Chính phủ phê duyệt Đề án kiện toàn bộ máy thực thi chính sách về chuyển đổi số
Ngày 26/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
- Thủ tướng: Đề án 06 là một trong những 'điểm sáng' của chuyển đổi số trong 2 năm qua
- Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí: Gần 4% đạt xuất sắc
- Diễn đàn Chuyển đổi số Hải Phòng 2023 diễn ra vào ngày 27/12/2023
- Bà Rịa - Vũng Tàu thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh
- Chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số
- Đổi mới tham mưu, chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- Spider Player 2.1- Chương trình nghe nhạc đa năng
Nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định ba yếu tố con người, thể chế và công nghệ cơ bản quyết định thành bại của chuyển đổi số.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định trong công tác chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương. Một trong những bất cập được xác định là “điểm nghẽn” cần sớm khắc phục đó là bộ máy tổ chức, nhân lực cho chuyển đổi số chưa đồng bộ, còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều, còn hiện tượng “chảy máu chất xám”.
Với yêu cầu thực tiễn đó, Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ “Sớm ban hành và triển khai hiệu quả Đề án tăng cường, nâng cao năng lực chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương. Có giải pháp phát triển về số lượng và bảo đảm chất lượng nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, yêu cầu của Quốc hội nêu trên, ngày 26/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, Đề án xác định ba quan điểm cốt lõi:
Thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, không làm tăng biên chế cán bộ, công chức và tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước theo yêu cầu của Kết luận số 28-KL/TW ngày 21 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
Thứ hai, hình thành Mạng lưới chuyển đổi số rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở để huy động tối đa các nguồn lực xã hội, thu hút toàn dân tham gia chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Mạng lưới chuyển đổi số);
Thứ ba, bố trí đủ nguồn lực để phát triển, vận hành, duy trì các nền tảng số và các bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số.
Cụ thể, Đề án đặt ra năm mục tiêu chính đến năm 2025:
-
100% các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy chuyên trách về công nghệ thông tin để tăng cường thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
-
100% đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin được tăng cường nhân sự để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
-
100% cơ quan, đơn vị các cấp chú trọng bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
-
100% các tổ chức, cá nhân trong Mạng lưới chuyển đổi số được tiếp cận và sử dụng các nền tảng số, công cụ quản lý nhà nước về chuyển đổi số.
-
Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến các nền tảng số, công cụ phục vụ quản lý nhà nước về chuyển đổi số.
Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đã phân tích, đề xuất thực hiện đồng bộ 07 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm:
(1) Rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số ở Trung ương và địa phương theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp, cụ thể giữa các cơ quan Trung ương và giữa Trung ương với địa phương, xác định rõ nhiệm vụ do cơ quan nhà nước chủ trì triển khai; nhiệm vụ do cơ quan nhà nước chủ trì, thuê ngoài dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp; nhiệm vụ do cơ quan nhà nước chủ trì, huy động sự tham gia của xã hội để triển khai.
(2) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương;
(3) Xây dựng, phát triển, phổ biến các nền tảng số và bộ công cụ sử dụng thống nhất toàn quốc phục vụ quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số, bao gồm các nền tảng số và bộ công cụ: bồi dưỡng, tập huấn; tuyên truyền, phổ biến; quản lý dự án; khảo sát, thu thập ý kiến; đo lường, giám sát trực tuyến; kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý tri thức; trợ lý ảo; an toàn thông tin mạng.
(4) Nâng cao vai trò tham mưu, tư vấn, điều phối của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi là Ban Chỉ đạo).
(5) Phát triển lực lượng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật cho đội ngũ nhân lực chuyển đổi số.
(6) Thiết lập và đẩy mạnh hoạt động của Mạng lưới chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó xác định thành viên Mạng lưới chuyển đổi số bao gồm: Đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Cán bộ, công chức được Ủy ban nhân dân cấp xã phân công tham gia Mạng lưới chuyển đổi số; Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; Lãnh đạo và nhân sự của các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được cử tham gia Mạng lưới chuyển đổi số.
(7) Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Đề án, của Mạng lưới chuyển đổi số, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện chuyển đổi số và các nội dung của Đề án.
Việc Chính phủ phê duyệt Đề án này thể hiện quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực then chốt này. Đồng thời, tăng cường sự thống nhất, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương cũng như huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo Tạp chí Điện tử & Ứng dụng