Chọn mô hình hiệu quả chuyển giao công nghệ tới miền núi

09:42, 15/07/2021

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ các mô hình hiệu quả từ chương trình cấp quốc gia sẽ chọn để ứng dụng trong nông nghiệp cho bà con dân tộc thiểu số.

Tại Hội nghị tổng kết chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia CTDT/16-20 và định hướng giai đoạn 2021-2025 tổ chức sáng 14/7, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Ủy ban Dân tộc đánh giá chương trình phối hợp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, giai đoạn 2016-2020, đã có 51 nhiệm vụ nghiên cứu được triển khai, đưa ra nhiều giải pháp cơ bản nhằm phát triển kinh tế vùng nông thôn miền núi và dân tộc thiểu số. Một số kết quả đã chuyển giao cho Ủy ban Dân tộc và các ban, bộ, ngành liên quan để tham mưu xây dựng và ban hành chính sách phục vụ phát triển dân tộc.

Tuy nhiên Bộ trưởng Đạt cũng thừa nhận, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nhất là vùng miền núi còn nhiều khó khăn. "Để phục vụ các dân tộc thiểu số luôn đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của các tổ chức chủ trì và sự dấn thân, cống hiến của các nhà khoa học", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện.

Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho rằng, nhiều nghiên cứu đã bám sát vào đời sống bà con dân tộc miền núi như bảo vệ phát triển rừng; tái định cư, thu hút lao động; dạy nghề, giải quyết việc làm; chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên ông Hải cũng chỉ ra một thực tế nhân lực khoa học công nghệ phục vụ phát triển vùng dân tộc miền núi có xu hướng giảm. Hầu hết các nhiệm vụ đều có thời gian thực hiện dài từ 30-36 tháng, nên thời điểm kết thúc tập trung chủ yếu vào cuối năm 2019 và 2020. "Việc này ảnh hưởng đến chuyển giao các kết quả nghiên cứu", Thứ trưởng Hải nói.

TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu cho biết, những nhiệm vụ nghiên cứu trong giai đoạn này đã tạo ra ngân hàng dữ liệu có nhiều giá trị khoa học mới, tạo nền tảng để nghiên cứu thực tiễn cho giai đoạn II (2021-2025). TS Linh đề xuất việc "xã hội hóa" dữ liệu nghiên cứu giai đoạn I để tránh "có vấn đề nghiên cứu nhưng không có dữ liệu", đồng thời tránh chồng chéo, trùng lặp, không để dữ liệu phân bố rời rạc. Ông Linh cũng đề xuất cần có đánh giá nghiên cứu nào được đưa vào ứng dụng thực tế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NX.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NX.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận các góp ý và cho biết sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đề xuất Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn II (2021-2025) để phục vụ triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chương trình tập trung nghiên cứu bổ sung một số vấn đề lý luận về dân tộc; xây dựng mô hình ứng dụng, giải pháp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật dựa trên nền tảng văn hóa, tri thức truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; nâng cao hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về các dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định giai đoạn tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục là cầu nối cho các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia khác, giới thiệu những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, mô hình kỹ thuật công nghệ và hỗ trợ đào tạo nhân lực, góp phần đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng đối với vùng đồng bằng nghèo, dân tộc thiểu số, việc tiếp cận những công nghệ còn khó khăn nên nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới chính sách cần có những kế hoạch cụ thể, đi xuống trực tiếp từng khu vực miền núi, tránh nói chung chung.

Theo Phó Thủ tướng, việc dần chuyển giao, tiếp cận những công nghệ mới sẽ góp phần thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận các kỹ năng lao động sản xuất mới nâng cao trình độ dân trí và đời sống bà con miền núi. Một trong số các công nghệ này là kinh tế số, dữ liệu lớn, kết nối vạn vật sẽ tạo ra những nguồn lực mới, vô hạn để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động hiệu quả...

Theo/vnexpress.net