Chủ tịch WEF đánh giá cao tiềm năng đổi mới sáng tạo của giới trẻ Việt Nam
Sáng 6/10, GS. Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - đã có buổi nói chuyện với các doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên và công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM với chủ đề "Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”.
Mở đầu buổi nói chuyện, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng quá trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi các quốc gia cũng như địa phương phải luôn không ngừng phát triển, hợp tác và tịnh tiến với xu thế toàn cầu. Trong đó, nền kinh tế tri thức chính là tương lai và những hành động quyết liệt từ thế hệ trẻ sẽ là yếu tố quyết định thành công của quốc gia.
Theo ông Mãi, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung. Đất nước đang cần những cá nhân có bản lĩnh, có trí tuệ và lòng yêu nước để xây dựng và đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng trong tương lai.
Sáng ngày 6/10, GS. Schwab và ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi đi bộ ngắm cảnh TP.HCM Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đã giới thiệu về tổng quan về TP.HCM.
“GS. Klaus Schwab là người tiên phong trong việc đưa ra những dự báo và phân tích sâu sắc về các xu hướng phát triển của thế giới. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng hầu hết các bạn trẻ trong khán phòng ngày hôm nay cũng đang cảm thấy một niềm vinh hạnh và vui mừng khi một chuyên gia hàng đầu của thể giới hiện diện tại đây để truyền tải kiến thức và khơi dậy nguồn cảm hứng, đam mê về khám phá tri thức, nghiên cứu khoa học cho giới trẻ.
Tôi tin rằng, với khát vọng và năng lực của mình, các bạn trẻ sẽ lập nên những kỳ tích mới, góp phần xây dựng một Thành phố sáng tạo, hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục”, ông Mãi nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM.
Trao đổi với các doanh nhân trẻ và sinh viên tiêu biểu của TP.HCM, GS Klaus Schwab đánh giá Việt Nam với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6 đến 7% và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30 tuổi, là một quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD vào năm 2050.
Trong đó, 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam gồm: AI và Tự động hóa trong sản xuất; Thương mại điện tử và Dịch vụ số; Hạ tầng số và Đô thị thông minh; Phát triển bền vững và Công nghệ xanh.
Dù những tiến bộ công nghệ của “Kỷ nguyên trí tuệ” mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng đem đến những thách thức mà thời đại này đặt ra đối với xã hội, đó là nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng nếu không được quản lý cẩn thận.
Khi AI và tự động hóa tái định hình các ngành công nghiệp, một số công việc sẽ có nguy cơ mất đi. Đối với một quốc gia có một lực lượng lao động lớn phụ thuộc vào sản xuất và nông nghiệp như Việt Nam, đây quả thực là một thách thức nghiêm trọng.
GS. Klaus Schwab là một nhà kinh tế và kỹ sư nổi tiếng toàn cầu. Ông là người sáng lập và Chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
“Các bạn chính là tương lai của Việt Nam và những chuyển đổi mà chúng ta đang thảo luận hôm nay về công nghệ, kinh tế và xã hội chính là những yếu tố sẽ định hình sự nghiệp, cơ hội và cuộc sống của các bạn. Kỷ nguyên trí tuệ không chỉ là một khái niệm trừu tượng mà nó là thực tế mà các bạn sẽ sống, đóng góp và dẫn dắt. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, internet vạn vật và công nghệ sinh học đang mở ra những không gian cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chưa từng tồn tại trước đây”, GS Klaus Schwab chia sẻ.
Theo GS Klaus Schwab, Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đặc biệt là các ngành STEM. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ trang bị kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong nền kinh tế số toàn cầu. Sự trỗi dậy của nền kinh tế số Việt Nam giúp thế hệ trẻ có cơ hội làm việc với nhiều người, nhiều doanh nghiệp và ý tưởng từ khắp nơi trên thế giới.
GS Klaus Schwab cho rằng thành công trong “Kỷ nguyên trí tuệ” không chỉ đòi hỏi kỹ năng công nghệ mà còn sự sáng tạo, kiên trì và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Thế hệ trẻ Việt Nam đã thể hiện sự linh hoạt cùng sự sáng tạo và sẽ là những người dẫn đầu trong làn sóng đổi mới của Việt Nam ở những năm tới.
“Tôi muốn chia sẻ với các bạn một phép ẩn dụ về kỹ năng lãnh đạo mà tôi tin là rất cần thiết để định hướng vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của “Kỷ nguyên Trí tuệ”.
Trong phép ẩn dụ này, kỹ năng lãnh đạo cũng giống như cơ thể con người vậy. Nó bao gồm 5 yếu tố thiết yếu phải phối hợp chặt chẽ với nhau để dẫn dắt một cách có hiệu quả và có mục đích đó là: tâm hồn, bộ não, trái tim, cơ bắp và hệ thần kinh. Mỗi yếu tố đều đóng một vai trò độc nhất và không thể thay thế và chỉ khi biếttích hợp cả 5 yếu tố này thì chúng ta mới có thể trở thành những nhà lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của tương lai”, GS Klaus Schwab.
Có mặt tại buổi nói chuyện của GS. Klaus Schwab, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen – nhận định những chia sẻ của Giáo sư Klaus sẽ giúp cho doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, trí thức trẻ tiếp cận tầm nhìn của một chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu về kinh tế tri thức. Thế hệ trẻ TP.HCM hiểu rõ hơn vai trò của nguồn nhân lực, của công nghệ trong sự phát tiển kinh tế. Đồng thời là cơ hội để trí thức trẻ thành phố nắm bắt những cơ hội toàn cầu, kết nối với thế giới và ngược lại trong xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức.
“Với tầm nhìn của một trường Đại học đạt chuẩn quốc tế, nơi hội tụ, giao thoa tinh hoa giáo dục quốc tế, Đại học Hoa Sen sẽ duy trì thường niên những sự kiện quốc tế ý nghĩa như thế này, để trí thức trẻ, doanh nghiệp trẻ thành phố được tiếp cận các nhà khoa học, chuyên gia giỏi toàn cầu, giúp tri thức Việt Nam dễ dàng hơn trong kết nối với tri thức toàn cầu”, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy nói.