Chiếc P-3C Orion “săn tàu ngầm” của Việt Nam hiện đại cỡ nào?
14:47, 12/10/2014
Các báo nước ngoài cho rằng, máy bay trinh sát P-3C Orion là một trong những thiết bị an ninh hàng hải đầu tiên mà Mỹ sẽ bán cho Việt Nam sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Theo hãng tin AFP và Reuters, ngày 2/10, trong một thông báo được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí áp đặt trong gần 4 thập kỷ qua với Việt Nam, VietnamPlus đã đưa.
Máy bay tuần thám biển P-3C Orion.
Nữ phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Ngài Ngoại trưởng đã thông báo với Ngài Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh rằng Bộ Ngoại giao đã thực hiện những bước đi nhằm cho phép chuyển giao các trang thiết bị quốc phòng liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai.”Trong một cuộc họp báo riêng rẽ, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc bán bất cứ loại vũ khí cụ thể nào cho Việt Nam sẽ được đánh giá trên cơ sở từng trường hợp một. Các quan chức này nhấn mạnh rằng, Washington sẽ tập trung cung cấp các hệ thống phòng thủ cho Việt Nam và “đây không phải là hành động chống Trung Quốc”.
Về chiếc P-3C Orion – Máy bay tuần thám biển hiện đại bậc nhất
Sau khi Mỹ quyết định nới lỏng lệnh cấm bán những loại vũ khí sát thương cho Việt Nam, máy bay P3C Orion sẽ là một trong những trang thiết bị quân sự đầu tiên được ưu tiên. Đây là loại máy bay hải quân đặt căn cứ trên đất liền với sứ mạng tuần thám biển, có khả năng săn tàu nổi cũng như tàu ngầm để phát hiện và hủy diệt.
Đặc tính kỹ thuật của máy bay: Chiều dài 116 feet, cao 33 feet, sải cánh 100 feet. Trọng lượng tối đa khi cất cánh 140,000 pounds với 4 động cơ cánh quạt bán phản lực (turboprop). Vận tốc tối đa 411 gút (hải lý/giờ) – trung bình là 328 gút. Cao độ bay tối đa 28,000 feet. Tầm hoạt động 2,400 hải lý – hay 1,400 hải lý nếu bay 3 giờ liên tục quanh mục tiêu ở độ cao 1,500 feet.
Phi hành đoàn trên chiếc P-3C Orion có 11 người, gồm: 3 phi công, 2 sĩ quan phi hành hải quân, 2 kỹ sư phi hành, 3 kỹ thuật viên điện tử và 1 nhân viên cơ khí.
Vũ khí trang bị: Tổng cộng 20,000 pounds, được mang trong hầm bom (trong khoang máy bay) hoặc đeo bên dưới và trên cánh, với nhiều loại hỏa tiễn và thủy lôi với những chức năng khác nhau: Chống chiến hạm nổi, bắn phá mục tiêu bất động trên mặt đất và tàu ngầm. Các hỏa tiễn chiến thuật không-hải và hỏa tiễn không chiến giúp cho P-3C Orion có thể đảm nhận sứ mạng chiến đấu tấn công trong nhiều điều kiện khi cần.
Trung bình mỗi phi vụ của P-3C Orion trong vòng khoảng 10 giờ, nhưng có thể kéo dài tới gần 20 giờ. Để tiết kiệm nhiên liệu, máy bay có thể tắt bớt một động cơ, thường là động cơ số 1 - phía ngoài bên trái. Khi đó, lượng khói thoát ra cũng giảm bớt, giúp cho tầm quan sát bằng mắt thường, nhất là khi bay ở cao độ thấp hay rất thấp, sát mặt biển. Cũng vì có thể bay lâu và nhờ những phương tiện điện tử mới, P-3C Orion đã trở thành loại máy bay do thám, chụp hình, thu tín hiệu liên lạc vô tuyến để nghiên cứu tại chỗ hoặc chuyển qua vệ tinh về căn cứ, thuộc loại “tuần thám biển” bậc nhất hiện nay.
Dòng P-3A Orion được dùng trong Hải Quân Hoa Kỳ từ năm 1962, do hãng Lockheed Martin chế tạo. Phiên bản cuối cùng là P-3C Orion (năm 1969), trong đó, tất cả đều được cải tiến và nâng cấp nhiều lần. Trong tổng số trên 700 chiếc đã sản xuất, hiện nay còn dùng khoảng 130 chiếc và đang được thay thế dần bằng P-8 Poseidon, 2 động cơ phản lực, với kỹ thuật cùng trang bị hiện đại hơn.
P-3C Orion đang được dùng ở nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ ở: Nam Mỹ, Châu Âu và trong vùng Thái Bình Dương, như Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines.