Nghị quyết 57-NQ/TW - thời cơ vàng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên phát triển mới

07:17, 22/04/2025

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết này không chỉ khẳng định tầm quan trọng của khoa học, công nghệ trong chiến lược phát triển quốc gia mà còn tạo ra những cơ hội to lớn để Việt Nam có thể đẩy mạnh tiến trình hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Với Nghị quyết 57-NQ/TW, con đường chiến lược và thể chế căn cốt để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam được định hình và tạo thành nguồn lực, hào khí mạnh mẽ thôi thúc cả dân tộc tự tin, vươn mình tiến lên thịnh vượng.

Là một người may mắn có nhiều năm tham gia trực tiếp nghiên cứu, quản lý hoạt động nghiên cứu và có cơ hội đi, tiếp xúc, làm việc với nhiều nhà khoa học đã cho tôi thấy được những cơ hội, sự hân hoan và giá trị của nghị quyết mang lại cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam nói chung và giới khoa học nói riêng. Có thể thấy những thời cơ vàng cho sự phát triển đất nước được thể hiện ở một số nội dung:

Thứ nhất, hào khí và việc tạo động lực thực sự mạnh mẽ cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Nghị quyết 57-NQ/TW là một tín hiệu mạnh mẽ từ Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng nghiên cứu khoa học Việt Nam, khẳng định khoa học và công nghệ là nền tảng không thể thiếu để phát triển bền vững trong bối cảnh mới hiện nay.

Đặc biệt, các nhà khoa học nhìn nhận nghị quyết này như một cơ hội để đưa nghiên cứu khoa học ra khỏi những thách thức lâu dài, trong đó có vấn đề tài chính, cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thúc đẩy sáng tạo.

Nghị quyết là một đột phá lớn trong việc chú trọng đến việc ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước.

Qua đó, Đảng ta đã nhận diện rõ rằng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chìa khóa để Việt Nam có thể bắt kịp và thậm chí vượt qua các quốc gia khác trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thông minh, cách mạng công nghệ toàn cầu.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hai, tạo thể chế căn cốt cho phát triển ở giai đoạn mới và mở ra cơ hội phát triển trong kỷ nguyên mới của Việt Nam: Có thể nói, nghị quyết đã tạo ra thể chế dẫn dắt đổi mới - nền tảng cho phát triển bền vững.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã kỳ vọng vào một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, đồng bộ để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không còn là “điểm nghẽn”, mà trở thành “đòn bẩy” cho tăng trưởng. Và Nghị quyết 57-NQ/TW chính là lời hồi đáp mạnh mẽ cho khát vọng đó.

Thứ ba, sự thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường kết nối quốc tế: Một điểm nổi bật trong nghị quyết này là việc đề cập đến chuyển đổi số như một yếu tố tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Chuyển đổi số không chỉ thay đổi cách thức nghiên cứu, phát triển sản phẩm mà còn tạo ra những mô hình kinh doanh mới, giúp các nhà khoa học dễ dàng tiếp cận với thông tin và tài nguyên nghiên cứu toàn cầu. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và các công nghệ mới sẽ giúp tăng cường hiệu quả và tốc độ trong nghiên cứu khoa học.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Với Nghị quyết 57-NQ/TW, Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng công nghệ để giảm bớt các rào cản truyền thống trong nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các ngành khoa học tiên tiến như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, vật liệu mới, và y tế thông minh.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng, đây là cơ hội tuyệt vời để xây dựng một nền tảng nghiên cứu hiện đại, giúp đất nước không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể tạo ra sản phẩm và dịch vụ khoa học để tự chủ hội nhập và tự tin, dần tạo ra các sản phẩm đẳng cấp, có bản sắc xuất khẩu ra thế giới.

Thứ tư, việc đầu tư mạnh mẽ tạo nguồn lực lớn cho sự thúc đẩy phát triển thuận lợi của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Một trong những thách thức lớn đối với nền khoa học Việt Nam trong suốt những năm qua là nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng nghiên cứu còn thiếu thốn.

Nghị quyết 57-NQ/TW đã chỉ ra rằng việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, là yếu tố then chốt để tạo ra những đột phá trong nghiên cứu. Những nội dung này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước sẽ đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước có cơ hội học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo trong môi trường không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Các chính sách hỗ trợ học bổng, nghiên cứu sinh, cũng như các cơ chế khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều tài năng nghiên cứu. Đặc biệt, những dự án hợp tác quốc tế sẽ mở ra cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam học hỏi, tiếp cận các phương pháp nghiên cứu tiên tiến từ các quốc gia phát triển.

Với mục tiêu dành nguồn lực tài chính đủ mạnh 2% GDP và 3% ngân sách nhà nước là những tín hiệu cụ thể, hiện thực hóa các nguồn lực này một cách hiện hữu và thực chất để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đủ tầm cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam.

Thứ năm, Nghị quyết 57-NQ/TW cũng mở ra cơ hội thúc đẩy khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp, cũng như khu vực kinh tế tư nhân để khai phóng nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Việt Nam.

Nghị quyết còn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khoa học, công nghệ. Các nhà khoa học đánh giá cao những cơ hội mới mà nghị quyết mang lại cho cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư và các chính sách hỗ trợ về pháp lý và cơ chế. Việc thúc đẩy các startup công nghệ sẽ giúp hiện thực hóa các nghiên cứu khoa học thành các sản phẩm và dịch vụ ứng dụng thực tiễn. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đây là một khâu quan trọng.

Thứ sáu, Nghị quyết 57-NQ/TW đã mở ra cơ hội bước vào kỷ nguyên đổi mới và chuyển đổi số toàn diện: Chưa bao giờ các nhà nghiên cứu lại cảm nhận rõ rệt như lúc này rằng Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên phát triển mới - nơi tri thức, công nghệ và sáng tạo là nguồn lực sản xuất mới.

Nghị quyết mở ra một không gian rộng lớn cho sự phát triển của các công nghệ tương lai như: trí tuệ nhân tạo, blockchain, vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử… Nó cũng tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong khoa học và quản lý, từ cách thức nghiên cứu, công bố khoa học, lưu trữ dữ liệu cho đến việc kết nối các hệ thống nghiên cứu quốc gia với mạng lưới tri thức toàn cầu.

Các nhà khoa học nhận thấy rõ, trong kỷ nguyên mới này, cơ hội không chỉ nằm ở sự tiếp cận với công nghệ, mà còn nằm ở việc Việt Nam chủ động kiến tạo công nghệ, xây dựng năng lực tự chủ khoa học, và định hình những chuỗi giá trị mới với hàm lượng tri thức cao để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Thứ bảy, Nghị quyết 57-NQ/TW đã thúc đẩy tài chính, đổi mới cơ chế - “cởi trói” thực sự cho nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo: Không thể có khoa học mạnh nếu thiếu nguồn lực tương xứng. Nghị quyết xác định rõ đầu tư cho khoa học, công nghệ là đầu tư cho phát triển, chứ không phải chi tiêu.

Công viên phần mềm Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh) thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nội khu.

Việc nâng tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động mạnh mẽ vốn từ doanh nghiệp và tư nhân, sẽ là giải pháp để Việt Nam bắt kịp xu thế quốc tế và sớm chủ động thúc đẩy tham gia dẫn dắt phát triển.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, với những định hướng chiến lược rõ ràng và quyết tâm cao, là một “cú huých” mạnh mẽ cho nền khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Đối với các nhà khoa học, đây là cơ hội không chỉ để phát triển sự nghiệp mà còn là cơ hội để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, môi trường nghiên cứu được cải thiện, và sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một nền khoa học, công nghệ tiên tiến, đột phá, và hội nhập mạnh mẽ vào cộng đồng khoa học thế giới.

Đây là cơ hội vàng để các nhà khoa học phát huy sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đồng thời nâng cao vị thế của khoa học công nghệ Việt Nam trên trường quốc tế, và là thời cơ vàng cho Việt Nam vươn mình phát triển thành công trong kỷ nguyên mới.