Chính thức cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ
Chiều 17/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó loại bỏ hình thức đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
- Quốc hội phê chuẩn 2 Hiệp định “mở ra chân trời” phát triển mới
- Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV dự kiến họp trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử vì dịch Covid-19
- Quốc hội tính phương án làm việc trực tuyến
- Chính thức lên sóng kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam
- 7.50’ TRỰC TIẾP: Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
Chiều nay (17/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo với 446/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật này quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, một trong những điểm đáng chú ý là luật cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Với 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 90,27%), Quốc hội nhất trí loại bỏ hình thức đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong Luật Đầu tư (sửa đổi).
Quốc hội thống nhất đưa dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh.
Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Thảo luận về nội dung này, trước đó, nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ là cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 6 về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; Điều 7 về quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Điều 20 quy định về ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt và khoản 4 Điều 50 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi).
Sau đó, với 92,96% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng gồm 3 điều 1 sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Bổ sung Điều 5 Luật Xây dựng về loại, cấp công trình xây dựng và khoản 58 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 159 Luật Xây dựng về quản lý năng lực hoạt động xây dựng.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cũng nhằm tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, bảo đảm công khai minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Luật tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động đầu tư xây dựng, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thùy Dung