Chuyển đổi số cần tầm nhìn xa để thực hiện
Chuyển đổi số chính là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một quá trình cần thiết để hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ công dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đất nước.
Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) và bước đầu thu được những kết quả tích cực. Việc TP. Hồ Chí Minh luôn nỗ lực, mạnh mẽ xây dựng vận hành hiệu quả chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số chính sẽ giúp TP ngày một phát triển nhanh, bền vững.
Xây dựng một số khu công nghệ thông tin tập trung
Nói đến vấn đề quan trọng trên, ThS. Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm CĐS TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực để thực hiện các mục tiêu cao cả trên, đồng thời xác định CĐS là một quá trình lâu dài, cần thời gian, lộ trình và tầm nhìn xa để thực hiện.
Do đó, trong thời gian tới để đẩy mạnh CĐS trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính phủ điện tử, các nhiệm vụ, giải pháp cần chú trọng vào các nội dung sau:
Một là hoàn thiện môi trường pháp lý: Tiếp tục thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung văn bản pháp lý cho các hệ thống thông tin quan trọng của TP để tạo hành lang pháp lý trong quá trình tổ chức, thực hiện. Đồng thời, ban hành các văn bản và quy định quan trọng (cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử TP, quy chế quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu của TP); ban hành quy chế vận hành, khai thác Hệ thống quản trị thực thi TP trên nền tảng số; tham mưu triển khai Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của chính phủ trên môi trường số.
Hai là phát triển hạ tầng kỹ thuật: Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu TP có ít nhất 2 trung tâm dữ liệu và được kết nối đồng bộ để phục vụ các hệ thống thông tin của TP; phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT), triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, môi trường, năng lượng, điện, nước,… để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số; tổ chức xây dựng Đề án xây dựng một số khu công nghệ thông tin tập trung.
Ba là phát triển các hệ thống nền tảng: Đưa vào vận hành thử nghiệm các nền tảng như ứng dụng trên di động công dân thống nhất của TP, nền tảng số hóa, lưu trữ tài liệu điện tử TP, Cổng Thông tin điện tử TP. Hồ Chí Minh, nền tảng hỗ trợ quản lý…
TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh việc số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền.
Bốn là phát triển dữ liệu: Tiếp tục triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu TP; phát triển, cải tiến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) TP, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân; triển khai hiệu quả Hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số; phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của TP (mở rộng, hoàn thiện Cổng dữ liệu mở của TP nhằm cung cấp, chia sẻ tài nguyên dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp (DN) và khuyến khích người dân tích cực tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội…).
Năm là số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền: Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành và khai phá văn bản, bảo đảm kết nối, liên thông trao đổi văn bản điện tử qua tất cả các cấp chính quyền của TP, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia và các nguồn văn bản hành chính của các cơ quan nhà nước (CQNN); các loại công văn giấy tờ hành chính cần được hỗ trợ khai thác, sử dụng bởi các hệ thống khai phá văn bản; tổ chức khai thác dữ liệu để thay thế một số giấy tờ trong hồ sơ khi người dân, DN thực hiện TTHC…
Sáu là phát triển các ứng dụng, dịch vụ: Phát triển các ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động nội bộ các CQNN; xây dựng, hoàn thiện phần mềm ứng dụng phục vụ chỉ đạo điều hành trong các CQNN thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ và với các đơn vị khác để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo liên kết, chia sẻ, kết nối với Hệ thống thông tin Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công TP; tập trung triển khai các phần mềm tác nghiệp chuyên ngành nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và DN.
Bảy là phát triển ứng dụng, dịch vụ CNTT phục vụ người dân và DN: Triển khai Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá việc giải quyết TTHC, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện triển khai dịch vụ công trực tuyến kết hợp với dịch vụ nhận và chuyển phát hồ sơ qua bưu điện.
Tám là bảo đảm an toàn thông tin (ATTT): Hoàn thành phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; tổ chức các hoạt động kiểm tra thường xuyên, diễn tập về ATTT mạng; kiện toàn, nâng cao năng lực và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ứng cứu sự cố ATTT mạng; tham gia tích cực vào các hoạt động của Mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia; tăng cường chia sẻ, cung cấp thông tin về sự cố an toàn mạng.
“Đặc biệt cầm bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm, giai đoạn 5 năm”, ThS. Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh.
Sớm hoàn thiện các quy trình để hỗ trợ công tác phát triển chính quyền số
Bên cạnh những nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện trên, ThS. Võ Thị Trung Trinh cho rằng cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường các khóa tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và ATTT mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó cần đẩy mạnh công tác truyền thông theo nhu cầu của các sở, ban, ngành, quận, huyện, đồng thời tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách về ATTT của TP.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm CĐS TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên dựa trên các giải pháp: Truyền thông, tuyên truyền nội dung, các kết quả triển khai chính phủ điện tử hướng tới chính quyền số; thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân, nâng cao độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng hoạt động của chính quyền; xây dựng chính sách khuyến khích người dân và DN thực hiện các giao dịch điện tử, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó đẩy mạnh việc nghiên cứu mô hình chính quyền số như Khung mô hình chính phủ số mới (Digital Government Model Framework) của Liên hợp quốc bao gồm 6 động lực của Chính phủ số (lãnh đạo số; tập trung vào dữ liệu; danh tính số hợp pháp; tham gia điện tử hiệu quả; văn hóa số; hạ tầng số).
“Việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược quản trị dữ liệu gắn liền với kế hoạch triển khai Chính quyền số hay sớm hoàn thiện các quy trình để hỗ trợ công tác phát triển chính quyền số; phát triển các mô hình kết hợp giữa cơ quan nhà nước, DN… cũng luôn là điều cần thiết để TP tập trung thực hiện hiện nay”, ThS. Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh./.