứng nhận tiêm chủng chưa được thu thập một cách đầy đủ và bảo đảm chính xác để có thể triển khai cơ chế visa vaccines trên phần mềm ứng dụng. Khi việc giãn cách xảy ra trên diện rộng của cả nước thì ứng dụng công nghệ không được triển khai một cách kịp thời để giải quyết các bài toán về giấy đi đường, vận tải luồng xanh,...

Trước thực trạng các bất cập trong ứng dụng công nghệ chúng ta đang có chủ trương hợp nhất xây dựng một phần mềm ứng dụng duy nhất phục vụ công tác phòng chống dịch. Cách tiếp cận này nhằm tạo ra một siêu ứng dụng chỉ có thể giải quyết được một số bài toán cơ bản trong khai báo y tế, truy vết người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên nó không thể giải quyết được mọi bài toán được phát sinh tại mỗi địa phương và tại mỗi thời điểm khác nhau. Cách thức tổ chức và vận hành xã hội ở các địa phương rất đa dạng nên có các yêu cầu nghiệp vụ chỉ có thể đáp ứng được bởi các ứng dụng dùng riêng. Đặc biệt hiện nay, việc phòng chống dịch không chỉ dừng ở góc độ quản lý y tế, dịch tễ mà còn là công tác an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Do đó việc chỉ tồn tại một ứng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch sẽ là bất khả thi.

Một bài học ứng dụng công nghệ thành công trong công tác phòng chống dịch đến từ Ấn Độ. Nước này đã tạo ra một nền tảng quản lý dữ liệu tiêm chủng quốc gia có tên là CoWIN cho phép kết nối với nhiều ứng dụng của bên thứ 3 để tạo thành mạng lưới ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch. Nền tảng này cung cấp các dịch vụ dữ liệu cơ bản nhất của chương trình tiêm chủng vaccine Covid cho tất cả các ứng dụng có nhu cầu khai thác sử dụng. CoWin được xây dựng để đáp ứng quy mô triển khai cho dân số trên một tỉ người của Ấn Độ. Trong vòng 4 tháng sau khi triển khai nó đã đạt được số lượng trên 200 triệu người đăng ký tiêm. Tại lúc cao điểm có 3,1 tỷ lượt truy cập dữ liệu trong một ngày.

Vai trò dữ liệu và chia sẻ dữ liệu mở trong phòng chống dịch

Có thể thấy, các ứng dụng chỉ là phần nổi của việc áp dụng công nghệ trong phòng chống dịch. Chúng ta không thể giải quyết được tận gốc các bất cập hiện nay nếu không quan tâm tới việc hình thành và chia sẻ các nguồn dữ liệu được sử dụng thống nhất và tập trung. Các dữ liệu về khai báo y tế, xét nghiệm, tiêm chủng và điều trị y tế tạo ra các thông tin cơ bản dùng để hoạch định chính sách ứng phó với đại dịch. Nó không chỉ dùng riêng cho các mục đích quản lý về y tế mà cần được dùng kết hợp với các nguồn cơ sở dữ liệu khác để phục vụ công tác an sinh xã hội. Đồng thời trong tương lai gần nó còn dùng làm nền tảng vận hành hoạt động của nền kinh tế thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh dựa trên cơ chế visa vaccines.

Dữ liệu được xem là yếu tố then chốt bảo đảm sự thành công của ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch. Cần xây dựng một cơ chế quản lý hiệu quả bằng một cơ sở hạ tầng dữ liệu thống nhất, có độ tin cậy cao do cơ quan nhà nước đứng ra đảm nhiệm. Dữ liệu sẽ được chia sẻ công bằng cho tất cả các bên tham gia vào mạng lưới cung cấp các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch. Từ đó cho phép đa dạng hóa các phương thức thu thập dữ liệu bảo đảm tính đầy đủ, theo thời gian thực và đúng đắn từ các nghiệp vụ quản lý ở cơ sở. Đây là cách duy nhất để giải quyết các bất cập về sự không chính xác của dữ liệu hiện nay khi đang được thu thập bằng phương thức số hóa từ các văn bản giấy. Phần lớn dữ liệu có trong CSDL tiêm chủng quốc gia đã được các cán bộ y tế nhập lại một cách thủ công trên máy tính chỉ sau khi đã có kết quả chứng nhận tiêm chủng trên giấy. Do đó không thể tránh khỏi việc thiếu hoặc sai sót trong quá trình nhập liệu vì không có nghiệp vụ kiểm tra chéo.

Dữ liệu phục vụ phòng chống dịch thường có chứa thông tin cá nhân. Để bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu khi cung cấp cho bên thứ 3 sẽ phải được xử lý để ẩn danh hoặc chỉ được cung cấp khi có sự xác nhận đồng ý của chính cá nhân đó. Ví dụ một ứng dụng của bên thứ 3 chỉ có thể tra cứu thông tin về chứng nhận tiêm chủng cá nhân khi có mã khóa bảo mật khẩu do người dùng cung cấp. Mã khóa bảo mật này sẽ được cấp cho các cá nhân thông qua các cơ chế dụng mã xác nhận OTP trên điện thoại di động hoặc thư điện tử. Sau khi tra cứu thông tin, chứng nhận tiêm chủng có thể được lưu lại trên máy của cá nhân để phục vụ kiểm tra khi có yêu cầu.

Ngoài các dữ liệu cá nhân còn có các dữ liệu được tổng hợp dưới dạng số liệu dùng trong công tác thống kê, theo dõi các biến động để phục vụ công tác phòng chống dịch. Các số liệu này nên là dữ liệu mở để có thể tự do khai thác, tái sử dụng cho các mục đích khác nhau. Nguồn dữ liệu được cung cấp bảo đảm tính thời gian thực và có mức độ tin cậy cao để có thể phục vụ ra quyết định hoàn toàn dựa trên số liệu. Ví dụ để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid, chúng ta đang áp dụng chính sách đánh giá phân loại các địa phương theo 4 cấp độ dịch là nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Việc khoanh vùng chống dịch không chỉ dừng ở cấp tỉnh thành mà được khuyến cáo phân chia ở phạm vị hẹp nhất tối thiểu là cấp xã phường (có trên 10.000 đơn vị trên toàn quốc). Khi đó việc đánh giá phân loại nguy cơ các vùng dịch sẽ chỉ thực sự hiệu quả nếu các nguồn số liệu về tiêm chủng, người nhiễm bệnh, năng lực khám chữa bệnh của các địa phương có đầy đủ và được cập nhật kịp thời.

Các doanh nghiệp CNTT được quyền tự do khai thác nguồn dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để sáng tạo ra các công cụ hỗ trợ phòng chống dịch đáp ứng từng nhu cầu đặc thù của mỗi địa phương. Đây chính là phương thức tiếp cận giúp huy động được tổng nguồn lực xã hội cùng giải quyết bài toán an sinh xã hội bằng các ứng dụng công nghệ.

 

Quản trị dữ liệu tiêm chủng theo mô hình các ứng dụng phân tán

Như đã trình bày dữ liệu tiêm chủng hiện đang được thu thập theo phương thức nhập liệu rất thủ công. Hệ thống quản lý đăng ký tiêm chủng quốc gia đã được phát triển nhưng chưa đáp ứng được thực tiễn quy trình triển khai ở các điểm tiêm chủng cấp xã phường. Tại đây việc tạo lập danh sách người đăng ký và sắp xếp gói tiêm chủng được phân chia về các tổ dân phố. Chính vì vậy cán bộ y tế tại các điểm tiêm chủng sẽ chỉ chịu trách nhiệm thực hiện kiểm tra y tế và tiêm chủng theo danh sách của xã phường cung cấp. Danh sách này thường được quản lý thủ công dưới dạng các tệp excel. Chỉ sau khi tiêm xong, cán bộ mới nhập lại thông tin về người tiêm chủng lên CSDL của ngành y tế.

Một CSDL được hình thành dựa trên các quy trình vận hành, tổ chức các điểm tiêm chủng theo phương thức thủ công thì không thể tránh khỏi các sai sót xảy ra. Phần mềm ứng dụng Vaccom (vaccom.vn) được phát triển với mong muốn hỗ trợ tin học hóa quy trình quản lý, tổ chức các điểm tiêm chủng ở cấp xã phường. Đối tượng sử dụng chính của phần mềm là các cán bộ tại địa bàn dân cư, cán bộ y tế tại xã phường. Phần mềm đáp ứng các chức năng tạo lập danh sách, sắp xếp, lập lịch và ghi nhận kết quả của người tiêm chủng. Việc gọi và tiếp nhận người đến điểm tiêm chủng cũng được tổ chức khoa học hơn thông qua các thông báo điện tử đến người dân qua tin nhắn trên Zalo hoặc SMS. Qua kết quả triển khai đưa vào sử dụng thử nghiệm ban đầu tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, ứng dụng nhận được sự đánh giá cao của người dân và đặc biệt đã giảm tải được rất nhiều thời gian của cán bộ xã phường, tổ dân phố trong việc thu thập, tạọ lập dữ liệu phải làm đi làm lại nhiều lần qua các đợt tiêm chủng.

Quy trình quản lý, tổ chức tiêm chủng ở các địa phương sẽ có sự đa dạng với các đặc thù của vùng miền khác nhau. Do đó chỉ xây dựng một phần mềm duy nhất có thể đáp ứng được mọi nhu cầu triển khai trên thực tiễn là bất khả thi. Phần mềm ứng dụng Vaccom đã được phát triển theo hướng tiếp cận nguồn mở để người dùng có thể tự do tùy biến tạo ra các chức năng mới phù hợp với nhu cầu sử dụng riêng. Như vậy việc triển khai sẽ linh hoạt và cho phép nhiều đơn vị công nghệ cùng tham gia vào công tác hỗ trợ phòng chống dịch. Vấn đề mấu chốt cuối cùng sẽ chỉ là sự liên thông dữ liệu giữa ứng dụng Vaccom với nền tảng CSDL quốc gia về tiêm chủng.

Tương tự cách tiếp cận xây dựng nền tảng CoWIN của Ấn Độ, nền tảng CSDL quốc gia về tiêm chủng của Việt Nam cũng cần phải mở các API với các phần mềm do bên thứ 3 cung cấp. Về mặt mô hình, nó được xem là một CSDL quản lý các dữ liệu chủ (master data) về tiêm chủng trong hệ thống phân tán. Một số yêu cầu cần được triển khai để đáp ứng tính liên thông về ngữ nghĩa của dữ liệu khi chia sẻ trên hệ thống phân tán. Thứ nhất đó là sử dụng một nguyên tắc thống nhất trong việc định danh dữ liệu cho người đăng ký và thông tin chứng nhận tiêm chủng. Thứ hai, chuẩn hóa gói tin trao đổi dữ liệu và dữ liệu danh mục dùng chung trong hệ thống. Về mặt công nghệ, khuyến nghị sử dụng mô hình dữ liệu mở liên kết (LOD) làm tiêu chuẩn để kết nối, liên thông các hệ thống. Nó thích hợp cho xu hướng mở rộng, tích hợp CSDL tiêm chủng với nhiều nền tảng CSDL khác phục vụ phòng chống dịch.

Tổng kết lại, tư duy xây dựng các hệ thống ứng dụng khép kín đã không còn phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Tạo môi trường liên thông về dữ liệu cần là chiến lược nhất quán trong ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch. Nhà nước thay vì tập trung vào việc xây dựng các ứng dụng thì tạo ra các nền tảng dùng để thống nhất và chia sẻ dữ liệu cho các bên thứ 3, làm mở ra cơ hội phát triển nhiều ứng dụng phù hợp với nhu cầu đa dạng của xã hội.

TS. Tạ Tuấn Anh

Công ty cổ phần phát triển nguồn mở và dịch vụ FDS