Chống vi phạm BQPM: Thêm một “hồi chuông” được gióng lên
Sau vụ kiện vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) tại tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội vào ngày 17/1/2007 (nguyên đơn là Công ty CP Phần mềm Hà Nội kiện Công ty CP Thương mại Số), ngày 18/12/2013, tại TP. Hồ Chí Minh, Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức họp báo công bố khởi kiện Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai (Long John Dong Nai) do vi phạm BQPM máy tính.
Sau hơn chín năm chỉ áp dụng mức phạt vi phạm hành chính, đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam bị khởi kiện ra tòa vì hành vi vi phạm về BQPM máy tính.
Ông Tarun Sawney - Giám đốc phụ trách chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh phần mềm BSA (bìa phải), ở giữa là ông Vũ Ngọc Hoan - quyền Vụ trưởng Cục Bản quyền của Việt Nam và ông Hà Thân (bìa trái), Giám đốc Công ty CP Lạc Việt, một trong hai doanh nghiệp khởi kiện chia sẻ với các báo.
Long John Dong Nai là một doanh nghiệp Đài Loan, chuyên sản xuất vải để làm giày dép cho các thương hiệu như NIKE, ADIDAS, CONVERSE…, có trụ sở tại Lô 7, đường 5A, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã bị Công ty CP Lạc Việt và Công ty Microsoft Việt Nam cáo buộc hành vi sử dụng phần mềm (PM) bất hợp pháp với số lượng lớn, thuộc quyền sở hữu của hai doanh nghiệp này.
Hai doanh nghiệp trên ước tính, số PM bị Long John Dong Nai sử dụng bất hợp pháp lên tới gần 1 tỷ đồng (khoảng 45.000 USD). Trước những chứng cứ do Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với Phòng 4, C50 thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ công an kiểm tra đột xuất vào ngày 17/6/2013, Long John Dong Nai đã phải ký vào Biên bản thanh tra, thừa nhận có hành vi sao chép, sử dụng PM máy tính bất hợp pháp là vi phạm Luật.
Toàn cảnh buổi họp báo.
Phát biểu tại cuộc Họp báo, ông Vũ Ngọc Hoan, quyền Vụ trưởng Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm và đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc đấu tranh chống vi phạm BQPM. Năm 2007 Chính phủ có Chỉ thị 04 và năm 2008 Chính phủ ra tiếp Chỉ thị số 36 về vấn đề bản quyền. Nhờ vậy, tỷ lệ vi phạm bản quyền nói chung và phần mềm máy tính nói riêng đã giảm được 11 điểm, từ 92% của năm 2004 xuống còn 81% năm 2011, và ông kỳ vọng có thể giảm xuống còn 60% trong những năm tiếp theo, đạt mức trung bình của các nước trong khu vực.
Tới đây, Chính phủ sẽ tổng kết 5 năm thi hành Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Theo ông Hoan, để đạt được mức trung bình của các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc nâng cao nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Ngoài việc tổ chức các Hội thảo, tuyên truyền về công tác này, việc xử lý nghiêm khắc những đơn vị, cá nhân vi phạm bản quyền cũng rất cần thiết. Trong 3 biện pháp (dân sự, hình sự và hành chính), tới đây chúng ta sẽ tăng dần biện pháp dân sự và hình sự, nghĩa là sẽ khởi kiện ra tòa nhiều hơn những đối tượng vi phạm về hành vi này thay vì chỉ sử lý hành chính như lâu nay để tăng tính răn đe.
Còn ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BSA, ông cho biết, trường hợp khởi kiện đầu này sẽ mang tính đột phá để xử lý hiệu quả việc vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.
Thanh Trà