Chính phủ ngày càng khẳng định được bản lĩnh trước khó khăn, thách thức

21:13, 22/07/2021

Các đại biểu Quốc hội nhận định, Chính phủ sau kiện toàn ngày càng khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ, vai trò của mình trong ứng phó, đương đầu với những khó khăn, thách thức mà đất nước phải đối mặt. Thủ tướng đã đi vào tận tâm dịch, có những chỉ đạo rất kịp thời, xác đáng và rất linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh trong từng thời điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chiều 22/7, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025.

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ ấn tượng mạnh trước những dấu ấn của Chính phủ sau kiện toàn do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu.

Các đại biểu cho rằng, thời gian rất ngắn sau khi Chính phủ kiện toàn, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với mức độ nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, diễn biến hết sức phức tạp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức nỗ lực, quyết liệt trong ứng phó trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vaccine và phương châm “4 tại chỗ”, đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch; thúc đẩy mọi biện pháp có thể nhằm có vaccine sớm nhất, nhiều nhất để tiêm cho nhân dân.

“Đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát như một thử thách đối với Chính phủ sau kiện toàn. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh của Thủ tướng, luôn lặn lội, xông xáo, căng mình chống dịch. Thủ tướng đã đi vào tận tâm dịch, có những chỉ đạo rất kịp thời, xác đáng và rất linh hoạt để ứng phó hiệu quả với những diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh trong từng thời điểm”, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu.

Còn đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận định, trong phòng chống dịch bệnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sau kiện toàn đã ngày càng khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ, vai trò của mình trong ứng phó, đương đầu với những khó khăn, thách thức mà đất nước phải đối mặt.


Các đại biểu đánh giá cao những quyết sách, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Các đại biểu đánh giá cao những quyết sách, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong những tháng đầu năm 2021 rất ấn tượng khi tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm... Đặc biệt, trong hoàn cảnh khó khăn, Chính phủ đã luôn quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Các đại biểu Lương Quang Đoàn (An Giang), Đinh Ngọc Minh (Cà Mau), Lê Quân (Cà Mau)... đề nghị, thời gian tới Chính phủ tiếp tục cần kiên trì chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu kép phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến dịch bệnh ở từng địa bàn cụ thể. Đồng thời, thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vaccine; xây dựng các kịch bản phòng chống dịch bệnh gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội một cách hiệu quả và linh hoạt, phù hợp.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận định, Chính phủ sau kiện toàn đã ngày càng khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ, vai trò của mình trong ứng phó, đương đầu với những khó khăn, thách thức mà đất nước phải đối mặt. - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong bảo đảm ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục chú trọng đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn. Thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công, nhất là các công trình giao thông, năng lượng trọng điểm. Có các chính sách phù hợp, khả thi để thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển. Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, bảo đảm tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng đất đai...

Theo đại biểu Lương Quốc Doanh (đoàn An Giang), cần quan tâm đầu tư cho phát triển nông nghiệp nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo nghề cho nông dân. “Một là, đào tạo để chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Hai là, phải quan tâm đào tạo cho người nông dân, tăng cường kỹ năng cho người nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi thì chắc chắn là phát triển nông nghiệp khó, xây dựng nông thôn mới khó thay đổi”, ông Doanh phân tích.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đề nghị bổ sung thêm giải pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 26 của Trung ương. Tập trung phát triển lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh để đáp ứng được tình hình mới của đất nước.

Theo baochinhphu.vn