Ứng dụng AI trong quân sự và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động GD-ĐT và NCKH trong các nhà trường quân đội
Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) đã và đang nhanh chóng thay đổi nhiều khía cạnh của xã hội như kinh tế, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và đặc biệt là quân sự - quốc phòng.
Các công nghệ AI đang định hình lại cách các tổ chức quân sự, hay rộng hơn là các quốc gia tiến hành chiến tranh, từ việc tối ưu hóa quy trình ra quyết định trên chiến trường cho đến việc phát triển vũ khí tự động. Sự chuyển dịch này không chỉ thay đổi về chiến lược quân sự mà còn mang đến những thách thức mới về mặt đạo đức, chính trị và an ninh quốc tế.
1. Một số ứng dụng và tác động của AI trong lĩnh vực quân sự
Từ lâu, những đột phá về công nghệ thường được thử nghiệm và áp dụng đầu tiên cho quân sự (hệ thống ra đa, mạng Internet, hệ thống định vị toàn cầu GPS…). Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi AI đã được các nước trên thế giới áp dụng vào quân sự trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giám sát, trinh sát, tiến công, và phòng thủ. Các công nghệ AI không chỉ giúp tăng cường khả năng thu thập và phân tích thông tin trinh sát, tình báo mà còn tối ưu hóa hoạt động tác chiến. Một trong những ứng dụng quan trọng của AI là trong hệ thống trinh sát và giám sát. Các hệ thống AI có thể phân tích lượng lớn dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm vệ tinh, drone và các cảm biến mặt đất. Việc sử dụng AI giúp phân tích nhanh chóng, chính xác và cảnh báo sớm các mối đe dọa tiềm tàng. Điều này giúp sở chỉ huy và người chỉ huy nâng cao khả năng nhận diện mục tiêu và đưa ra các quyết định tác chiến một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, AI cũng đang được phát triển trong hệ thống vũ khí tự động. Các vũ khí này có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp trực tiếp của con người, chẳng hạn như các máy bay không người lái (UAV) tự động có thể phối hợp tác chiến với nhau, tự động nhận diện và tiêu diệt mục tiêu trên chiến trường. Hệ thống này không chỉ giảm thiểu nguy cơ thương vong cho binh sĩ mà còn giúp tăng cường hiệu quả của các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, việc ứng dụng vũ khí tự động đang gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là về đạo đức, khi AI có thể ra quyết định sống chết mà không cần đến sự giám sát của con người.
Một trong những thay đổi lớn nhất mà AI mang lại là tốc độ ra quyết định và hành động trên chiến trường. Các hệ thống AI có thể xử lý và phân tích dữ liệu trong thời gian thực, cho phép người chỉ huy đơn vị đưa ra quyết định nhanh chóng hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong các cuộc xung đột hiện đại, nơi tốc độ và sự chính xác là yếu tố quyết định sự thành bại. Việc sử dụng AI để tăng cường hiệu quả tác chiến không chỉ nằm ở khả năng xử lý thông tin mà còn liên quan đến tối ưu hóa công tác hậu cần, kỹ thuật. Ví dụ, AI có thể tính toán được nhu cầu, các phương án thực hiện và những phát sinh đột xuất về vật tư, vũ khí, đạn dược và quân lương trên chiến trường, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi và tăng cường khả năng cung cấp nhanh chóng cho quân đội. Điều này không chỉ giúp quân đội duy trì sức mạnh mà còn đảm bảo rằng các nguồn lực được phân phối, chi viện một cách hiệu quả. Điển hình là các hệ thống phân phối đạn, tên lửa trên các tàu chiến của Hoa Kỳ, hay hệ thống ra quyết định đánh chặn tên lửa dựa trên AI trong hệ thống phòng thủ Vòm sắt (Iron Dome) của quân đội Israel.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho quân sự, nhưng AI cũng đồng thời đặt ra những thách thức lớn về mặt đạo đức và pháp lý. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là trách nhiệm đạo đức khi sử dụng các hệ thống vũ khí tự động. AI có thể ra quyết định tấn công mà không cần đến sự điều khiển của con người, dẫn đến những tình huống gây thương vong không mong muốn, thậm chí vi phạm công ước chiến tranh quốc tế. Điều này đã dẫn đến cuộc tranh luận toàn cầu về việc liệu có nên cấm hoặc giới hạn sử dụng vũ khí tự động AI.
Ngoài ra, AI cũng có thể tạo ra rủi ro về mặt an ninh mạng. Các hệ thống quân sự dựa trên AI có thể bị tấn công hoặc xâm nhập, làm gián đoạn hoạt động của quân đội hoặc thậm chí biến vũ khí tự động thành mối đe dọa đối với tổ chức hay quốc gia sở hữu chúng. Việc đảm bảo tính an toàn và bảo mật của các hệ thống AI là một thách thức lớn, đòi hỏi sự phát triển các phương thức bảo vệ phức tạp.
Sự phát triển nhanh chóng của AI trong quân sự đã dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và nhiều quốc gia khác đều đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các hệ thống vũ khí dựa trên AI. Mục tiêu của họ không chỉ là duy trì ưu thế quân sự vượt trội mà còn là ngăn chặn đối thủ phát triển công nghệ. Cuộc chạy đua này có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu, khi các quốc gia cố gắng phát triển các hệ thống AI tiên tiến hơn mà không có đủ cơ chế giám sát và kiểm soát. Khả năng xảy ra các cuộc xung đột leo thang do sự cố từ hệ thống AI là rất cao. Để giảm thiểu nguy cơ này, các quốc gia cần phải xây dựng các công ước kiểm soát vũ khí AI và tăng cường hợp tác quốc tế để đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm và an toàn.
Đối với Việt Nam nói chung và Quân đội ta nói riêng, AI trong lĩnh vực quân sự vì thế cũng mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức. Một mặt, nếu chúng ta tận dụng tốt, AI có thể trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ chủ quyền, bảo vệ an ninh quốc gia. Các hệ thống giám sát và phân tích dựa trên AI sẽ giúp nâng cao khả năng phát hiện và ứng phó kịp thời với các hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Việc ứng dụng AI vào phòng thủ biển và hải đảo cũng sẽ tăng cường đáng kể năng lực bảo vệ lãnh thổ mà không tốn quá nhiều nguồn lực. Tuy vậy, giống như các thách thức đã nêu trên, sự phát triển của vũ khí thông minh, giúp giảm thiểu sự hiện diện của binh lính trên chiến trường, có thể khiến việc sử dụng vũ lực trở nên dễ dàng hơn, dẫn đến nhiều cuộc đụng độ nhỏ lẻ nhưng thường xuyên hơn. Điều này buộc Đảng, Nhà nước và Quân đội phải liên tục cập nhật chiến lược quốc phòng để thích ứng với môi trường an ninh mới.
Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực quân sự, mang lại nhiều cơ hội để tăng cường hiệu quả và sức mạnh chiến đấu. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ về mặt đạo đức, pháp lý và an ninh quốc tế. Việc quản lý và điều phối sự phát triển AI trong quân sự đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia, cũng như các biện pháp kiểm soát và giám sát rõ ràng để đảm bảo rằng AI được sử dụng vì mục tiêu hòa bình và an ninh toàn cầu.
2. Những vấn đề đặt ra đối với hoạt động giáo dục, đào tạo, NCKH trong các nhà trường quân đội
a) Một số ứng dụng AI có thể được áp dụng trong hoạt động GD-ĐT, NCKH trong nhà trường quân đội
- Học tập cá nhân hóa: Trong các Học viện, nhà trường Quân đội, công nghệ AI có thể tăng cường chất lượng giảng dạy. AI được áp dụng rộng rãi để tối ưu hóa quy trình giảng dạy với khả năng xử lý và phân tích dữ liệu mạnh mẽ, AI giúp cá nhân hóa lộ trình học tập cho từng học viên. Các hệ thống học tập tích hợp AI có khả năng theo dõi tiến độ học tập, đánh giá yếu điểm và đưa ra các chương trình học phù hợp, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục. AI có thể cung cấp tài liệu, bài giảng điện tử, bài thi trắc nghiệm, clip ngắn và thậm chí trò chuyện tự động để trả lời câu hỏi của người dung. Điều này giúp nâng cao hiệu quả học tập và sự hấp thụ kiến thức của mỗi cá nhân.
- Mô phỏng và huấn luyện: AI có thể được tích hợp vào các hệ thống mô phỏng và huấn luyện của nhà trường, giúp cán bộ, giảng viên và học viên làm quen với các hệ thống chiến đấu, môi trường tác chiến và các loại vũ khí trang bị hiện đại mà chưa có đủ khả năng biên chế khí tài thật cho các Học viện, nhà trường. Các phần mềm mô phỏng trên máy tính cho phép trải nghiệm thực tế ảo, tăng cường khả năng phản ứng và ra quyết định trong các tình huống huấn luyện phức tạp mà không cần phải tiếp xúc với TBKT thực. Điều này giúp giảm chi phí huấn luyện, nâng cao tuổi thọ của TBKT mà vẫn bảo đảm được chất lượng chuẩn đầu ra của GD, ĐT.
- Hỗ trợ giảng dạy: Cơ quan đào tạo, các khoa giảng viên có thể ứng dụng AI để tự động tạo bài giảng, thiết kế khóa học, hỗ trợ giảng viên nâng cao chất lượng giảng dạy. Các công cụ AI giúp phân tích tài liệu, tại slide và chuyển đổi silde thành video bài giảng chất lượng cao. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức của giảng viên, đồng thời cung cấp nội dung đa dạng, hấp dẫn cho học viên, giúp nâng cao chất lượng GD, ĐT, NCKH.
- Ngoài ra, AI có thể giúp hỗ trợ các nội dung về diễn tập, bắn đạn thật; giúp xử lý nhanh chóng và hiệu quả khối lượng lớn dữ liệu để thu được thông tin có giá trị phục vụ cho quá trình tác chiến.
b) Những vấn đề đặt ra khi ứng dụng công nghệ AI trong các nhà trường Quân đội
Mặc dù có nhiều ứng dụng ưu việt, tích cực phục vụ cho hoạt động GD-ĐT, NCKH của các nhà trường quân đội, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Cụ thể là:
- Bảo đảm tính bảo mật và an ninh thông tin
+ Vấn đề: Thông tin quân sự, quốc phòng là cực kỳ nhạy cảm. Việc ứng dụng AI trong GD-ĐT, NCKH trong các nhà trường quân đội đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng vững chắc; hệ thống bảo mật và an ninh thông tin chặt chẽ để ngăn chặn rò rỉ thông tin, tấn công mạng và các mối đe dọa an ninh khác. Dữ liệu đào tạo và nghiên cứu cần được bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế rủi ro bị truy cấp trái phép.
+ Giải pháp: Các Học viện, nhà trường quân đội cần xây dựng hệ thống an ninh mạng đa lớp, kết hợp các giải pháp bảo mật hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật thông tin quân sự. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên và học viên về an ninh mạng và bảo mật thông tin. Thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống bảo mật để đáp ứng các mối đe dọa an ninh mạng mới nổi.
- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực
+ Vấn đề: Việc ứng dụng công nghệ AI thành công hay không đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, phát triển, vận hành và bảo trì các hệ thống AI. Hiện nay, nguồn nhân lực về AI trong Quân đội ta nói chung và các Học viện, nhà trường quân đội nói riêng còn hạn chế.
+ Giải pháp: Các Học viện, nhà trường quân đội cần tập trung đầu tư gửi đi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên, thợ CNTT, nhà nghiên cứu về AI. Tăng cường hợp tác quốc tế và các Học viện, nhà trường khác để học hỏi kinh nghiệm tiên tiến trong lĩnh vực này. Mặt khác cần tạo cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và giữ chân những nhân tài về AI.
- Lựa chọn và tích hợp công nghệ AI phù hợp
+ Vấn đề: Không phải công nghệ AI nào cũng phù hợp với hoạt động GD-ĐT, NCKH của Học viện. Điều này đặt ra vấn đề cần lựa chọn công nghệ AI phù hợp với đặc thù, yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, an toàn và đúng quy định của trên.
Giải pháp: Nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp AI hiện có, đánh giá ưu, nhước điểm của từng công nghệ, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng cho phép các trường lựa chọn, ứng dụng công nghệ AI đã được kiểm chứng, đáng tin cậy, phù hợp với ngân sách và điều kiện của từng đơn vị. Xây dựng lộ trình ứng dụng AI một cách bài bản, từng bước vững chắc.
- Bảo đảm tính minh bạch và công bằng
+ Vấn đề: Các thuật toán AI có thể tiềm ẩn các hiện tượng “thiên vị”, dẫn đến kết quả không chính xác, công bằng trong quá trình đánh giá, tuyển chọn và đào tạo.
+ Giải pháp: Các phòng, ban chức năng cần kiểm tra và đánh giá kỹ thuật toán AI để phát hiện và loại bỏ hiện tượng “thiên vị”. Xây dựng quy trình giám sát, đánh giá hoạt động của các hệ thống AI, bảo đảm tính minh bạch và công khai trong quá trình sử dụng dữ liệu, hay nói cách khác là các trường quân đội cần có quy chế khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống AI khi được biên chế.
- Cân bằng giữa ứng dụng AI và vai trò của cán bộ, giảng viên và học viên
+ Vấn đề: Ứng dụng AI không thể thay thế hoàn toàn vài trò trung tâm của cán bộ, giảng viên và học viên trong nhà trường, đặc biệt là trong lĩnh vực GD-ĐT, NCKH. Chính vì vậy, cần tìm sự cân bằng giữa việc tận dụng công nghệ AI và duy trì vai trò then chốt, quyết định của cán bộ, giảng viên và nhà nghiên cứu.
+ Giải pháp: Các Học viện, nhà trường cần tiếp cận ứng dụng công nghệ AI theo hướng hỗ trợ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị chứ không phải thay thế hoàn toàn hoạt động của bộ đội. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên, học viên sử dụng thành thạo công nghệ AI để hỗ trợ cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.
- Tích hợp và liên kết
+ Vấn đề: Ứng dụng AI cần được tích hợp một cách có hệ thống, đồng bộ vào mạng GD-ĐT, NCKH của các Học viện, nhà trường trong Quân đội. Việc tích hợp cần đảm bảo tính tương thích, hiệu quả và dễ sử dụng. Cần có sự phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị để có thể chia sẻ nguồn dữ liệu chung.
+ Giải pháp: Học viện cần phối hợp với các cơ quan chức năng, Học viện, Nhà trường khác để xây dựng một hệ thống thông tin thống nhất, hỗ trợ việc tích hợp các ứng dụng AI. Đào tạo cán bộ, giảng viên sử dụng hệ thống tích hợp. Phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị có liên quan để sử dụng chung nguồn cơ sở dữ liệu quân sự.
Việc ứng dụng công nghệ AI trong các Học viện, nhà trường Quân đội cần được thực hiện một cách thận trọng, bài bản, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo mật thông tin, an toàn thông tin quân sự. Sự thành công của quá trình này, không chỉ cần có tư duy đổi mới của người chỉ huy, chủ trương, đường lối đúng đắn mà còn phụ thuộc vào sự đầu tư chiến lược về nguồn lực, công nghệ và con người./.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Lục Quân (tháng 10/2021) - Một số tác động của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự.
2. Trang điện tử khoa học Nam Định (tháng 10/2023) - Top 11 ứng dụng trong quân sự đáng sợ nhất của Trí tuệ nhân tạo.
3. Báo QĐND (tháng 9/2024) - Trí tuệ nhân tạo và quá trình tự chủ vũ khí trên thế giới.
Thượng tá, Ths Nguyễn Xuân Tuấn - Khoa CT-CD, Học viện PK-KQ
Thiếu tá, CN Lê Văn Huy - Hệ 1, Học viện PK-KQ